Nỗi khổ của 3 đại gia “The One”

Thứ tư, 27/01/2016, 14:17
Có một điều trùng hợp là cả 3 dự án hạng sang tại TP.HCM có chứa chữ “The One” (tạm dịch: số 1) đều đang gặp khó.

Một tin khá sốc cho các dự án căn hộ hạng sang là mới đây, để đẩy nhanh tiến độ bán hàng thu hồi vốn, chủ đầu tư Capella Holdings của dự án hạng sang The One Saigon đã chủ động giảm hơn 45% giá bán căn hộ từ mức 6.000 USD/m2 năm 2010 xuống chỉ còn 3.200 USD/m2. Động thái này có thể tạo ra sức ép giảm giá lớn cho các chủ đầu tư khác trong cùng phân khúc khi mà hầu hết chúng có giá đang rao bán lên đến 4.000-5.000 USD/m2.

Cũng cần nói thêm, The One Saigon là tên mới của dự án Ben Thanh Times Square của Ben Thanh Land. Doanh nghiệp này năm ngoái cũng đổi tên thành Capella Holdings sau khi một trong những cổ đông lớn là Tổng Công ty Bến Thành thoái vốn hoàn toàn.

The One Saigon nằm ở vị trí vàng tại trung tâm quận 1, TP.HCM khi có 3 mặt tiền tiếp giáp với các đường Ký Con, Đặng Thị Nhu và Lê Thị Hồng Gấm, cách chợ Bến Thành chỉ vài phút đi bộ. Tòa nhà được đưa vào sử dụng từ năm 2010 với tổng diện tích sử dụng 18.000m2, kinh doanh văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp. Giá bán chào hàng của dự án này khi đó lên tới 6.000 USD/m2, thấp hơn mức giá kỷ lục 8.000 USD/m2của Vincom Đồng Khởi.

Nhưng không may cho The One Saigon là thời điểm ra đời lại trùng với xu thế đi xuống của thị trường bất động sản nói chung. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc Kinh doanh Công ty Capella Holdings, cho biết dự án The One Saigon có khoảng 96 căn mở bán từ năm 2010. Với mức giá 5.500-6.000 USD/m2, chủ đầu tư kỳ vọng sẽ thu lợi cao. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất thấp, khi trong 5 năm chỉ bán được 40 căn.

Trong 5 năm qua, The One Saigon chỉ bán được 40 căn

“Trên thực tế, 5 năm qua lãi suất ngân hàng đã ăn hết lợi nhuận, nên hiện nay chúng tôi đã rút ra được bài học xương máu là thu lợi nhuận thấp nhưng hy vọng sẽ bán được nhanh. Chúng tôi chỉ kỳ vọng lãi gộp 10% nên đưa ra bán giảm 45% để bán nhanh thu hồi vốn. Bởi nếu vẫn để giá cao nhưng bán không được thì sẽ tiếp tục bị cụt cả vốn lẫn lãi”, Ông Toàn nói.

Được biết, lượng hàng tồn kho còn lại của The One Saigon khoảng 60 căn, trong đó có căn hộ có diện tích khá nhỏ, chỉ 49m2 cho phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường. Trước đó vào năm 2011, chủ đầu tư dự án cũng đã quyết định chuyển 30 căn thành căn hộ dịch vụ để cho thuê.

Theo lý giải lúc đó của ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Ben Thanh Land (tên cũ của Capella Holdings) thì đây là giải pháp “lấy ngắn nuôi dài” nhằm thích ứng với những khó khăn của thị trường bất động sản. Khi thị trường tốt lên hoặc nếu khách hàng quan tâm, Công ty vẫn có thể bán các căn hộ này.

Vậy liệu việc giảm giá mạnh tay lần này sẽ giúp The One Saigon thanh toán được nợ còn lại?

