Trường mầm non Fuji (Tokyo, Nhật) do Tezuka Architects và Kashiwa Sato thiết kế là không gian giúp cho trẻ em được thoải mái, chơi đùa đủ mọi trò tinh nghịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Công trình một tầng có cấu trúc vành khuyên bao quanh một sân chơi ở giữa. Phần mái nhà cũng là sân chơi cho trẻ.
Chiều cao của tòa nhà là 2,1m phù hợp với trẻ nhỏ, giúp cho các em không có cảm giác xa cách giữa phần tầng 1 và mái nhà. "Nếu đã làm cha mẹ, các bạn đều biết trẻ nhỏ rất thích chạy vòng tròn. Đó là lý do mái nhà đồng thời là sân chơi có hình vành khuyên", KTS Takaharu Tezuka giải thích. Chu vị của vòng tròn khoảng 180m, mỗi em nhỏ có thể chạy tới 4.000m trong một ngày đi học. "Không ai ép buộc các em, chúng tôi để các em trên mái, giống như những chú cừu. Và các em chạy nhảy", thầy hiệu trưởng kể.
Các cây to trong khu vực được bảo tồn với phần mái được khoét tròn. Xung quanh gốc cây có một lớp lưới vững chắc để trẻ có thể vui đùa. Nhiều em tinh nghịch còn leo lên cành cây.
Theo quy định xây dựng của Nhật, các thanh chắn không được quá rộng để trẻ không thò đầu qua. Các nhà thiết kế tạo khoảng cách vừa đủ giúp các bé an toàn nhưng vẫn có thể thò chân tung tẩy. Các em nhỏ được khuyến khích bản năng tinh nghịch giống như những chú khỉ nhỏ.
Bản tính của trẻ là luôn tò mò. Những ô cửa kính trên trần nhà giúp các bé có thể biết điều gì đang diễn ra trong lớp học, bạn bè mình đang làm gì.
Cây xanh được giữ nguyên tỏa bóng mát cho trẻ lúc nghỉ ngơi, chỗ trẻ leo trèo và làm đẹp cho ngôi trường.
Đất nước Nhật rất hay có động đất, bởi vậy, ngay dưới ngăn bàn có những chiếc mũ bằng bìa để bảo vệ trẻ nhỏ khi có đồ rơi vào đầu.
Không tồn tại tường ngăn cách giữa lớp học và sân trường bởi các kiến trúc sư tin rằng, môi trường kín sẽ khiến trẻ thấy lo lắng. Chỉ có những món đồ nội thất được sử dụng để phân chia tạm thời.
Bàn ghế, tủ đồ trong lớp học làm bằng các loại gỗ nhẹ, dễ di chuyển. Bởi vậy, hàng tháng, các thầy cô đều thay đổi vị trí của nội thất giúp không gian sinh động hơn.
Trong trường có hàng trăm hộp nhỏ siêu nhẹ như vậy. Các em nhỏ vừa tham gia giúp thầy cô, vừa biến đồ dùng thành đồ chơi của mình.
Quan điểm của nhà trường là không quá bao bọc trẻ nhỏ, giúp các em tự giác và có ý thức với chính bản thân. Trẻ có thể bị xây xát, bị ngã, bị thương khi chơi đùa nhưng các em sẽ rút ra được bài học. Khi lớn, trẻ sẽ biết cách ứng phó với cuộc sống ngày càng phức tạp.
Thiết kế ban đầu có phần mô đất để cầu thang có vẻ ngắn lại nhưng rồi khu đất bỗng biến thành nơi chơi của trẻ khi các em xắn dần đất để nghịch. Nhà trường phải đề nghị công ty xây dựng bổ sung thêm lượng đất mới, lũ trẻ lại xúc đất đem về nhà. Ở bên cạnh cầu thang có cầu trượt là nơi trẻ nhỏ yêu thích cũng là đường thoát hiểm khi có hỏa hoạn.