Người Nhật dựa lưng vào metro
Văn phòng Chính phủ vừa đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng có ý kiến về kiến nghị của UBND TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 11/8 về việc kiến nghị lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm Thương mại ngầm Bến Thành.
Theo đó, trong tờ trình được UBND TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ, liên danh Công ty cổ phần Toshin Development, Join, Nikken Sekkei và Osaka Chikagai (đại diện là Toshin) được Thành phố đề nghị chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án đối với cấu phần cửa hàng/thương mại thuộc Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành. Thủ tục chỉ định nhà đầu tư sẽ được TP.HCM thực hiện theo đúng quy định.
Tại tờ trình này, TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ODA để thực hiện cấu phần xây dựng lối đi, quảng trường và các công trình phụ trợ ngầm công cộng tại khu vực Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành theo hướng bổ sung khối lượng và chi phí vào Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên sử dụng vốn ODA Nhật Bản.
Được biết, Dự án Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành nằm tại khu vực trung tâm TP.HCM, ngầm phía dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc theo đường Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến khu vực Nhà hát Thành phố. Vị trí cụ thể của công trình là tại tầng hầm B1 của Nhà ga Trung tâm Bến Thành và đoạn đi ngầm bên dưới đường Lê Lợi (chiều dài khoảng 500m) của tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Dự án có quy mô khoảng 45.000m2, gồm khu vực cửa hàng/thương mại rộng 18.100m2; hành lang và quảng trường ngầm 21.500m2.
Vấn đề lớn nhất cần được liên danh nhà đầu tư làm rõ liên quan đến chi phí xây dựng Dự án. Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Dự án Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có tổng mức đầu tư khoảng 6.865 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo tính toán của Toshin được lãnh đạo TP.HCM báo cáo Thủ tướng vào tháng 5/2016, cùng với quy mô xây dựng khoảng 45.000 m2, Dự án sẽ cần tới 8.392 tỷ đồng, trong đó địa phương góp 4.982 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 59%) bằng khoản bay ODA cho phần diện tích công cộng; nhà đầu tư góp 3.410 tỷ đồng dưới hình thức PPP.
Trước đó, trong công văn xin chủ trương gửi Thủ tướng vào cuối tháng 5/2016, TP.HCM cho biết, có tới 2 liên danh cùng xin tham gia đầu tư công trình hạ tầng kết hợp kinh doanh thương mại theo hình thức PPP này. Ngoài Toshin, TP.HCM cũng nhận được đề xuất dự án của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Sài Gòn Star (do Công ty Nihon Sekkei - Nhật Bản tư vấn).
Liên danh do Toshin đứng đầu có rất nhiều lợi thế để giành quyền đầu tư “siêu” trung tâm thương mại ngầm đầu tiên tại Việt Nam này. Vì theo đề xuất của Toshin, Dự án Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành sẽ gồm 2 phần, trong đó cấu phần công trình công cộng thực hiện bằng nguồn vốn ODA và cấu phần cửa hàng/thương mại thực hiện bằng hình thức PPP hoặc hình thức đầu tư khác. Điều đáng lưu ý là, Toshin cam kết sẽ hỗ trợ TP.HCM trong việc phối hợp tích cực với Chính phủ Nhật Bản thu xếp ODA cho cấu phần công trình công cộng.
Một lợi thế nữa của Toshin là công ty này đã hợp tác Keppel Land và Sowatco để thực hiện dự án Trung tâm thương mại Takashimaya ở Saigon Center 2. Vị trí trên đường Lê Lợi sẽ giúp kết nối Takashimaya dễ dàng với trung tâm thương mại ngầm Bến Thành trong tương lai.
Toan tính của nữ đại gia Trương Mỹ Lan
Ngoài Toshin, nhà đầu tư thứ hai đề xuất làm dự án trung tâm thương mại ngầm Bến Thành là Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Sài Gòn Star. Theo nguồn tin riêng, công ty này chính là cổ đông lớn nhất trong Công ty TNHH Kinh doanh địa ốc New Life.
Trong quý I/2016, New Life đã mua lại khách sạn Duxton Hotel Saigon từ Low Keng Huat với giá trị 49,24 triệu USD. Được biết, những người chủ mới của Duxton Hotel Saigon có mối quan hệ khá thân thiết với nhóm tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan - người cũng đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp nhiều khu đất vàng trên đường Nguyễn Huệ như cao ốc Times Square, Union Square, cao ốc văn phòng Vạn Thịnh Phát.
Hồi tháng 5/2016, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát đã đề xuất UBND TP.HCM cho tập đoàn này được tự bỏ kinh phí nghiên cứu lập báo cáo đề xuất đầu tư dự án Khu Công viên Cảng Du lịch Bạch Đằng (quận 1).
Theo đề xuất của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, hiện UBND TP đang kêu gọi tham gia đầu tư dự án trên theo hình thức xã hội hóa (đoạn từ công viên phía trước Bảo tàng Tôn Đức Thắng đến trước đường Hàm Nghi) với diện tích 17,08ha. Trong đó, diện tích mặt đất công viên là 7,02ha và diện tích mặt nước 10,06ha.
Công ty trên đề xuất tự bỏ kinh phí nghiên cứu lập báo cáo đề xuất đầu tư khu công viên cảng Bạch Đằng thành công viên , trung tâm thương mại ngầm, bãi đậu xe ngầm, tầng hầm kỹ thuật và hệ thống giao thông kết nối ngoại vi, bến tàu, bến du lịch…
Sau khi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, Vạn Thịnh Phát xin được chấp thuận đầu tư kinh doanh một phần trung tâm thương mại, bãi đậu xe ngầm. Ngoài ra công ty đề xuất được phép khai thác một số kiôt kinh doanh ẩm thực trong công viên.
Theo Người Đồng Hành