Có một điều trùng hợp là cả 3 dự án hạng sang có chứa chữ “The One” (tạm dịch: số 1) đều ít nhiều gặp một số điều không thuận lợi. Bên cạnh dự án The One Saigon nói trên thì gần sát đó, dự án tòa tháp đôi The One Ho Chi Minh City của Tập đoàn Bitexco vẫn đang dừng lại ở hạng mục thi công ngầm với tốc độ khá chậm kể từ năm 2012 đến nay.

Năm ngoái, Ủy ban Nhân dân Quận 1 đã gửi công văn đòi nợ 16 tỉ đồng đối với dự án The One Ho Chi Minh City, liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

The One Ho Chi Minh City sở hữu vị trí đắc địa, nằm đối diện với chợ Bến Thành và tiếp giáp 4 con đường là Calmette, Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính và Phạm Ngũ Lão. Thiết kế của dự án là hai tòa tháp đôi hiện đại, cao 55 và 48 tầng. Năm ngoái, dự án này cũng gặp một số vấn đề liên quan tới bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án “The One” thứ ba gặp khó là Saigon One Tower (hay còn gọi là tòa nhà M&C Tower). Dự án này cũng sở hữu vị trí đẹp khi nằm trên giao lộ Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng. Từ năm 2011 đến nay, dự án vẫn tiếp tục “trơ gan cùng tuế nguyệt”, dù 80% công trình đã hoàn thành. Lý do là chủ đầu tư gặp khó trong công tác thu xếp vốn để tiếp tục triển khai. Các cổ đông lớn trong dự án này là Công ty Cổ phần M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Ngân hàng Đông Á, Công ty Chứng khoán Đông Á và Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.

Từ năm 2011 đến nay, Saigon One Tower vẫn tiếp tục “trơ gan cùng tuế nguyệt”, dù 80% công trình đã hoàn thành - Ảnh: archetype-group.com

Thực trạng khó khăn của 3 dự án nói trên cho thấy phân khúc hạng sang rất “khó xơi”, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang phục hồi và khả năng hấp thụ của người mua có hạn.

Hãy quay trở lại với Capella Holdings, tình hình kinh doanh kể từ năm 2010 vẫn chưa thực sự khởi sắc. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 của công ty này vỏn vẹn 20 tỉ đồng trong khi doanh thu chỉ đạt 160 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh của Capella Holdings chưa thực sự khởi sắc

“Chúng tôi nhận thấy bất động sản không còn là ngành siêu lợi nhuận mà cũng chỉ như các ngành thương mại khác, lợi nhuận gộp thu về chỉ còn khoảng 10%. Đây là triết lý kinh doanh trong giai đoạn mới mà chúng tôi rút ra được sau một thời gian dài thị trường đóng băng”, ông Toàn, Capella Holdings, nói.

Capella Holdings đang tiến hành công cuộc tái cấu trúc toàn diện. Theo đó, ngoài việc ra sức tìm các giải pháp quyết liệt để có dòng tiền nhanh thì Công ty sẽ đầu tư các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực cốt lõi là kinh doanh trung tâm hội nghị tiệc cưới, mở thêm nhà hàng, quán bar.

Một số dự án chủ chốt mà Capella Holdings tập trung triển khai là 3 trung tâm hội nghị tiệc cưới tại địa chỉ 400 Nguyễn Du (quận 8), 117 Nguyễn Tất Thành (quận 4) và 18A Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)... Hiện tại Capella Holdings đang có vốn trong trung tâm hội nghị và tiệc cưới Claris Parkview, Riverside Palace. Công ty cũng sẽ tiến hành M&A với một số đối tác khác để đẩy nhanh tốc độ kinh doanh.

Với tình hình hiện tại, liệu Capella Holdings có tiếp tục làm dự án bất động sản không, nhất là khi doanh nghiệp này đang sở hữu nhiều khu đất có vị trí đắc địa? “Đây là vấn đề khá thú vị. Trong khi người người làm bất động sản, nhà nhà làm bất động sản, còn Capella Holdings cần có thêm thời gian để suy nghĩ về chiến lược tiếp theo”, ông Toàn cho biết.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn