|
Để làm condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, có tỉnh đã cho phá rừng, san núi |
Cam kết lợi nhuận khó thực hiện
Sự kiện về một chủ đầu tư dự án condotel tại Đà Nẵng tuyên bố không thực hiện được lời hứa về lợi nhuận lên tới 12%/năm trong ít ngày qua đã trở thành tâm điểm thu hút tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ III diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội. Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận: “Condotel không phải là mới nhưng đang đặt ra nhiều vấn đề về giá, về cam kết lợi nhuận”.
Cùng trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng, dự án condotel tại Đà Nẵng phải đàm phán lại với khách hàng vì hứa trả lợi nhuận quá cao, dẫn đến không có khả năng thực hiện. “Điều này cho thấy, nhiều nhà đầu tư còn tham lam, không tính đến tính khả thi.Theo tôi, nếu cam kết lợi nhuận từ 8 đến 12 %/năm thì chủ đầu tư đều phải lấy lợi nhuận từ nguồn khác bù vào”, ông Nguyễn Trần Nam phân tích.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nói: Cách đây từ 5 năm, khi một số nhà đầu tư đưa ra cam kết lợi nhuận cao, chúng tôi đã có nhận định rằng, đưa ra mức lãi suất như vậy chỉ mang tính thời điểm. Lúc nào chủ đầu tư cân đối được nguồn tiền thu được từ giá bán và trong khai thác dự án thì mới có thể thanh toán được. Chúng ta có thể thấy rằng, ngay cả những dự án nghỉ dưỡng-khách sạn cực kỳ hấp dẫn cũng phải mất khoảng 5-7 năm trở lên mới có thể thu hồi được vốn đầu tư, chưa nói đến chuyện khó có thể lãi được ngay. Với mô hình condotel tạm gọi là căn hộ nghỉ dưỡng mà chủ đầu tư cam kết trả lãi 8-12 % trên giá bán thực chất doanh nghiệp phải trả cho nhà đầu tư lên tới khoảng 25%. Thực tế làm gì có kiểu kinh doanh nào lại dễ dàng đạt mức lợi nhuận cao như vậy?
Trách nhiệm của bộ ngành đến đâu?
Tình trạng bùng nổ đầu tư, mua bán căn hộ condotel trong vòng 5 năm qua cho thấy dường như có dấu hiệu một số bộ ngành, địa phương “bật đèn xanh” cho phát triển condotel. Hàng chục dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng trải dài từ Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang tới Vũng Tàu với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư hàng đầu. Ngay cả khi Thủ tướng có chỉ đạo thì đến nay không ít bộ, ngành vẫn khá “loay hoay” trong xử lý. Ông Nguyễn Trần Nam cho biết, đã nhiều lần kiến nghị nhưng các bộ, ngành vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng về tính pháp lý cho condotel.
Ngay tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam, quan điểm của không ít chuyên gia, đại diện bộ, ngành còn khác nhau. Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS khẳng định condotel không phải là nhà ở. Chính phủ và các bộ, ngành cũng khẳng định condotel không phải nhà ở, mà đó là công trình nhà trên đất thương mại dịch vụ, hình thành theo cơ chế thương mại dịch vụ. Chắc chắn trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy chuẩn cho loại hình này, không chỉ condotel mà cả officetel nữa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng: Nếu trả lời condotel là công trình trên đất dịch vụ là chưa chính xác, nó sẽ phụ thuộc vào quy hoạch. Bởi nếu xây dựng condotel trên đất được quy hoạch là đất ở thì đó là đất để ở và công trình để ở. Ví dụ như, nhiều hộ gom và xây, kinh doanh cho thuê condotel, đất để xây là đất ở thì nó phải là đất ở. Luật pháp cũng không cấm xây condotel trên đất ở. Vậy nên việc cấp sổ đỏ cho condotel là loại hình cho thuê dịch vụ hay đất ở tùy thuộc vào quy hoạch của dự án được duyệt.
“Nếu trả lời condotel là công trình trên đất dịch vụ là chưa chính xác, nó sẽ phụ thuộc vào quy hoạch. Bởi nếu xây dựng condotel trên đất được quy hoạch là đất ở thì đó là đất để ở và công trình để ở”, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản VN. |
Theo Tiền Phong