Khi ngân hàng đổ vốn lớn vào bất động sản: Cẩn thận với "xiếc giá"!

Thứ ba, 20/01/2015, 10:50
Giới đầu tư, kinh doanh BĐS đang xôn xao về những thương vụ tài trợ vốn "khủng" của NH dành cho chủ đầu tư DÁ. Mối quan hệ cộng sinh hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên, nhất là khi biết vận dụng tốt hiệu ứng "đám đông" để làm "nóng" thị trường BĐS.

Hình ảnh các ngân hàng quốc doanh "sóng đôi" với tập đoàn, tổng công ty, DNNN lớn giờ có lẽ đã… lạc hậu. Vì ngân hàng lớn đang hăm hở tài trợ vốn cho các công ty tư nhân mới nổi ở lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS.

"Lời hứa"… 20.000 tỷ đồng

Sau Đại hội cổ đông năm 2014, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã:CTG) đã có sự thay đổi đáng chú ý về mặt nhân sự, chiến lược kinh doanh, quản trị rủi ro. Liên tiếp các chương trình hợp tác toàn diện kèm các khoản tài trợ vốn khủng được Vietinbank ký kết với các công ty đầu tư BĐS tư nhân.

Ngày 30/7/2014, Vietinbank đã ký kết hợp tác toàn diện với Công ty CP Tập đoàn FLC, kèm theo cam kết tài trợ khoản vốn lên tới 20.000 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD, gấp 13 lần vốn điều lệ khi ấy của FLC). Số vốn này sẽ dùng triển khai các dự án BĐS trong giai đoạn 2014 - 2020 của FLC.

Chỉ 6 tháng sau, ngày 18/1/2015, Vietinbank lại tiếp tục gây "choáng" khi ký kết chương trình hợp tác toàn diện với Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh. Địa ốc Đất Xanh cũng đã được ngân hàng cam kết tài trợ vốn 20.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2020, phân bổ đều cho mỗi năm là 4.000 tỷ đồng.

Ngân hàng sẽ cấp tín dụng, bảo lãnh cho các dự án của Địa ốc Đất Xanh và đơn vị thành viên, cấp vốn cho nhà thầu thi công. Đồng thời, khách hàng mua sản phẩm sẽ được ngân hàng hỗ trợ vốn vay.

Nhiều ngân hàng lớn đang hăm hở tài trợ vốn cho các doanh nghiệp BĐS mới nổi

Việc Vietinbank đẩy mạnh cho vay không có gì lạ, vì năm 2014, ngân hàng phải đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới 12% trong bối cảnh kinh doanh rất khó khăn.

Thực tế, từ cam kết cho vay đến thực hiện giải ngân là một quá trình tuân thủ quy định rất khắt khe. Cam kết ấy chỉ được chắc chắn thực hiện khi hai bên ký kết hợp đồng tín dụng, mà trước đó, doanh nghiệp đã phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: có dự án đầu tư, tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi, có nguồn tiền trả nợ… Nếu không, cam kết tài trợ vốn sẽ chỉ mang tính chất… hứa hẹn!

Để xóa tan hoài nghi về những lời cam kết tài trợ vốn "ảo", Vietinbank đã ký ngay một hợp đồng tín dụng với Địa ốc Đất Xanh để phục vụ triển khai dự án CT 15 (thuộc khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội) trong quý I/2015. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng, cung cấp 406 căn hộ giá rẻ.

Và giá sẽ "nhảy múa"?

Được ngân hàng hậu thuẫn, lãnh đạo Địa ốc Đất Xanh cũng công bố, mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 4.000 - 6.000 sản phẩm giá trung bình và 2.000 - 4.000 sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Mức giá bán chưa được tiết lộ, nhưng một dự án của Địa ốc Đất Xanh được Vietinbank cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng là Sunview Town chỉ có giá dưới 15 triệu đồng/m2.

Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch của Tập đoàn FLC, tập đoàn khá dư dả vốn trong năm 2014 nên không cần vay ngân hàng. Vietinbank đã thực hiện giải ngân cho dự án FLC ở Thanh Hóa nhưng công ty chưa vay. Nhưng, "năm 2015, khi FLC triển khai một loạt dự án thì mới cần vay ngân hàng. Khoản vay được bảo đảm bằng chính dự án BĐS. Mà giá trị tài sản của FLC hiện được định giá lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng", ông Quyết nhấn mạnh.

Sự "dư dả" vốn của FLC cũng được phản ánh trên báo cáo tài chính, khi trong 9 tháng đầu năm 2014, tập đoàn này chủ yếu "tiêu" tới 3.447 tỷ đồng vào đầu tư mua sắm, xây dựng tài sản cố định, cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác, góp vốn đầu tư vào công ty khác… FLC không báo cáo về chi phí đầu tư đã "bơm" vào các dự án BĐS tại Hà Nội, Thanh Hóa.

Không ít nhà đầu tư lo ngại, nếu FLC và Địa ốc Đất Xanh tăng quy mô vay nợ quá nhanh, lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì chi phí tài chính rất lớn, giá bán nhà sẽ bị "đội" lên cao.

Hiện, chưa rõ Vietinbank sẽ thực hiện "cam kết" tài trợ 40.000 tỷ đồng cho FLC và Địa ốc Đất Xanh ra sao cũng như thẩm định thế nào tính khả thi của các dự án BĐS hoành tráng dùng làm tài sản bảo đảm. Hiệu ứng đã thấy rõ là sau lời hứa của Vietinbank và sự có mặt của một số ngân hàng lớn khác, các dự án của hai đại gia địa ốc này lập tức "sốt nóng" trên thị trường, tạo điều kiện giới đầu cơ đẩy giá lên.

Theo NDH

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích