|
Người dân xếp hàng làm thủ tục nhà đất ở Q.9 |
Đang có nhu cầu mua đất, bà Hoàng Thị Mai (46 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) khảo sát một số ngân hàng (NH) để hỏi vay. Tại BIDV, nhân viên tư vấn có hai phương án. Nếu muốn cố định trong thời gian 12 tháng, lãi suất là 7,8%/năm; còn cố định 24 tháng lãi suất sẽ là 8,8%/năm. Sau thời gian này, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ 3,5%/năm (theo mức tính hiện nay là khoảng 10,7%/năm).
|
Người dân đổ xô đi mua đất các vùng ven ngoại thành TP.HCM |
Đến một NH khác, nếu khách muốn vay theo chương trình ưu đãi, nhà băng chỉ xét cho vay 50% nhu cầu. Số tiền còn lại phải vay theo chương trình thông thường với lãi suất 10,7%/năm. Ngoài ra, tùy theo thời gian cố định, lãi suất NH cũng ràng buộc người vay không được trả trước hạn (trong một thời gian nhất định). Nếu vi phạm, ngoài việc bị phạt, NH sẽ tính lại lãi suất trong thời gian ưu đãi.
“Lãi suất cho vay không chỉ cao hơn trước, mà các khoản vay ưu đãi cũng chỉ áp dụng một phần khiến tôi vô cùng khó khăn khi có ý định mua nhà” – chị Mai cho biết.
Khảo sát tại một số NH cổ phần tại TP.HCM, nhiều nhà băng áp dụng mức lãi suất cho vay mua đất, mua nhà, xây sửa nhà khá cao, có nơi lên đến 12%/năm nếu khách hàng vay trung hạn. Trường hợp vay dài hạn, lãi suất thời điểm giải ngân lên đến 12,5%/năm. So với vài tháng trước đây, lãi suất cho vay mua, xây sửa nhà tại các NH đã tăng khoảng 2%/năm.
Bên cạnh đó, do giá nhà đất vừa qua tăng khá nóng, nên các NH cũng thẩm định lại giá và chỉ cho vay tối đa 70% giá trị.
|
Do nhiều người vay NH để đầu tư đất nên nhà băng siết vốn vay để hạn chế nợ xấu |
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, thời gian qua đã có nhiều văn bản cảnh báo các NH về việc rót vốn vào lĩnh vực bất động sản.
Theo ông Minh, các NH đã cảnh báo rủi ro nhiều hơn, đặc biệt ở những khu vực mà giá đất bị đẩy lên bất thường ở các vùng ven ngoại thành. “Ngoài khảo sát kỹ giá đất, nhiều NH thậm chí còn giảm tỉ lệ cho vay xuống mức thấp, khoảng 50%, thậm chí 30% so với giá thị trường” – ông Minh thông tin.
Theo các chuyên gia bất động sản, trước thực trạng trong mấy năm gần đây nhiều ngân hàng thương mại xem việc cho vay bất động sản là “miếng bánh” ngon và cho vay rất mạnh tay, nên dòng tín dụng có dấu hiệu “ồ ạt” chảy vào thị trường địa ốc. Điều này dẫn đến hệ lụy là nhiều nhà đầu tư lấy dự án bất động sản làm tài sản thế chấp vay ngân hàng, phải chịu áp lực trả nợ, trong khi khả năng thu hồi vốn của các ngân hàng rất khó khăn.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh. NHNN yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp. Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; Nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; Giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán. |
Theo Tiền Phong