Lại ngưng tách thửa ở TP.HCM

Thứ bảy, 20/08/2016, 11:01
Mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã gửi UBND TP dự thảo sửa Quyết định 33 của TP về hạn mức tách thửa.
Nhiều địa phương tự ý dừng việc cho tách thửa.
Mặc dù mới chỉ là dự thảo, TP chưa ra quyết định chính thức nhưng tại nhiều quận, huyện đã cho tạm dừng giải quyết các hồ sơ tách thửa của người dân.
Chị Hạnh (ở Q.Thủ Đức) có khu đất khoảng 300m2 đã chuyển lên đất ở từ lâu. Mới đây, chị lên UBND Q.Thủ Đức làm thủ tục tách thửa khu đất trên để chia cho các con nhưng nhận được câu trả lời của cán bộ tiếp nhận hồ sơ là tạm dừng giải quyết hồ sơ xin tách thửa đất theo Quyết định (QĐ) 33.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay UBND Q.Thủ Đức tạm ngưng không cho tách thửa đối với một số lô đất của người dân đã được duyệt làm cơ sở hạ tầng, thực tế đã làm xong và đã nghiệm thu cơ sở hạ tầng, chờ tách sổ ra sổ đỏ. Theo giải thích của cán bộ tiếp nhận hồ sơ về nhà đất thì lý do UBND Q.Thủ Đức tạm thời không giải quyết tách thửa là chờ UBND TP có hướng dẫn mới về thực hiện QĐ 33.

Nếu các địa phương dừng việc giải quyết hồ sơ của người dân hay thậm chí ngừng kiểm tra, xử lý những hồ sơ tách thửa đất nhằm "câu giờ", chờ sửa Quyết định 33 là hoàn toàn vi phạm pháp luật, sai về nguyên tắc quản lý nhà nước, cố ý can thiệp hoạt động của cơ quan nhà nước, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn LS TP.HCM

