Theo thông tin do bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam chia sẻ tại 'Hội nghị Bất động sản – Động lực tăng trưởng mới' do Forbes tổ chức mới đây, số lượng khách Trung Quốc mua căn hộ hạng sang tại TP.HCM tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, dữ liệu thống kê giao dịch qua CBRE cho thấy, khách mua căn hộ hạng sang là người Trung Quốc chỉ chiếm 2% trong năm 2016 và 4% trong năm 2017, cùng xếp vị trí thứ 6 về tỷ lệ sở hữu theo quốc tịch. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ người mua có quốc tịch Trung Quốc nhảy vọt lên dẫn đầu, chiếm đến 31%, Trong khi đó, khách hàng là người Việt xếp vị trí thứ hai với 24%.
Bà Dung nhận định, thị trường bất động sản hạng sang TP.HCM đang chứng kiến sự quan tâm mạnh mẽ của người mua đến từ nước ngoài nói chung. Hai năm trước, tỷ lệ khách hàng là người nước ngoài mới chiếm 53% thì đến năm nay đã tăng lên 76%. Nếu 2-3 năm trước, người mua nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì giờ có những người sinh sống ở nước ngoài và thậm chí còn chưa từng đặt chân đến.
"Năm 2017, thị trường thậm chí không ai nói tới căn hộ hạng sang nhưng giờ có những căn giá 5.000-6.000 USD mỗi m2, thậm chí lên tới 9.000 USD mỗi m2", bà Dung nhận định phân khúc này có mức dao động giá cao do nguồn cung ít. Bà cũng dự báo rằng đó cũng là lý do để các chủ đầu tư có khả năng sẽ còn đưa ra những mức giá có thể lên 9.000-10.000 USD mỗi m2 thời gian tới.
Mỗi nhóm khách nước ngoài cũng có sở thích mua khác nhau. Chuyên gia CBRE cho biết, khách từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan ưa chuộng các dự án cao cấp có quy mô lớn trung tâm hoặc gần trung tâm Sài Gòn. Khách Hàn Quốc lại ưu tiên mua các dự án của Phú Mỹ Hưng tại quận 7, nơi đã có cộng đồng người Hàn tương đối đông đảo. Trong khi đó, khách Âu Mỹ thích sống biệt lập và yên tĩnh nên thường nhắm đến các biệt thự, căn hộ riêng tư thuộc quận 2, TP.HCM.
Bất động sản tại vùng lõi trung tâm TP.HCM. |
Bà Dung nhận định thị trường bất động sản năm 2018 ổn định và tương đương năm 2017 với nguồn cung khoảng 33.000 căn hộ tại Hà Nội và 32.000 căn hộ tại TP.HCM. Khả năng hấp thụ của thị trường cũng tương đương năm ngoái.
Theo bà, ngoài nhóm khách hàng nước ngoài, tốc độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản nhà ở phát triển. Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định trong thời gian gần đây tạo niềm tin cho chủ đầu tư và các nhà đầu tư. Nhiều chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đang tăng cường dòng vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA), có một vấn đề là các doanh nghiệp bất động sản đang chuẩn bị đối mặt với chính sách hạn chế dần vốn vay vào bất động sản và quy định áp dụng hệ số rủi ro với các khoản dư nợ cho vay bất động sản. Điều này đặt ra áp lực nhưng cũng để doanh nghiệp thay đổi tích cực hơn. Doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng, đạt độ tin cậy, đổi mới về quản trị để có thể vay vốn từ ngân hàng. Thiếu vốn trung và dài hạn cũng là một nghịch lý, một mặt yếu của thị trường hiện nay.
Trong khi đó, nói về dòng vốn nước ngoài, một số chuyên gia khác thừa nhận FDI là nguồn vốn quan trọng cho bất động sản. Tuy nhiên, cũng cần đề phòng dòng vốn nước ngoài. Trong đó, câu hỏi đặt ra là họ có thực sự rót vốn vào dự án không và họ có dùng vốn vay để đầu tư không.
Theo VNE