Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) vừa kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép chủ sở hữu nhà ở tái định cư và người sở hữu suất tái định cư được định đoạt (bán, sang nhượng) nhà ở tái định cư của mình.
Ồ ạt bán “chui”
Tại chung cư A, khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, hầu hết dãy căn hộ đều vắng bóng người. Chỉ một vài hộ sống ở tầng trệt, khu căn hộ ngoài đường chính. Thấy bảng ghi “bán hoặc cho thuê nhà”, chúng tôi liên lạc với chủ căn hộ là bà Huỳnh Thị Liễu đang ở quận 6. Bà Liễu cho biết phải bán hay cho thuê vì không thể ở do quá xa, cả gia đình bà buôn bán ở khu chợ Hồ Tôn Quý (quận 6).
“Dù không muốn nhưng phải bán hoặc cho thuê do tôi không có nhu cầu, lại không có tiền để thanh toán tiếp. Tôi được cấp căn hộ tái định cư khoảng 50m2 nhưng phải đóng hơn 300 triệu đồng qua hình thức trả góp hằng tháng. Đến nay, còn nợ hơn 100 triệu đồng nhưng tôi không có khả năng thanh toán” - bà Liễu bộc bạch.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM vẫn còn quá vắng vẻ |
Tại tầng trệt chung cư này, gia đình của bà Vũ Thị H. có 5 người nhưng luôn vắng vẻ do những thành viên khác không chịu về đây ở. Theo bà H., đa phần những căn hộ ở đây đã có chủ nhưng họ không ở do nhiều nguyên nhân.
Biết khu tái định cư trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) đang rao bán nhiều căn hộ, chúng tôi đến tìm hiểu. Ông Bằng, một cư dân khu tái định cư, cho biết trước khi về đây, sống ở chung cư Thanh Đa nhưng do bị lún nên phải di dời, ông được cấp 2 căn tái định cư. Theo ông, rất nhiều hộ trong chung cư này đã bán, chuyển nhượng suất tái định cư của mình cho người khác vì không có nhu cầu ở. Giá một căn hộ 62m2 tại đây được giao dịch ở mức 800 triệu đồng.
Dù chưa được phép nhưng việc mua bán, chuyển nhượng căn hộ tái định cư đã diễn ra khá nhiều. Các trang mạng mua bán bất động sản đang rao bán ồ ạt căn hộ tái định cư. Với những giao dịch này, người mua chỉ đóng trước vài trăm triệu đồng là có nhà ở ngay, phần còn lại trả góp theo thời hạn do nhà nước quy định.
Bà Nguyễn Thị H. ở chung cư Man Thiện (quận 9) cho biết bà mua lại căn hộ tái định cư 74,5m2 ở đây với giá hơn 700 triệu đồng từ 4 năm trước. “Người được cấp căn hộ không có nhu cầu ở, trong khi mình cần nhà vừa túi tiền lại được ở ngay. Tôi nghĩ mua căn hộ tái định cư vẫn an tâm hơn các dự án chưa xây xong” - bà H. phân tích.
Tôn trọng quyền sở hữu
Trong văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng, Horea cho rằng việc cho phép chủ sở hữu nhà ở tái định cư và người sở hữu suất tái định cư được định đoạt (bán, sang nhượng) nhà ở tái định cư của mình là cần thiết. Điều này vừa tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu căn hộ tái định cư, suất nhà ở tái định cư vừa giúp thị trường bất động sản minh bạch và cơ quan chức năng quản lý tốt hơn các giao dịch.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, cho rằng các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã và sẽ thực hiện nhiều công trình lớn nên rất cần quỹ nhà tái định cư để phục vụ các hộ bị giải tỏa. Theo quy định hiện hành, người nhận nhà tái định cư được cấp chủ quyền nhà nhưng không được chuyển nhượng trong một thời gian khá dài; người nhận suất nhà tái định cư cũng không được chuyển nhượng.
Tuy nhiên, theo pháp luật dân sự, Luật Nhà ở 2014, người sở hữu căn hộ tái định cư cũng có quyền định đoạt đối với căn hộ của mình. Suất nhà tái định cư cũng là “quyền tài sản” của người dân, do vậy, họ cũng phải được quyền định đoạt.
Luật sư Trương Thị Hòa, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa, cho rằng kiến nghị của Horea là cần thiết và dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu. Đã cấp cho người dân thì cũng cho họ quyền được chuyển nhượng, mua bán.
Nếu không, do phải giao dịch “chui” nên giá rẻ, người bán bị thiệt thòi. Nhà nước không muốn người dân thuộc diện giải tỏa không có nhà ở nhưng thực tế mỗi người có quyền và có trách nhiệm về tài sản của mình, do vậy nhà nước không phải lo lắng điều này.
Lãnh đạo một cơ quan chức năng của TP.HCM nhìn nhận kiến nghị của Horea là đúng và cho biết thêm TP.HCM từng yêu cầu các sở, ngành khuyến khích người dân giữ lại nhà tái định cư để an cư lạc nghiệp, đừng vì cái lợi trước mắt mà bán dẫn đến phải ở nhà thuê.
Nhưng trên thực tế, việc mua bán, chuyển nhượng các suất tái định cư trong thời gian qua không bị cản trở gì. Người dân có suất tái định cư vẫn có thể ủy quyền cho người khác để thanh toán tiền hay đứng tên làm các thủ tục liên quan.
Theo NLĐ