HoREA nêu thực trạng, trong những năm qua, khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án đã xảy ra việc người dân không hợp tác trong quá trình đo đạc, kiểm đếm, không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, không bàn giao đất thu hồi; không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Một số trường hợp khiếu kiện, thậm chí dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Đề xuất phương án tái định cư cho người bị thu hồi đất. |
"Một trong những nguyên nhân là thiếu điều tra xã hội học và chất lượng các cuộc họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi không cao, chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của người có đất thu hồi, dẫn đến hệ quả là xây dựng chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ, chưa sát thực tế cuộc sống, chưa đáp ứng đúng nhu cầu của người dân", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhận định.
Luật Đất đai 2013 dù có quy định thông báo cho người dân về việc thu hồi đất nhưng chưa có quy định về điều tra xã hội học trong quá trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tuy nhiên, Luật Đất đai chưa có quy định về "công tác điều tra xã hội học" trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ngay từ thời điểm đầu tiên thông báo chủ trương thu hồi đất và xuyên suốt quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Về phương thức tái định cư, Hiệp hội đề nghị bổ sung vào Dự thảo quy định về 3 phương thức tái định cư để người dân lựa chọn.
Thứ nhất, tái định cư tại chỗ là tốt nhất vì gắn liền với sinh kế và các mối quan hệ xã hội của người dân.
Thứ hai, tái định cư nơi khác, trước hết cần ưu tiên tái định cư trong phạm vi cùng quận, huyện. Trường hợp bất khả kháng thì bố trí tái định cư ở quận, huyện liền kề.
Thứ ba, cho người dân đề nghị được nhận tiền và tự lo tái định cư. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị quy hoạch khu tái định cư phải có đầy đủ tiện ích, dịch vụ, kết nối giao thông thuận tiện, tạo được một số việc làm tại chỗ cho cư dân.
Theo VTC