Thực hư chuyện đất nền đang sốt
Giữa tháng 1/2017, anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân tại cảng Cát Lái (quận 2) tìm mua đất xây nhà khu vực xa trung tâm tâm như đường Nguyễn Xiểng (quận Thủ Đức), Nguyễn Duy Trinh (quận 9). Thế rồi, anh đã ngỡ ngàng, khi mảnh đất trên đường Nguyễn Xiểng, tháng trước có giá 600 triệu đồng nay đã lên 700 triệu đồng, có mảnh đất tháng trước giá 580 triệu đồng đã tăng gần 700 triệu đồng.
Trong vai người mua đất, PV ghé vào một công ty môi giới bất động sản trên đường Đồng Văn Cống (quận 2) hỏi mua một lô đất trong Khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi. Anh Toàn, nhân viên môi giới cho biết, giá đất đang là 39 triệu đồng/m2. Được biết, thời điểm dự án hình thành giá đất tại đây là 16 triệu đồng/m2, sau đó đẩy lên gần 50 triệu đồng/m2 (năm 2008), đầu năm 2016 là 34 triệu đồng/m2 và giờ lên 39 triệu đồng/m2.
Giao dịch đất nền khu Đông TP.HCM diễn ra sôi động trước Tết Nguyên đán 2017. |
Tại quận Thủ Đức, điểm giáp danh huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương), gọi vào số điện thoại dưới tờ thông tin bán đất giá rẻ, phóng viên được người phụ nữ tên Giang đưa vào một dự án phân lô trên đường Trần Thị Vững. Theo bà Giang, lô đất 58m2 có giá bán khoảng 1,1 tỷ đồng. Trong khi, lô đất cạnh đó mua vào tháng 10/2016 với giá 800 triệu đồng.
Hay chiêu thổi giá của giới đầu cơ
Đất nền khu Đông TP.HCM đang được chào bán và thông báo rầm rộ trên các trang mạng của nhiều công ty môi giới địa ốc với lời giới thiệu hấp dẫn về lợi thế. Điều này góp phần tạo ra cơn sốt đất tại khu Đông.
Nhưng tổng giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại quận 2 (xin được giấu tên) lại cho rằng, đây chỉ là chiêu thổi giá của giới đầu cơ nhằm hưởng lợi giá chênh lệch. Vị này cho biết, giá thực của bất động sản khu Đông chỉ bằng 1/3 giá giao dịch của thị trường.
“Lúc đầu họ giới thiệu là 10 triệu đồng/m2, nhưng sau một tuần họ bắt đầu cho nhảy giá lên 5 - 10% và thông báo đất đã bán gần hết. Thậm chí, dàn cảnh giao dịch trước mặt khách để thổi giá, tạo cho khách hàng tin, đất nền đang sốt, nếu không mua ngay sẽ không còn đất để mua, hoặc đang tăng giá mạnh. Thực ra, thị trường đang bị làm giá”, vị này nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cảnh báo: “Nếu không có biện pháp ngăn chặn hiện tượng này, thì sẽ dẫn đến nhiều rủi ro. Cái lợi thì chỉ có giới đầu tư hưởng, nhưng cái hại thì người dân, ngân hàng và cả thị trường gánh. Lấy ví dụ năm 2009, khi thị trường bị thổi lên cao rồi bong bóng vỡ, ngân hàng điêu đứng, nhà đầu cơ phá sản, khách hàng nhận ra mình mua đất với giá ngất ngưởng".
Theo Báo Đầu Tư