|
Khu đất vàng số 80 Lý Thường Kiệt, Hà Nội do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý lùm xùm dư luận thời gian qua. |
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu vừa ký Quyết định số 3344/QĐ-TTCP phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ mà theo đó cơ quan này sẽ tiến hành 23 cuộc thanh tra chính thức và 6 cuộc thanh tra dự phòng.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ giao Vụ I thực hiện 3 cuộc thanh tra. Thứ nhất, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường tại một số khu công nghiệp (cơ sở công nghiệp), khu kinh tế, khu chế xuất, khu đô thị mới.
Thứ hai, thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn) tại Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc bộ này.
Thứ ba, thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị 11/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam. Cuộc thanh tra này sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vụ II Thanh tra Chính phủ được giao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính tại các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu lớn, có nguy cơ mất vốn, tài sản; thanh tra tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hoà.
Vụ II cũng tiến hành thanh tra trách nhiệm trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn) gắn với thực hiện thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước theo Văn bản 2103/2009 của Thủ tướng Chính phủ và việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại UBND TP.HCM.
Nội dung liên quan đến chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác cũng được Thanh tra Chính phủ giao Cục I thanh tra tại UBND TP.Hà Nội, Cục II thanh tra tại UBND tỉnh Khánh Hoà và UBND TP.Đà Nẵng, Cục III thanh tra tại UBND TP.Cần Thơ.
Thanh tra việc cử các đoàn đi nước ngoài
Đáng chú ý, sau khi báo chí phản ánh về các nhà máy, khu công nghiệp dọc sông Hậu gây lo lắng trong dư luận, Thanh tra Chính phủ đã quyết định giao Cục III thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về môi trường, đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản tại UBND tỉnh Hậu Giang.
Thanh tra Chính phủ cũng giao Cục IV thanh tra chuyên đề quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử các đoàn đi nước ngoài tại các cơ quan bộ, ngành Trung ương; thanh tra công tác thi, xét nâng ngạch công chức tại Bộ Nội vụ.
Vụ III sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo; thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch tại Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và một số tỉnh, thành phố. Đồng thời, thanh tra trách nhiệm của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện quy định về tự chủ theo quy định của Chính phủ, việc quản lý đầu tư xây dựng 3/5 bệnh viện trọng điểm theo Đề án 125 gồm Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2), Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng (Viện chấn thương chỉnh hình)…
Trong những cuộc thanh tra dự phòng, đáng chú ý là cuộc thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, thanh tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; thanh tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng tại tỉnh Lạng Sơn, Lâm Đồng và Đồng Tháp.
Theo Quyết định số 3344/QĐ-TTCP, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp được giao xây dựng kế hoạch thanh tra chi tiết trình Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt và thông báo cho các cơ quan là đối tượng liên quan về nội dung thanh tra.
Theo Dân Trí