“Mắc kẹt” vì lời hứa
Anh H.T, một người dân mua căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội Jamona City (đã đổi tên thành Luxury Home) tại quận 7, TP.HCM của chủ đầu tư Sacomreal. Phải mất một năm chạy chọt hồ sơ, từ xác nhận độc thân đến chứng minh thu nhập cuối cùng, anh vẫn không được vay gói 30 nghìn tỷ. “Lúc trước dự án mở bán nói là được vay 30 nghìn tỷ, nhân viên bán căn hộ cũng hứa hẹn. Vì tin tưởng được vay nên tôi mới mua dự án này. Bây giờ không biết tính sao”- anh than thở.
Anh đã ký hợp đồng đặt cọc 150 triệu đồng để mua nhà. Nếu chủ đầu tư không có phương án hỗ trợ, anh chỉ còn biết ngậm ngùi vì không thể vay và trả theo lãi ngân hàng thương mại.
Tương tự, vợ chồng anh T, chị L cũng đặt cọc mua căn hộ tại dự án này và mất hơn một năm để hoàn thiện hồ sơ nhưng cuối cùng vẫn không vay được. Ngày cuối cùng của hạn vay gói 30 nghìn tỷ, anh chị lên tận trụ sở doanh nghiệp, thấy hàng trăm người chờ được giải quyết hồ sơ. Nhân viên bán hàng kêu anh chị ký hợp đồng mua bán nhà để được vay. Tuy nhiên anh chị không đồng ý. “Dự án lúc đó chưa xong phần móng mà ký hợp đồng mua bán là sai luật, sợ rủi ro nên chúng tôi không ký”- chị L. nói.
“Choáng váng” hơn, ngay sau khi có thông tin dừng vay gói 30 nghìn tỷ, chủ đầu tư thông báo yêu cầu vợ chồng anh chị thanh toán theo tiến độ với mức 20 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi là người thu nhập thấp, làm sao kham nổi mức chi trả này. Chủ đầu tư hứa hẹn sẽ đưa ra phương án giải quyết nhưng chờ mãi không thấy họ phản hồi”- anh T. nói. Nếu chủ đầu tư không có phương án hỗ trợ, giấc mơ sở hữu nhà của anh chị coi như tan theo mây khói.
Tiến thoái lưỡng nan
Tại dự án này, có rất nhiều hộ đã đóng trước 30% tiền mua căn hộ và cũng không vay được gói 30 nghìn tỷ như hứa hẹn nên muốn rút khỏi dự án. Chủ đầu tư Sacomreal đến nay vẫn chưa đưa ra giải pháp nào tháo gỡ tình hình. Theo các hộ dân, chính doanh nghiệp cũng gặp khó vì dự án thuộc diện nhà ở xã hội và chỉ được bán cho những đối tượng đủ điều kiện. Nếu người dân rút ra, chủ đầu tư cũng không biết bán cho ai vì không thể chuyển sang nhà ở thương mại.
Tại dự án E-Home 4 của nhà đầu tư Nam Long, cũng có 30 hộ không vay được gói 30 nghìn tỷ. Đại diện doanh nghiệp cho biết chưa có phương án giải quyết. Vì việc hỗ trợ khách hàng liên quan đến nhiều bên như đối tác, cổ đông nên cần thời gian thảo luận.
Cũng như dự án Luxury Home, người mua nhà tại dự án này rất khó có khả năng tiếp tục đóng tiền mua nhà. Tuy nhiên, nếu muốn rút khỏi dự án cũng không phải là chuyện dễ dàng. Luật sư Nguyễn Đăng Tư thuộc văn phòng luật Tri Law, TP.HCM phân tích: Các chủ đầu tư khi bán căn hộ thường cam kết giúp các hộ dân vay gói 30 nghìn tỷ nhưng chỉ hứa miệng chứ không bao giờ ghi vào hợp đồng.
Tuy nhiên, trong mỗi hợp đồng đều quy định khoản phạt nếu người dân không tiếp tục đóng tiền mua nhà. Không những không mua được nhà, người mua nhà còn bị phạt bằng cách trừ vào tiền gốc đã đóng cho chủ đầu tư. Trong trường hợp E-Home 4 là 10% giá trị hợp đồng.
“Việc hứa hỗ trợ vay 30 nghìn tỷ thường do các nhân viên bán hàng dự án cam kết với người mua nhà. Người dân vì tâm lý cần nơi mua nhà đều phải chấp nhận. Không giấy tờ ràng buộc nên khi chủ đầu tư bỏ rơi, người mua nhà luôn ở thế thiệt đơn thiệt kép”- ông Tư nói. Hầu hết các dự án trước đây đều mang gói 30 nghìn tỷ ra làm “chim mồi” để lôi kéo người mua nhà bằng những hứa hẹn. Đến khi gặp vấn đề thì “quên” lời hứa, bỏ mặc người dân.
Theo PLO