Được nâng cấp từ tháng 9/2014 và đi vào hoạt động ngày 29/4/2015 với kinh phí đầu tư gần 430 tỷ đồng, phố đi bộ Nguyễn Huệ dài 670m, rộng 60m, sức chứa gần 6.000 người. Chỉ trong vòng nửa tháng kể từ ngày vận hành, công trình này trở thành cú hích để các chủ nhà cá thể hoặc chủ mặt tiền cao ốc thúc giá thuê mặt bằng khu này tăng khá mạnh dù tình hình kinh doanh của các tiểu thương nơi đây trong tình cảnh ế ẩm.
Khảo sát cho thấy, khách thuê một cửa hàng có mặt tiền rộng 4m, sâu 27m, một trệt một lầu, tổng diện tích 216m2 trên đường Nguyễn Huệ tiết lộ đang bị chủ nhà chào giá thuê mới. Trong quý I/2015 mặt bằng này vẫn giữ giá 10.000 USD một tháng thì nay mức giá đề nghị cho thuê từ đầu tháng 5 là 12.000 USD.
"Từ mức thuê 46,3 USD mỗi m2 một tháng vọt lên gần 56 USD, tức là tăng 17,3% mỗi m2 và tăng 20% nếu tính trên tổng giá trị thuê mặt bằng", vị này nói.
Cách đó khoảng vài chục căn, một mặt bằng khác có mặt tiền 4m, sâu 18m, có 2 lầu, tổng diện tích 114m2 cùng tọa lạc trên tuyến đường này cũng bị áp giá thuê từ 10.000 USD lên 12.000 USD một tháng từ giữa tháng 5, tăng 20% so với trước khi phố đi bộ vận hành. Nếu tính trên m2, mặt bằng này có mức giá chào thuê mới là 105 USD mỗi m2 một tháng. "Tăng chi phí mặt bằng tức là tăng thêm thách thức cho chúng tôi", chủ cửa hàng trần tình.
Bất chấp tình hình kinh doanh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ không mấy khả quan, mặt bằng bán lẻ trên tuyến phố hiện đại này vẫn rục rịch tăng giá vì vị thế độc nhất vô nhị của quảng trường này. Ảnh: Duy Trần |
Một cửa hàng khác là mặt tiền gian sảnh của tòa cao ốc trên đường Nguyễn Huệ, nằm cách khách sạn Rex 10 phút đi bộ, có giá thuê còn cao hơn, khoảng 120 USD mỗi m2 một tháng. Chủ quán này cho hay tuy chủ tòa tháp chưa đặt vấn đề tăng giá thuê nhưng chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống này.
"Nếu kinh doanh tốt thì tăng giá không nói làm gì, trường hợp bán buôn ế ẩm vẫn phải chịu áp lực phí mặt bằng cao, có lẽ chúng tôi khó trụ lại", người này tâm sự.
Trong khi đó, khách thuê ở một số toà cao ốc trên tuyến phố này cho biết đã được thông báo tăng giá, từ 4 đến 6 USD một m2, tức mỗi tháng khách thuê ở phải khoảng 20-25 USD cho một m2.
Ghi nhận vào dịp cuối tuần, tức thời gian cao điểm của hàng quán trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, tình hình kinh doanh chung của khu vực khá ảm đạm. Ngoại trừ các cửa hàng F&B (ăn uống) đông khách, số còn lại buôn bán không mấy khả quan.
Phó tổng giám đốc một công ty môi giới bất động sản có bộ phận khảo sát chi phí thuê mặt bằng bán lẻ tại khu trung tâm Sài Gòn nhận xét, nhiều khả năng trong thời gian tới các cửa hiệu trên phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ tái cấu trúc để thích nghi.
"Có thể sẽ xuất hiện nhiều cửa hàng ăn uống hơn hiện nay. Cũng có thể phổ biến tình huống thuê mặt bằng bán lẻ theo các khung giờ trong ngày. Giờ vàng (chiều tối) phí thuê cao, ban ngày sẽ giảm xuống đôi chút", ông dự báo.
Vị này đánh giá, còn quá sớm để tăng giá thuê mặt bằng, nhưng rõ ràng với vị thế là tuyến phố đi bộ hiện đại nhất cả nước, lại là một trong 3 tuyến đường có giá đất đắt đỏ nhất TP.HCM, chủ nhà có cơ sở để đề xuất tăng giá thuê.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ bền vững STS, Nguyễn Xuân Thanh Sơn cho rằng hiện nay mặt bằng bán lẻ trên toàn phố đi bộ Nguyễn Huệ chưa có sự tăng giá đột biến.
Mức tăng tối đa sau 2 tuần kể từ ngày khai trương tuyến phố này khoảng 20% và các giao dịch vẫn còn đang trong quá trình thương lượng. Nguyên nhân là do cả bên cho thuê và bên đi thuê mặt bằng đều thận trọng xem xét khả năng kinh doanh và tiềm năng của phố đi bộ trước khi đưa ra quyết định tái ký hợp đồng.
"Thị trường mặt bằng cho thuê tại tuyến phố đi bộ này sẽ được điều chỉnh nhiều đợt trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên đi thuê sẽ bất lợi hơn trong quá trình đàm phán vì vị thế của quảng trường này là độc nhất vô nhị", ông Sơn phân tích.
Theo VnExpress