Đổ bộ săn đất trên “đảo ngọc”
Chuyến phà từ Hà Tiên ra đảo Phú Quốc. |
Trên chuyến phà từ Hà Tiên ra Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), hình ảnh chúng tôi bắt gặp là nhiều đoàn xe ôtô hạng sang biển số TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu và cả những xe đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc…xếp hàng dài chờ đến lượt lên phà. Ngay tại đây, những cuộc điện thoại ngã giá từng công đất (1 công đất = 1.000m2 - PV) diễn ra chóng vánh nhưng đơn vị toàn là tiền tỷ, chục tỷ.
Thay vì đi máy bay chỉ mất hơn 1 giờ là đến Phú Quốc thì nhiều nhà đầu tư chọn cách di chuyển bằng đường bộ để thuận tiện trong việc “săn đất” và thể hiện được đẳng cấp, dễ lấy lòng tin của người bán. Chính vì vậy, không khó để nhận ra, tại Phú Quốc dòng xe hạng sang tràn ngập, dễ bắt gặp xe hạng sang hơn cả khi ở những thành phố lớn.
Trong phòng lạnh của chuyến phà Hà Tiên – Phú Quốc chỉ số ít người dân địa phương nằm chợp mắt để nghỉ lấy sức cho công việc ruộng vườn nặng nhọc, còn lại là những nhóm nhà đầu tư bàn tán, trao đổi vế giá từng công đất. Ở đó, họ kể mới mua được chục công đất ở chỗ này, bán lời được vài tỷ ở chỗ kia. Rồi đến chuyện làm giá, “nuôi cò”, chia chác lợi nhuận…
Bến phà Thạnh Thới huyện Phú Quốc. |
Hơn 3 giờ lênh đênh trên biển, chúng tôi đến được bến phà Thạnh Thới (huyện Phú Quốc), dù chặng đường dài và đã quá giờ trưa nhưng ngay khi đến bến, đoàn xe của giới săn đất lao đi vun vút đến các điểm xem đất, mọi việc ăn uống diễn ra ngay trên xe. Vừa nhai ổ bánh mì, H. (một nhà đầu tư dạng lướt sóng đến từ TP.HCM) nói: “Giá đất tăng theo từng phút, mình mà đến muộn có khi mất cả tỷ. Lần trước ra đây chỉ vì vào ăn trưa mà bỏ lỡ mấy công đất ngon ăn”.
Ra Phú Quốc và những ngày đầu tháng 4/2018, PV Dân trí ghi nhận việc mua bán đất diễn ra rầm rộ. Con đường bến phà Thạnh Thới đến thị trấn Dương Đông, từ thị trấn Dương Đông đến Bắc đảo, Nam đảo Phú Quốc hai bên đường treo nhan nhản bảng rao mua bán đất công, đất nền.
Nhan nhản bảng rao mua bán đất công, đất nền treo từ đường chính đến đường nhánh tại Phú Quốc. |
Điều dễ nhận thấy khi đến Phú Quốc không phải là đội ngũ nhân viên giới thiệu về du lịch, dịch vụ trên hòn “đảo ngọc” mà là những “chợ” bất động sản với lực lượng cò đất hùng hậu xuất hiện khắp nơi, từ quán cà phê, quán ăn đến những khu du lịch, trước các dự án…mỗi khi xuất hiện ôtô hạng sang, lập tức đội ngũ cò đất tiếp cận, mời chào. Mọi giao dịch ở đây được thực hiện theo kiểu “thuận mua, vừa bán”. Tất cả các loại đất trên đảo đều được đem ra giao dịch từ đất đồi, đất rừng, đất ven biển, đất nền...
Cơn “địa chấn” giá đất
Một công đất ở “đảo ngọc” hôm trước được rao với giá 4,5 tỷ đồng thì chỉ sau một đêm được đẩy giá lên gấp 3 lần. |
Một công đất ở “đảo ngọc” hôm trước được rao với giá 4,5 tỷ đồng thì chỉ sau một đêm được đẩy giá lên gấp 3 lần, đây chỉ một trong số hàng trăm câu chuyện đang diễn ra tại đảo Phú Quốc. So với cơn sốt giá đất từng xảy ra vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 thì đợt sốt giá đất hiện nay đang tạo ra cơn “địa chấn” chưa từng có trên “đảo ngọc”. Việc mua bán “ngoài luồng”, trao tay giữa các đại gia chuyên săn đất đến từ các tỉnh thành đang nóng lên từng ngày, mức giá thảy đổi liên tục và tăng chóng mặt.
Cơn “địa chấn” giá đất không chỉ gây sốc với người dân Phú Quốc mà ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng không bao giờ nghĩ một công đất ở khu vực xã Cửa Dương có giá khoảng 2,5 tỷ nhưng sau vài ngày đã được bán ra với giá 5,3 tỷ đồng. Khi nhà đầu tư chấp nhận mua công đất với giá gấp đôi thì tiếp tục rao bán với giá 6,2 tỷ đồng.
Vào khu trung tâm thị trấn Dương Đông, những mảnh đất có mặt tiền hướng ra biển, vị trí đất thuận lợi cho việc kinh doanh, xây dựng nhà hàng, khách sạn… có giá rao bán trên 50 tỷ đồng/công. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải tâm điểm của cơn “địa chấn” giá đất, đắt đỏ nhất là đất trên đường Trần Hưng Đạo hiện được ra bán với giá hàng trăm tỷ đồng/công đất.
Những mảnh đất có mặt tiền hướng ra biển, vị trí đất thuận lợi cho việc kinh doanh, xây dựng nhà hàng, khách sạn… có giá rao bán trên 50 tỷ đồng/công. |
Bà Q. (ngụ TP.HCM) kể, bà đã ra Phú Quốc từ trước Tết và “nằm vùng” ở đây để săn đất, trong khoảng thời gian hơn 2 tháng, bà Q. đã mua đi bán lại 9 mảnh đất kiếm lời được gần 6 tỷ đồng. “Ở đây mình mua bán ngoài luồng thôi, muốn có đất ngon thì phải dựa vào cò đất địa phương, tụi đó rành địa bàn và có cách kiểm tra xem đất có vướng quy hoạch hay không. Giá đất bây giờ có thể đạt đỉnh rồi, không thể lên được nữa nên tôi còn 3 mảnh nữa đang tìm đầu ra” bà Q. nói.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, tình trạng sốt giá hiện nay là do người dân đổ xô mua “đón đầu” sự kiện Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế. “Người dân nên bình tĩnh, suy tính trước khi quyết định mua đất, không chạy theo cơn sốt giá, không mua bán kiểu giao dịch ngoài luồng, tự phát vì rất dễ dẫn đến tranh chấp, vướng phải quy hoạch”, ông Hưng khuyến cáo.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc. |
Lý giải về cơn sốt giá đất, ông Hưng cho rằng, việc mua đất làm gì, vị trí ở đâu, giá cả như thế nào thì người mua gần như không quan tâm. Có thửa đất, chỉ trong thời gian ngắn đã được mua đi bán lại hơn 10 lần nên chủ đất và cò đất đã lợi dụng tình hình lộn xộn này để đẩy giá tăng cao khiến giá đất tăng vượt ngưỡng giá trị thật gấp hàng chục lần.
Theo Dân Trí