Theo đề nghị của cơ quan quản lý độc lập được chỉ định cho tập đoàn này, tòa án đã cho phép bắt đầu quá trình bán tòa nhà 72 tầng trên và cho rằng quyết định này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ. Trước đó, tòa án đã chấp nhận kế hoạch “hồi sinh công ty” của Keangnam Enterprises và hai công ty con.
Trong 2 năm gần đây, do tình hình thị trường bất động sản và xây dựng ở Hàn Quốc trở nên trầm lắng, hoạt động kinh doanh của Keangnam Enterprises gặp nhiều khó khăn và liên tục thua lỗ. Hiện Keangnam Enterprises đã vay tổng cộng 2.200 tỷ won (khoảng 2 tỷ USD) từ các chủ nợ đứng đầu là bốn ngân hàng Shinhan, Woori, Nonghyup và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc, song không có khả năng thanh toán.
Trước khi tự sát, hôm 17/3, Chủ tịch Keangnam Enterprises Sung Wan-jong tuyên bố sẵn sàng từ chức nhằm thuyết phục các chủ nợ tiếp tục cho tập đoàn vay tiền để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, đến ngày 27/3, nhóm chủ nợ từ chối cho Keangnam Enterprises vay thêm 110 tỷ won theo đề nghị của tập đoàn cũng như từ chối tham gia chương trình hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu trị giá 90,3 tỷ won do cổ phiếu của Keangnam Enterprises đã bị ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc từ ngày 11/3.
Trước tình hình trên, ngay trong buổi chiều 27/3, Keangnam Enterprises đã phải nộp đơn lên Tòa án quận trung tâm Seoul để tham gia tiến trình “hồi sinh công ty”, theo đó tòa án sẽ tiếp quản quyền quản lý để xử lý các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính đến hạn và tiến hành cơ cấu lại công ty. Từ ngày 7/4, tòa đã tiến hành xem xét toàn bộ sổ sách kế toán, thống kê công nợ, tài sản của Keangnam Enterprises ở trong và ngoài Hàn Quốc, trong đó có tòa nhà Hanoi Landmark Tower tại Hà Nội.
Theo tòa án, quá trình tiến hành thủ tục “hồi sinh công ty” phụ thuộc rất lớn vào việc Keangnam Enterprises có bán được tòa nhà trên, một trong những tài sản lớn nhất hiện nay của họ ở nước ngoài, hay không vì quy mô nợ của tập đoàn hiện đã ở mức trên 1 tỷ USD.
Theo Báo Tin Tức