Phải sử dụng nước nhiễm độc, giá thành cao kèm theo phí dịch vụ “trên trời” mà chất lượng phục vụ như ... vùng sâu vùng xa đang khiến các hộ dân sống tại tòa nhà CT2A khu đô thị Tân Tây Đô, xã Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) bức xúc.
Nhiều cư dân bế cả con nhỏ đi để phản đối chủ đầu tư
Phí cao… nước vẫn bẩn
Theo phản ánh của người dân sống tại tòa nhà CT2A, chung cư Tân Tây Đô do Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư, hiện họ đang phải sống trong sự lo âu bởi nguồn nước nhiễm độc chưa được khắc phục, song vẫn phải trả giá nước cao hơn giá nước sạch.
Đồng thời, cư dân cũng phải chịu mức phí dịch vụ cao mà chất lượng dịch vụ lại kém so với mặt bằng trong khu vực. Chưa có sự rõ ràng, dân không đồng ý với mức phí này thì ban quản lý lại tự ý cắt nước mà không thông báo với các cư dân. Dẫn đến nhiều người đã căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu ban quản lý và chủ đầu tư giải quyết ngay những nhu cầu bức xúc của cư dân.
Một cư dân sống trong tầng 11 tòa nhà CT2A cho biết: “Nước qua xử lý rồi nhưng nhà tôi vẫn thấy đục và lắng cặn. Ngày nào cũng phải mua bình nước lọc hơn 40 nghìn về để ăn uống và tắm cho cháu nhỏ”.
Tương tự, anh Ngọc ngụ tại tòa nhà CT2A cũng bức xúc: “Dịch vụ không tốt, an ninh không đảm bảo, vệ sinh không sạch sẽ, hệ thống thang máy không có thẻ quẹt. Đã có vụ trộm cậy cửa vào căn hộ. Không những phí dịch vụ cao mà giá nước cũng vậy, nước bẩn, xử lý rồi nhưng vẫn thấy có màu vàng”.
Anh Nguyễn Xuân Chinh, Phó ban đại diện tòa nhà chung cư CT2A cho biết: “Bởi phí dịch vụ này quá cao mà cung cách phục vụ không đáp ứng tốt nên người dân không đồng tình mức phí này chứ không phải không đóng. Chưa giải quyết thỏa đáng cho cư dân thì ban quản lý tự ý cắt nước dẫn đến dân cư đứng lên đòi lại quyền lợi. Trong hợp đồng mua nhà cũng không ghi rõ giá tiền dịch vụ phải nộp nên khi giao nhận nhà cư dân vẫn ký và không hề hay biết. Còn vấn đề nước sạch hiện nay vẫn chưa được xử lý, nước nhiều hôm vẫn đục, có lắng cặn và hàm lượng asen vượt quá mức cho phép 3 lần. Nhưng vẫn phải trả giá nước cao hơn so với nước sạch thành phố nên các cư dân phản đối”.
Nước trong một hộ dân tại tầng 12 tòa nhà CT2A
Ban quản lý nói gì?
Theo tìm hiểu của PV, phí dịch vụ tòa nhà CT2A (7.300 đồng/m2) đắt hơn một số tòa nhà trong cùng khu vực. Ngay cạnh có tòa nhà CT1B thuộc chủ đầu tư Xuân Phương thu phí dịch vụ 3.200 đồng/m2. Tòa nhà bên Tân Việt thu mức phí 2.500 đồng/m2. Trong đó hệ thống dịch vụ đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ, an ninh đảm bảo. Cầu tháng máy có quẹt thẻ điện tử.
Còn nước tại tòa nhà CT2A có màu vàng và lắng cặn.Thế nhưng, nơi lọc nước từ giếng khoan bơm lên các tòa nhà chung cư, chúng tôi nhận thấy trên mặt nước ở bể phơi nước trong hơn trước nhưng có nổi bọt.
