Phối cảnh của siêu dự án Lavenue Crown.
Giải cứu đất vàng
Nổi tiếng nhất có lẽ là “siêu dự án” Lavenue Crown cạnh Trung tâm thương mại Diamond (quận 1). Đây là khu phức hợp có quy mô xây dựng lớn nhất trục đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng với 36 tầng, rông 4,921m2. Lavenue Crown là một dự án phức hợp hạng sang, gồm có 3 khu chức năng: Căn hộ hạng sang, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại.
Lavenue là công ty liên doanh của Công ty Cổ phần Kinh Ðô (50% vốn điều lệ), Công ty Đầu tư Mayflower (Mỹ) và Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM. Với thiết kế hình tòa tháp đài hoa sen, Lavenue Crown từng được kỳ vọng là biểu tượng mới của thành phố. Tuy nhiên, nhiều năm trời dự án im lìm. Khu đất nhiều năm qua được cho thuê làm bãi giữ xe.
Tổng giám đốc Kinh Đô Trần Lệ Nguyên từng trình kế hoạch hoàn thành dự án vào năm 2014 nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn là một khu đất trống. Theo tìm hiểu của chúng tôi hợp đồng cho thuê khu đất này sẽ chấm dứt vào cuối năm. Khu đất cũng đang được trả lại mặt bằng. Đại diện Kinh Đô một lần nữa khẳng định, dự án sẽ khởi động vào cuối năm nay.
Một “siêu dự án khác” được công bố sẽ động thổ ngay trong tháng 12 này là SJC Tower trên khu đất vàng bốn mặt tiền Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực (quận 1) của công ty CP Sài Gòn Kim Cương. Được UBND TP.HCM cấp phép từ năm 2007 nhưng nhiều năm qua khu đất bỏ hoang, cho thuê lại làm bãi giữ xe.
SJC Tower hoành tráng vẫn chưa thành hình (ảnh: Tiến Tường)
Trong những ngày qua, khu đất này không còn dịch vụ trông giữ xe, mặt bằng đã được san lấp, máy móc thi công đã được chuyển đến để chuẩn bị động thổ. Được biết, dự án có 54 tầng cùng 6 tầng hầm gồm các chức năng như Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ... Với số vốn khủng 60 triệu USD vào thởi điểm công bố, SJC Tower sẽ là một trung tâm trưng bày, kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất TP.HCM. Đây cũng là thương vụ có bóng dáng của Kinh Đô.Tuy nhiên, tập đoàn này đột ngột rút 50% vốn vào năm 2010.
Một dự án trị giá hàng trăm triệu USD khác phê duyệt từ năm 1995 mang tên Trung tâm văn hóa thương mại Sài Gòn của Công ty liên doanh Việt Nam JinWen (Vijico) tại công viên 23.9, Quận 1. Đây là liên doanh giữa Tập đoàn JinWen của Đài Loan với 3 đối tác trong nước là Công ty dịch vụ phát triển đô thị TP.HCM, Công ty công viên cây xanh TP.HCM và Công ty dịch vụ du lịch Bến Thành. Tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, trong đó JinWen góp 70% vốn, 3 đối tác VN góp 30% vốn bằng quyền sử dụng đất.
Dự kiến hoạt động năm 2001 nhưng giữa năm 2000, dự án ngưng trệ hoàn toàn do thiếu vốn. TP.HCM vừa chấp thuận cho Công ty TNHH MTV đầu tư thương mại Cửu Long được đầu tư cải tạo, chỉnh trang nâng cấp một phần công viên 23.9 (khu B) để khai thác tạm thời.
“Siết” siêu dự án
Đối với siêu dự án tại công viên 23/9, UBND đưa ra thời hạn sử dụng đến năm 2019, khi nhà nước có nhu cầu sử dụng thì thu hồi vô điều kiện. Đây được xem là động thái “rắn” của thành phố sau khi hàng loạt siêu dự án đất vàng trầm kha thời gian dài.
UBND TP.HCM còn chỉ đạo các sở ngành liên quan triển khai các biện pháp xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ, tránh gây lãng phí trong khai thác sử dụng và đảm bảo mỹ quan đô thị tại khu đất vàng.
Đối với các dự án đang ngưng thi công dở dang, thành phố giao Sở Xây dựng TP.HCM thông báo bằng văn bản đến chủ đầu tư yêu cầu nhanh chóng triển khai thực hiện dự án theo đúng nội dung giấy phép xây dựng đã cấp trong thời hạn 6 tháng, kể từ khi nhận thông báo để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, đảm bảo mỹ quan đô thị khu trung tâm thành phố.
Từ năm 2007, UBND TP.HCM đã quy hoạch 20 lô đất (khoảng 50ha) thuộc những vị trí “vàng” tại khu trung tâm thành phố để kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất thì chỉ có 4 nhà đầu tư đã triển khai dự án hoặc chuẩn bị đưa vào khai thác. Còn lại những khu đất vàng khác, nằm ở những vị trí khá đắc địa trong hơn 10 năm qua vẫn chưa khởi động.
Ngay sau động thái của chính quyền sở tại, các siêu dự án bắt đầu rục rịch chuyển động.
Theo Dân Việt