|
Theo đó, sau khi Công ty Emaar Properties PJSC (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) xin rút khỏi liên danh giữa Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC vào tháng 10/2016 Tập đoàn Bitexco xin được chỉ định làm chủ đầu tư.
Sau đó, TP.HCM đã mất 6 tháng để thẩm định năng lực của Bitexco, cho rằng Bitexco đủ năng lực thực hiện dự án và TP đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ. Chính phủ đã có văn bản trả lời cho biết việc này thuộc thẩm quyền của TP.HCM, nhưng phải theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, qua tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư làm theo văn bản pháp luật hiện hành rất khó nên chỉ còn cách đấu thầu chọn nhà đầu tư. Đến nay, do ảnh hưởng của công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên tiến độ có điều chỉnh thì cũng chỉ là đến năm 2032.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, Công ty Emaar Properties PJSC là một doanh nghiệp nhà nước lớn của Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống Nhất thực hiện rất nhiều dự án lớn tại quốc gia này, họ có đủ năng lực để thực hiện dự án Bình Quới - Thanh Đa.
Nguyên nhân doanh nghiệp này rút lui khỏi dự án là do thủ tục của ta quá lâu. Việc đấu thầu chọn nhà đầu tư mới xem như dự án trở lại vạch xuất phát ban đầu. Theo quy định hiện hành, nếu không có gì trục trặc việc đấu thầu để chọn nhà đầu tư mới cho dự án phải mất 800 ngày.
Hiện nay đã có 4 nhà đầu tư quan tâm đến dự án, trong đó có nhà đầu tư năng lực tài chính rất tốt, họ cam kết ứng trước 3 tỷ USD để triển khai dự án. Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết thêm hiện nay ngại nhất là thủ tục. Các nhà đầu tư chỉ hỏi lãnh đạo TP.HCM 2 câu hỏi: Tổng mức bồi thường bao nhiêu? Bao giờ bàn giao mặt bằng? nhưng chúng ta trả lời không được là họ rút.
UBND TP.HCM cũng lưu ý báo cáo cần phải nêu rõ cơ sở pháp lý, yếu tố thuận lợi chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quy trình cụ thể triển khai lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư (tiêu chí phải có nội dung ký quỹ với số tiền đảm bảo đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng nhằm chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm).
Trong thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, Thường trực UBND TP.HCM cũng giao UBND quận Bình Thạnh chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP về các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân khu vực dự án.
Ngoài ra, UBND TP.HCM còn giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân. Bởi đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án kéo dài; để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực dự án.
Theo Nhịp sống kinh tế