Lý giải về phí dịch vụ ông Đặng Tiến Tiếp, Trưởng ban quản lý tòa nhà CT2A thuộc công ty Hải Phát cho biết: “Do hiểu nhầm giữa chủ đầu tư và cư dân về vấn đề phí dịch vụ. Căn hộ ở đây là căn hộ thương mại nên phí dịch vụ phải tuân theo căn nhà thương mại chứ không phải như dân cư nói nhà ở xã hội”.
Khi PV đưa ra những bất hợp lý cùng trong khu vực, vậy tại sao bên Xuân Phương chỉ thu phí 3.200 đồng/m2 còn Tân Việt 2.500 đồng/m2 thì được ông Tiếp gỡ rối: “Xuân Phương họ tính diện tích theo tim tường, còn bên tôi tính theo thông thủy nên giá khác nhau”. Khi muốn được xem giấy tờ liên quan đến phía chủ đầu tư họp bàn về giá dịch vụ ông Tiếp không đưa ra được và hứa sẽ gửi lại sau.
Theo ông Tiếp, ngày 1/7 Ban quản lý mới thu phí dịch vụ, cả tòa nhà có 350 căn hộ thì có 280 căn hộ đã đóng phí còn 60 hộ họ chống đối. Trước khi cắt nước cũng có làm thông báo ra hạn nhưng vẫn không ai tới nộp. Trong bản hợp đồng bàn giao nhà mà cư dân ký trong điều 4.4 cũng ghi rõ và cứ như vậy chúng tôi làm.
Sau đó, PV đề cập đến vấn đề trong bản hợp đồng bàn giao nhà cho cư dân cũng không ghi rõ mức phí dịch vụ là 4.000/m2 nên dân mới ký, không thấy ông Tiếp nói gì.
Vấn đề về nước ông Tiếp cũng thừa nhận rằng: “Nước nhiễm bẩn là có và đơn vị cấp nước họ xử lý chưa tốt dẫn đến nước không được sạch. Giá cao thì trong cuộc họp các bên cũng đã có kiến nghị với đơn vị cấp nước giảm giá xuống nhưng cũng phải chờ họ trả lời, chứ bên tôi cũng chỉ là người mua lại nước rồi bán cho dân”.
Phí dịch vụ mà công ty Hải Phát đưa ra
Ông Huỳnh Tiến Hùng, Trưởng Ban quản lý dự án Tân Tây Đô, đơn vị cấp nước cho biết: “Trước đó, tháng 10, nhà máy nước của chúng tôi gặp sự cố nên để xẩy ra tình trạng trên và cũng cho xử lý. Còn hiện giờ tôi khẳng định nước tại nhà máy đã trong, không đục, vàng và tanh. Đơn vị cấp nước cũng cho đi kiểm tra có chứng kiến của dân. Nếu giờ vẫn đục thì có thể do hai nguyên nhân là phía chủ đầu tư họ chưa thau rửa sạch bể téc ở trên và bể ngầm ở dưới khi chúng tôi gặp sự cố nên vẫn còn bám lại".
“Còn vấn đề nước nhiễm asen gấp 3 lần thì có. Chúng tôi thừa nhận và đang có biện pháp để khắc phục”. Mới đây UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu thanh tra và Sở Y tế về để kiểm tra, lấy mẫu xét ngiệm lại một lần nữa trong tuần này sẽ có kết quả. Hiện tại đơn vị đang cho xây mở rộng bể phơi và bể xử lý asen.
Theo cam kết, nhanh nhất tháng 1/2015 là dân có nước sạch dùng. Bởi khi làm cần phải có lộ trình, từng khâu xử lý và điều chỉnh mẫu nước bao giờ sát với mức cho phép lúc đấy mới xong. “Chúng tôi cũng hứa và cố gắng trước Tết âm lịch là có nước sạch cho dân”.
“Còn giá nước sắp tới sẽ có một đơn vị khác vào đấu thầu và trực tiếp ký hợp đồng với dân. Lúc đấy giá nước sẽ theo giá nước của UBND thành phố. Bây giờ vẫn giữ giá 7.000 đồng/m3”, ông Hùng nói.