"Chiêu cao tay"
Thay vì đóng cửa liên tục từ ngày 20/11 đến hết năm 2014, Khu du lịch Đại Nam vừa ra thông báo sẽ mở cửa đón khách miễn phí các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật trong các tuần cuối năm 2014.
Như vậy với thông báo trên có thể thấy chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, Công ty CP Đại Nam đã liên tục thay đổi về kế hoạch tạm ngừng đóng cửa Khu du lịch (KDL) Đại Nam.
Trước đó, thông báo được đăng tải 4/11 cho biết, KDL Đại Nam sẽ đóng cửa từ ngày 10/11 đến hết năm 2014, tuy nhiên đến ngày 10/11 thời gian đóng cửa được lùi lại đến ngày 20/11 đến 31/12/2014. Cuối cùng, thông báo mới nhất cho biết trong thời gian đóng cửa từ 20/11 – 31/12/2014, thay vì việc ngừng hoạt động liên tục, Đại Nam vẫn mở cửa miễn phí cho khách vé thăm quan, riêng trò chơi sẽ tính phí bình thường.
Một góc Khu du lịch Đại Nam |
Quyết định thay đổi lịch đóng cửa Khu du lịch Đại Nam được ông Dũng đưa ra sau khi du khách nhiều nơi ùn ùn kéo đến Khu du lịch Đại Nam. Việc lùi thời gian đóng cửa KDL Đại Nam cũng như việc mở cửa miễn phí các ngày 6,7 và chủ nhật các tuần từ 20/11 đến 31/12/2014 được Công ty CP Đại Nam lý giải nhằm giảm bớt lượng khách tập trung, đảm bảo vấn đề sức khỏe người dân và du khách.
Tuy nhiên ở khía cạnh nào đó dư luận vẫn thấy sự thay đổi trong việc lùi lịch đóng cửa Khu du lịch Đại Nam cho thấy tín hiệu nhượng bộ của UBND tỉnh Bình Dương cũng như Công ty CP Đại Nam trong việc giải quyết khúc mắc, mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, việc lượng khách du lịch bất ngờ kéo đến Khu du lịch Đại Nam sau tuyên bố của ông Huỳnh Uy Dũng nói lên nhiều điều: Thứ nhất, Đại Nam vẫn là điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút rất lớn khách du lịch nhiều địa phương. Thứ hai từ lượng khách du lịch tăng vọt cho thấy tầm quan trọng của Khu du lịch Đại Nam với ngành du lịch Bình Dương.
"Chiêu" làm thương hiệu?
Tuy nhiên, ngay sau thông báo đóng cửa và hình ảnh khách du lịch rầm rộ kéo đến khu du lịch Đại Nam gây ra cảnh hỗn loạn, tắc nghẽn giao thông ở khu vực này xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, câu chuyện về việc đóng cửa Đại Nam dường như chuyển sang chiều hướng khác khi có ý kiến cho rằng, không cần bất cứ lời PR nào, Đại Nam bỗng chốc được hàng triệu người dân cả nước biết đến.
Cùng với đó, cũng đã có không ít lời bàn tán phải chăng đây là chiêu PR, làm thương hiệu của ông Huỳnh Uy Dũng? Và truyền thông đang bị ông Dũng lò vôi dẫn dắt?
Tuy nhiên, trao đổi với PV, chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng: “Rất khó để nói đây là chiêu làm thương hiệu bởi không ai lấy việc đóng cửa doanh nghiệp để làm thương hiệu”.
Phân tích kỹ hơn, ông Tùng nêu quan điểm: Khu du lịch Đại Nam là điểm du lịch nổi bật, trong đó có hàng nghìn lao động đang làm việc nếu đưa thông tin đóng cửa để làm thương hiệu sẽ dễ dẫn đến hiệu ứng tiêu cực. Do đó đây có thể chỉ là cách làm nhằm đối phó với chính quyền địa phương vì những khúc mắc không được giải quyết.
“Tôi cũng chưa từng chứng kiến việc một doanh nghiệp lớn tuyên bố đóng cửa để làm thương hiệu bao giờ bởi sự tổn hại đến thương hiệu là rất lớn”, ông Tùng nói.
Tương tự với truyền thông, chuyên gia Marketing Hoàng Tùng nhận định: “Truyền thông không bị Khu du lịch Đại Nam dẫn dắt. Nếu ta nhìn truyền thông là một sản phẩm hướng tới người tiêu dùng thì truyền thông cần phải theo đuổi những sự vụ có được sự quan tâm của người tiêu dùng. Và người tiêu dùng quả thực đang quan tâm đến số phận của Khu du lịch Đại Nam”.
“Cá nhân tôi chỉ mong muốn giữa doanh nghiệp và chính quyền giải quyết ổn thỏa và hướng tới người tiêu dùng. Người tiêu dùng tiếp tục có được địa điểm vui chơi để lựa chọn. Người lao động giữ được công ăn việc làm. Doanh nghiệp tiếp tục phát triển và chính quyền từ đó thu được thuế từ hoạt động doanh nghiệp. Đó là giải pháp tốt nhất”, ông Tùng kết luận.
Theo GDVN