Dự án cầu Cát Lái nối quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được quy hoạch từ lâu, như một sự phát triển tất yếu kết nối các vùng kinh tế trọng điểm Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - TP.HCM. Cùng với hạ tầng của khu đô thị mới Nhơn Trạch đang bỏ ngỏ và dự án sân bay Long Thành bước vào giai đoạn thực hiện, cầu Cát Lái được hy vọng sẽ đem đến một sức bật mới.
Bức tranh giao thông hiện đại
Cầu Cát Lái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tổng chiều dài 4km, điểm đầu nối nút giao thông Mỹ Thủy ở quận 2, TP.HCM; điểm cuối gần bến phà hiện hữu ở xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; tổng vốn đầu tư hơn 5.700 tỉ đồng.
Hiện tại, ở phía Đông dự án cầu Cát Lái, khu đô thị mới Nhơn Trạch - được quy hoạch và xây dựng cách đây 20 năm - vẫn đang trong tình trạng hoang hóa, cỏ mọc rêu phong. Đầu tháng 9, khi thông tin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án cầu Cát Lái được công bố, thị trường nhà đất khu vực này nóng lên, đồng thời người dân 3 tỉnh, thành cũng kỳ vọng với quy hoạch phát triển vùng hiện tại, khi có cầu, với mức tiện lợi căn bản sẽ gần như có sự “kích hoạt” hết sức tích cực. Có cầu, người dân từ TP.HCM và miền Tây về các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng và ngược lại sẽ thuận tiện, thời gian cũng như chi phí được giảm rất nhiều.
“Sông Đồng Nai và khu vực phía Đông vẫn đang ở dạng chưa được đánh thức. Đáng ra, cầu phải được xây sớm hơn” - một cán bộ phòng quy hoạch thuộc UBND huyện Nhơn Trạch nói.
Một kế hoạch khác, với vùng đất nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Nhơn Trạch có địa thế phẳng phiu, gần như chưa khai phá được đánh giá khá tiện lợi cho việc đặt các xí nghiệp, khu sản xuất. Khu vực này gần các cảng sông, cảng biển lại cao ráo, nền đất cứng, không bị ngập lụt, rất thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng các công ty, xí nghiệp. Nếu những kỳ vọng trên thành hiện thực, rồi đây vùng kinh tế phía Đông sẽ trở thành khu vực sản xuất cũng như tập trung dân cư sinh sống phát triển năng động và hiện đại.
Những căn biệt thự xây nửa chừng rồi bỏ dở ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai |
Cùng với cầu Cát Lái, hàng loạt công trình, dự án kết nối TP.HCM và Đồng Nai cũng được bổ sung, nối liền các tuyến đường “xương sống” chủ đạo bằng những con đường “mạch máu” cho thấy bức tranh giao thông hiện đại kiểu các nước phát triển đã thành hình.
Chẳng hạn, kết nối đoạn từ Trạm 2 (quận Thủ Đức, TP.HCM) đến đường Vành đai 3 vượt sông Đồng Nai đến đường Vành đai 4; kết nối khu vực giữa đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với Quốc lộ 1 của tỉnh Đồng Nai với quận 9, TP. HCM; bổ sung hướng kết nối từ Tỉnh lộ ĐT 768 và đường Vành đai TP.Biên Hòa về hướng sân bay Biên Hòa…
Ngoài ra, hiện có 2 tuyến đường cao tốc đang chờ khởi động đều đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai là Dầu Giây - Liên Khương (đi Đà Lạt) và Biên Hòa - Vũng Tàu. Hai tuyến cao tốc này nhằm giảm tải cho Quốc lộ 20 và Quốc lộ 51 đang quá tải về lưu lượng xe. Mới đây, 2 tỉnh Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục kiến nghị Chính phủ sớm cho triển khai 2 tuyến đường cao tốc này vì có tác động mạnh đến phát triển kinh tế của 2 địa phương.
Hợp sức
Tại cuộc họp gần đây, TP.HCM cũng như Đồng Nai đã có nhiều phác thảo, bàn bạc để bước đầu thực hiện dự án. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết đã có 2 nhà đầu tư được chọn thực hiện. TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và đang trình nội dung cụ thể để Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch.
Còn ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề cập vấn đề thống nhất và chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng, sử dụng tiền ngân sách hợp lý, đẩy nhanh các bước thủ tục. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ thực hiện theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) hoặc xây dựng - chuyển giao (BT).
Đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong kế hoạch phát triển giao thông vùng kinh tế phía Đông, nối Biên Hòa với huyện Tân Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ban Quản lý dự án 85 (PMU 85) - đơn vị thực hiện - cũng đã đề xuất dự án thành phần 1 trình Bộ GTVT phê duyệt.
Trước mắt sẽ thực hiện giai đoạn 1, điểm đầu từ đường Võ Nguyên Giáp và điểm cuối nối khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Chiều dài của tuyến gần 47km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào cuối tháng 7, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiến nghị sớm thực hiện tuyến đường này.
Đất Nhơn Trạch vẫn tăng ảo Đầu tháng 8, khi thông tin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây cầu Cát Lái, giá đất khu vực Nhơn Trạch bị giới “cò” đẩy lên cao, có nơi tăng 0,5 - 3 lần so cùng thời điểm năm ngoái. Theo một số sàn giao dịch bất động sản tại huyện Nhơn Trạch, giá đất những khu vực gần phà Cát Lái và mặt tiền đường lớn thuộc xã Phú Hữu, Đại Phước đã được rao bán với giá từ 12-17 triệu đồng/m2. Giá đất Nhơn Trạch bị đẩy cao nhưng nhu cầu mua không nhiều, hầu hết là những nhà đầu tư nhỏ mua đợi giá tăng bán kiếm lời. |
Theo NLĐ