Cẩn trọng với “cơn điên” đất nền Nhơn Trạch

Thứ sáu, 09/09/2016, 13:17
Sau chủ trương xây cầu Cát Lái nối TP.HCM với huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai được thông qua, giới “cò” đất đang quần tụ làm nên cơn sốt đất nền mới. “Cơn điên” đất nền đang mang đến nhiều nguy cơ.

Tăng giá ảo

Ngay sau khi chủ trương cầu Cát Lái được thông qua. Giá đất tại Nhơn Trạch tăng chóng mặt. Tại xã Long Thọ, giá đất nông nghiệp tăng gấp đôi, từ 2 triệu đồng/m2 lên 4 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng hai tháng. Còn tại một số trục đường chính ở xã Long Tân, giá đất cũng tăng lên và dao động trong mức từ 3 – 8 triệu đồng/m2.

“Cơn điên” đất nền khiến nhiều người dân khẩn trương phân lô, cắm biển rao bán. Dọc tuyến đường Lý Thái Tổ từ phà Cát Lái quận 2 TP.HCM đi về trung tâm huyện Nhơn Trạch và ra quốc lộ 51, người dân đua nhau treo biển bán đất. Quán cà phê, tạp hóa cũng tranh thủ treo biển bán đất.

Tại xã Long Tân người dân còn cất chòi tạm ngay trên các lô đất và dựng bảng hiệu “Nhà đất” để ngồi bán như người dân bán thịt cá ở chợ. Cò đất từ TP.HCM cũng tề tựu, dựng chòi cắm biển xôm tụ. “Chủ yếu là cò đất tạo sốt ảo để làm giá thôi. Người mua thật rất ít”- anh Lê Văn Đẹp, một nhà đầu tư đến từ TP.HCM cho hay.

Không chỉ giới cò, các chủ đầu tư cũng “té nước theo mưa” tung chiêu bơm thổi. Trong vòng ít ngày, hàng loạt dự án mở bán như Hoa Sen Đại Phước ở xã Đại Phước, Khu đô thị mới Đông Sài Gòn, Khu đô thị mới Phước An, Khu đô thị mới Nhơn Trạch, Khu dân cư xã Vĩnh Thanh, dự án Sunflower City, dự án khu dân cư thương mại xã Long Tân - Phú Hội…

La liệt bảng bán đất quanh vị trí công bố chủ trương xây cầu Cát Lái

Hay Công ty CP Địa ốc Kim Oanh mở bán dự án khu đô thị RichLand City tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch với 700 nền nhà phố. Sau lễ mở bán rình rang, doanh nghiệp này phát đi thông cáo cho báo chí đã bán hết 670 nền chỉ trong lễ mở bán. Thực chất, đây chỉ là chiêu đánh bóng.Trong lễ giao dịch, nhân viên môi giới nhiều hơn khách hàng. Hai ngày sau lễ mở bán, chúng tôi quay lại dự án, một cảnh vắng vẻ đìu hiu. Dù công bố là bán gần hết nhưng nhân viên môi giới vẫn chịu khó che dù giữa nắng chèo kéo khách. Giá chào bán mà chủ đầu tư đưa ra từ 4,5 - 5,7triệu/m2, trong khi giá đất khu vực này 2 tháng trước chỉ có 3 triệu/m2.

Nhiều nguy cơ

Trước khi có dự án xây cầu Cát Lái, thị trường đất nền Đồng Nai từng “huyên náo” với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành. Dự án mới ồ ạt ra đời, giá đất tăng và dự án “thổi phồng” mở bán là hết nhưng khung cảnh đường sá hạ tầng vắng vẻ. Cách đây 8 năm khi khu công nghiệp Nhơn Trạch mở rộng, hàng loạt dự án bất động sản cũng ra đời trong đó có dự án của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng (DIC Corp) làm chủ đầu tư với biệt thự phố, chung cư cao tầng. Giờ đây qua cơn nóng sốt, dự án này vắng bóng người ở, cỏ mọc um tùm và những block chung cư chưa hoàn thành xong đã “chết lâm sàng” ngay trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM đây là cái giá phải trả của việc chạy theo hạ tầng, dự án… Qua cơn sốt thị trường thì các dự án này đều đóng băng và trong cảnh đắp chiếu. Ông Châu cảnh báo, người dân không nên chạy theo cơn sốt hạ tầng mà đổ xô đi đầu cơ đất tại đây và chịu rủi ro lớn.

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia bất động sản và hạ tầng phân tích: Thực chất thông tin về cầu Cát Lái đã có hàng chục năm trước. Mỗi lần có thông tin mới lại tạo nên một cơn sốt đất ảo. Việc một công trình từ khi thông qua chủ trương đến khi thành hình mất rất nhiều thời gian.Nhà đầu tư nhỏ lẻ cần tỉnh táo để không “mắc bẫy” giới cò đất.

Không chỉ người đầu cơ đất gặp rủi ro, nguy cơ lớn hơn, theo ông Sanh là cơn sốt đất manh mún có thể phá vỡ quy hoạch về lâu dài của tỉnh Đồng Nai. Ông phân tích: Những công trình lớn như cầu Cát Lái, sân bay Long Thành, đường cao tốc… phải nằm trong quy hoạch vùng. Khi công bố phải có quy hoạch cụ thể về hạ tầng để tạo khung cho việc phát triển các công trình dân sinh, trong đó có cả việc mua bán đất.

“Việc để bất động sản phát triển manh mún như hiện tại, rất khó quy hoạch lại về lâu dài. Khi đó, người mua đất không được thụ hưởng hạ tầng tương xứng, tỉnh cũng khó thu hồi đất để phục vụ quy hoạch lớn” - ông Sanh nói. Cơn sốt đầu cơ đất dẫn đến việc hạ tầng không bắt kịp, đô thị phát triển theo kiểu da beo loang lỗ sẽ mang đến nhiều hệ lụy lâu dài.

“Cầu Cát Lái ngay khi công bố đã không có sự tính toán lâu dài. Đơn cử như việc TP.HCM cần cây cầu để phát triển giao thông trong khi phía bên kia, Đồng Nai lại tựa vào thế cầu để phát triển các khu công nghiệp. Không có sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên.Việc bất động sản phát triển manh mún là tất yếu. Những công trình lớn như vậy, cần có sự can thiệp quy hoạch vùng và Bộ Xây dựng phải là bên chủ trì hợp tác với các địa phương liên quan. Đáng tiếc là việc này hiện quá mờ nhạt”- Tiến sĩ Phạm Sanh nhận định.
Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn