Mô hình khu phố ngầm đang được đề xuất đầu tư xây dựng |
Công ty Toshin Development (Nhật Bản) vừa đề xuất UBND TP.HCM về việc xây dựng dự án “Khu phố ngầm Nhà ga trung tâm Bến Thành - Nhà ga Nhà hát thành phố” tại quận 1 với tổng mức đầu tư 8.392 tỷ đồng.
Khu đô thị dưới lòng đất lớn nhất Đông Nam Á
Theo đề xuất của Toshin Development, dự án nếu được phê duyệt sẽ có 4 tầng hầm, bao gồm một khu phố đi bộ, khu mua sắm, công trình phụ trợ, quảng trường ngầm… Khu phố ngầm này kết nối từ ga Metro Trung tâm Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố. Cụ thể, tổng diện tích công trình hơn 45.400m2, trong đó phố đi bộ ngầm là 21.600m2; khu mua sắm, ẩm thực, vui chơi, giải trí là 16.800m2, còn lại là các công trình phụ trợ.
Dự án có tổng mức đầu tư dự tính 8.392 tỷ đồng. Trong đó, vốn của UBND TP.HCM vay ODA là 4.982 tỷ đồng dùng để xây dựng lối đi, quảng trường công cộng và các công trình phụ trợ đi kèm. Phần còn lại là vốn của nhà đầu tư nhằm xây dựng và quản lý khu vực mua sắm bằng hình thức đầu tư trực tiếp và xây dựng một phần dự án công bằng nguồn vốn tư nhân theo hợp đồng BT. Thời gian dự kiến xây dựng cuối năm 2019, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2024.
Chủ đầu tư dự án cũng lạc quan cho rằng, phần vốn Nhà nước sẽ được thu hồi trong vòng 13 năm kể từ ngày công trình đi vào hoạt động đồng thời cho biết thêm, “dự án không chỉ là trung tâm thương mại mà còn hướng đến việc hình thành một khu đô thị TP dưới lòng đất với quy mô lớn ở khu vực Đông Nam Á”.
Nói về đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết, đây là dự án đầu tiên phát triển hệ thống trung tâm thương mại dưới lòng đất tại Việt Nam. “Dự án sẽ phát triển kinh tế thành phố, tác động đến công ăn, việc làm và phúc lợi của người dân, mỹ quan công trình đô thị”, ông Khoa nói và cho biết thêm đã giao Sở KH&ĐT báo cáo Bộ KH&ĐT và lấy ý kiến các cơ quan chức năng để đánh giá phương án khả thi.
Xây phố ngầm kết nối với Metro
Trao đổi với PV, TS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch cho rằng, việc nghiên cứu không gian ngầm kết nối với Metro là cần thiết cho TP.HCM. “Tôi cho rằng, kết nối ngầm là điều
Liên quan đến những e ngại về việc xây phố ngầm ở TP.HCM trong điều kiện nền đất yếu, triều cường dâng cao, mùa mưa kéo dài… liệu có an toàn, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho rằng, công nghệ hoàn toàn có thể xử lý triệt để. Ngập nước không thể gây nguy hiểm cho phố ngầm tại TP.HCM. |
quan trọng nhất, đặc biệt là các hành lang kết nối giữa tầng ngầm của Metro và tầng ngầm của các cụm công trình cao tầng lân cận. Các hạng mục này sẽ thu hút người đi bộ, giảm kẹt xe cho khu trung tâm”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, việc đầu tư không gian thương mại ngầm diện tích lớn, dù khả thi về mặt kỹ thuật nhưng có thể mang rủi ro cao về đầu tư. “Xây tầng ngầm có thể chi phí gấp đôi hoặc nhiều hơn so với trên mặt đất. Cùng đó, việc vận hành (bao gồm chi phí máy điều hòa, hệ thống điện cho chiếu sáng và động lực, tổ chức quản lý và bảo vệ…), làm cho vốn đầu tư cơ sở ban đầu rất cao. Trong khi đó, dự án sẽ khó thu hồi vốn, phải cạnh tranh về giá cho thuê mặt bằng so với các công trình trên mặt đất”, ông Sơn nói và cho biết thêm, Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm làm không gian ngầm cho giao thông, nhưng nói đến không gian ngầm công cộng và dịch vụ thương mại thì TP.Montreal (Canada) mới là nơi có nhiều kinh nghiệm nhất.
“Tôi đã có thời gian tham gia dự án mở rộng khu phố quốc tế kết nối với trạm metro ở khu trung tâm Montreal, tôi sẵn sàng kết nối giúp chính quyền tham khảo kinh nghiệm và mời các chuyên gia cùng tham gia”, ông Sơn chia sẻ.
Còn theo TS. Phạm Sanh, chuyên gia GTVT, nếu tách riêng để xây dựng phố ngầm, thường nhiều nước hay làm ở các khu đô thị mới để tạo không gian đa chiều và đa dạng về văn hóa, du lịch. Tuy nhiên, hiệu quả không cao vì người dân thích ánh sáng tự nhiên thay vì không gian nhân tạo. Cùng đó là những mối lo về rủi ro, cháy nổ, mất an toàn…
Tuy nhiên, TS. Sanh lại rất ủng hộ dự án xây khu phố ngầm khi nó được kết hợp với ga Metro. Theo ông, việc kết hợp này sẽ làm cho hiệu quả của ga Metro tốt hơn, thu hút người dân đi lại nhiều hơn. Về góc độ giao thông, khi làm ga Metro đã có các bãi đậu xe cũng như kết nối mạng lưới giao thông công cộng. Đây là xu hướng chung của thế giới và nhiều nước đã làm thành công.
Báo Giao thông