Dự án Nhà ở xã hội (NƠXH) The Easter City (còn gọi là chung cư 6B), toạ lạc trên đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, TP.HCM do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, cư dân đã bức xúc vì nhiều hạng mục xuống cấp.
Theo phản ánh của cư dân, trần nhà bị thấm dột dân phải dùng xô chậu hứng nước, bãi để xe đọng nước lênh láng, thang máy hoạt động không ổn định thậm chí có trường hợp người dân bị kẹt bên trong, gạch lót hành lang bong tróc…
Vấn đề xây dựng hồ bơi tại chung cư này cũng khiến nhiều cư dân cảm thấy bất bình. Theo hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư có nhắc đến hạng mục hồ bơi. Tuy nhiên khi dự án đã hoàn thành, cư dân được bàn giao nhà vào ở thì không thấy hồ bơi đâu.
Nhiều cư dân phản ánh về tình trạng chất lượng của dự án The Easter City quá kém. |
Giải thích điều này, đại diện Quốc Cường Gia Lai nói rằng, có sự thay đổi khi dự án được chuyển từ nhà ở thương mại sang NƠXH, khu vực xây hồ bơi được chuyển thành khu vui chơi trẻ em. Cuối tháng 8/2016, chủ đầu tư có lấy ý kiến cư dân về việc chọn hồ bơi hay khu vui chơi trẻ em, nhưng lại kèm theo điều kiện nếu chọn hồ bơi cư dân phải đóng thêm 1.500 đồng/m2 căn hộ. Số tiền này chủ đầu tư giải thích để bù phí quản lý (!?).
Điều này khiến nhiều hộ dân bức xúc, vì theo họ chủ đầu tư đã lừa dối, ban đầu quảng bá dự án có hồ bơi nhưng thực tế lại không thực hiện. Việc thu thêm tiền "bù phí quản lý" là quá vô lý.
Sau bao lần trì hoãn, ngày 11/9 vừa qua đại diện chủ đầu tư đã có buổi tiếp xúc với cư dân để lắng nghe ý kiến. Chủ đầu tư hứa sẽ khắc phục các hạng mục bị khiếm khuyết cũng như hoàn thành những hạng mục còn dang dở. Dù vậy, theo cư dân đến nay chủ đầu tư vẫn không có động thái triển khai ở một số hạng mục, như lối đi từ đường Phạm Hùng vào dự án chưa được nâng cấp, điện chiếu sáng trong khuôn viên cũng không thấy chủ đầu tư đả động gì, dù theo cam kết đến ngày 16/9 hoàn thành.
Điều khiến cư dân bức xúc là chủ đầu tư hứa khắc phục nhưng rồi chuyện đâu vẫn vào đó.
“Chủ đầu tư lại sắp xây thêm 1 block kế bên. Chưa giải quyết những tồn tại cho cư dân đang cư ngụ mà đã đi xây dựng công trình mới chẳng khác nào như 'đem con bỏ chợ', ở chung cư mà còn khổ hơn nhà trọ”, một cư dân ngụ tầng 24 than vãn.
Từng được biết đến là DN ăn nên làm ra nhờ bất động sản, nhưng thị trường địa ốc sa sút những năm gần đây khiến Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) lao đao. Phát hành cổ phiếu vào tháng 8/2010, trải qua 6 năm giá cổ phiếu của QCG đã rớt thảm, từ 45.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 4.000 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc năm 2015, tồn kho các dự án bất động sản của QCG lên đến 5.444 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm và chiếm gần 91% tài sản ngắn hạn. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 cho thấy doanh thu thuần đạt 181,7 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng 3,3 lần nên lãi gộp giảm xuống 46% xuống còn 3,5 tỷ đồng. Qua đó cho thấy kết quả kinh doanh chính của QCG có phần ảm đạm.
Trong khi đó tại nhiều dự án Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư từng xảy ra khiếu kiện, khách hàng tố chủ đầu tư nhiều vấn đề như giao nhà chậm, chất lượng xuống cấp nhanh chóng, không thực hiện đúng cam kết trên hợp đồng...
Theo Infonet