QĐ 33 và các hướng dẫn thực hiện việc tách thửa đất ở vẫn đang còn nguyên hiệu lực khi chưa có quyết định khác thay thế nên quy trình cấp sổ, nhất là những thửa đất đã được nghiệm thu cơ sở hạ tầng (tức là thửa đất đang thực hiện theo đúng QĐ 33 - PV) không vì thế mà dừng lại. Việc tách thửa, cấp sổ đỏ ách tắc đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân.
Trong khi dự thảo đang gửi lên, UBND TP chưa phê duyệt và khi đã phê duyệt thì bao giờ cũng có một thời gian sau đó mới đến thời hạn hiệu lực thi hành hướng dẫn mới nên việc UBND Q.Thủ Đức tự ý tạm dừng tách thửa, cấp sổ đỏ cho người dân là vi phạm pháp luật”, chị Hạnh bức xúc.
Trường hợp khác, ông Lâm (cũng ở Q.Thủ Đức) còn khốn khổ hơn. Ông có gần 1.000m2 đất ở thuộc khu dân cư xây dựng mới. Mới đây, ông lên UBND Q.Thủ Đức làm thủ tục tách thửa khu đất này cho con, phần còn lại bán để trang trải cuộc sống. Tại đây, ông được hướng dẫn lập phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo QĐ 33 trước khi tách thửa khu đất thành nhiều thửa đất nhỏ. Nhưng khi đầu tư hạ tầng xong, đùng một cái ông được thông báo Q.Thủ Đức tạm dừng giải quyết các hồ sơ xin tách thửa đất của ông để chờ hướng dẫn mới. Vừa tốn tiền đầu tư hạ tầng, vừa không chia đất cho con cháu, ông Lâm vô cùng bức xúc.
Không chỉ ở Q.Thủ Đức, hiện tại ở H.Hóc Môn việc tách thửa đất ở cũng đang bị tạm dừng. Anh Quang, một người dân ở đây cho biết cách đây khoảng 2 tháng anh có đi làm hồ sơ tách thửa cho khu đất hơn 300m2 ở xã Thới Tam Thôn nhưng cán bộ tiếp nhận hồ sơ của UBND H.Hóc Môn cũng cho biết, tạm dừng tách thửa đất theo chỉ đạo của UBND huyện. "Như vậy là quá bất hợp lý, gây thiệt hại cho dân. Chúng tôi đã đóng tiền sử dụng đất, chuyển lên thổ cư nhưng không cho tách thửa, xây dựng chẳng khác nào đất hoang" - anh Quang nói.
Tại Q.9, việc tách thửa đất cũng đã bị dừng mấy tháng nay với cùng lý do chờ TP sửa QĐ 33 hoặc có hướng dẫn thì mới áp dụng thực hiện trở lại.
Không thể hạn chế quyền của dân
Nguyên nhân khiến một số địa phương bỗng dưng ngừng việc giải quyết tách thửa cho người dân xuất phát từ việc Sở TN-MT TP đang soạn dự thảo sửa đổi QĐ 33. Theo đó, dự thảo yêu cầu các địa phương khi tiếp nhận hồ sơ xin tách thửa đất phải căn cứ quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xác định thửa đất thuộc quy hoạch “khu dân cư hiện hữu” mới được tách thửa.
Trong trường hợp chưa có các quy hoạch trên thì dựa vào quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt để xác định thửa đất thuộc quy hoạch đất ở đô thị hoặc đất ở nông thôn nằm trong khu dân cư hiện hữu tập trung. Những điều kiện, yêu cầu trên không áp dụng đối với các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đang được sử dụng, đã được tách thửa trước ngày QĐ 33 có hiệu lực. Người sử dụng đất tiếp tục sử dụng đất theo hiện trạng, được cấp sổ đỏ.
Luật sư (LS) Trần Đức Phượng, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng khi sửa luật bao giờ cũng quy định chỉ hồi tố những quy định có lợi cho dân (hồi tố quyền), không hồi tố trách nhiệm. Do vậy, việc các quận lo mà ngừng trước khi ra quyết định là chưa hiểu đúng về nguyên tắc của pháp luật.
“Nếu các địa phương dừng việc giải quyết hồ sơ của người dân hay thậm chí ngừng kiểm tra, xử lý những hồ sơ tách thửa đất nhằm "câu giờ", chờ sửa QĐ 33 là hoàn toàn vi phạm pháp luật, sai về nguyên tắc quản lý nhà nước, cố ý can thiệp hoạt động của cơ quan nhà nước, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân. Quản lý theo kiểu một người đau bụng bắt cả làng uống thuốc là không thể chấp nhận được”, LS Phượng nêu quan điểm.
LS Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng LS Trường, cũng nói rằng trong khi QĐ 33 vẫn còn hiệu lực nhưng một số địa phương đã vượt quyền TP, tự ý dừng giải quyết tách thửa cho người dân là cách làm tùy tiện. Hiện Sở TN-MT chỉ mới đưa ra dự thảo sửa QĐ 33 để lấy ý kiến, trước khi trình UBND TP thông qua và chưa biết những nội dung sửa đổi trong dự thảo có được duyệt hay vẫn giữ nguyên theo QĐ 33, nên các địa phương tự ý dừng tách thửa đất cho dân là hoàn toàn sai. Người dân có thể khởi kiện UBND các quận, huyện này nếu chứng minh được thiệt hại do cách làm trên gây ra.
Cũng theo LS Trường, việc Sở TN-MT trình UBND TP theo hướng: “Chỉ cho tách thửa đất ở khu dân cư hiện hữu, không cho tách thửa ở khu dân cư xây dựng mới” là chưa hợp lý, hạn chế quyền lợi của người dân. Bởi theo quy hoạnh 1/2.000, đất thuộc khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới, cao tầng hay thấp tầng thì đều là khu dân cư. Quy hoạch này không nằm trong 4 loại quy hoạch phục vụ lợi ích quốc gia là điện, đường, trường, trạm nên phải giải quyết cho người dân được xây dựng, tách thửa theo luật Đất đai và QĐ 33 của TP khi chưa có QĐ thu hồi đất.

Lãnh đạo một địa phương cũng cho rằng, đối với đất ở nằm trong khu quy hoạch là dân cư xây dựng mới thì vẫn nên giải quyết tách thửa, cấp phép xây dựng tạm cho người dân như cách làm của TP từ trước đến nay. Nghĩa là cho người dân được tách thửa, được cấp phép xây dựng tạm đến 5 tầng.

Trong thời gian 5 năm khi quy hoạch thực hiện người dân sẽ phải tháo dỡ nhà không được bồi thường. Tuy nhiên, sau 5 năm nếu quy hoạch không thực hiện, giấy phép xây dựng tạm hiển nhiên sẽ thành giấy phép xây dựng chính, đồng thời nhà đất của người dân lúc này được hợp thức hóa, được cấp sổ đỏ.

Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn