Theo NHNN, sau gần 3 tháng triển khai 5 nhà băng tham gia chương trình đã cam kết cho vay 510 khách hàng cá nhân với số tiền là 172 tỉ đồng, đã giải ngân cho 494 khách hàng với số tiền là 115 tỉ đồng.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, đã có 4 DN được ký hợp đồng tín dụng với số tiền 748 tỉ đồng, đã giải ngân được 44,46 tỉ đồng.
Qua 3 tháng tốc độ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng vẫn rất chậm |
Tuy nhiên, quá trình giải ngân nguồn vốn này còn khá ì ạch. Lý giải nguyên nhân, NHNN nhận định, là do nguồn cung nhà ở thu nhập thấp hiện đang “khan” so với nhu cầu thị trường.
Hiện phần lớn các dự án nhà ở xã hội, thu nhập thấp mới đang trong quá trình triển khai, chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nên “hàng hóa” chưa dồi dào.
Bên cạnh đó, hồ sơ thủ tục vay và điều kiện vay (thiếu tài sản thế chấp) cũng khiến người thu nhập thấp có nhu cầu vay vốn đang phải “trầy trật” chạy vạy nếu muốn qua được “cửa” ngân hàng và nằm trong diện giải ngân vốn.
Một điểm nghẽn nữa khiến việc tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng của người thu nhập thấp rất khó khăn, là do một số ngân hàng sẵn sàng cho vay mua căn hộ tại các dự án mà ngân hàng đã liên kết nhưng chưa chắc khách hàng đã chọn mua căn hộ của dự án đó. Ngược lại, dự án khách hàng “nhắm tới” thì chưa chắc đã được ngân hàng ký cam kết với chủ đầu tư do lo ngại năng lực hoạt động yếu của chủ dự án.
Trao đổi với Infonet, TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) nhìn nhận, việc giải ngân chậm gói 30.000 tỉ đồng là điều dễ hiểu vì ngân hàng phải nắm “đằng chuôi”. Do số tiền cho vay là của Chính phủ nên không thể trách cứ ngân hàng đưa ra điều kiện vay quá khắt khe vì nếu không thu hồi được vốn thì ngân hàng sẽ lãnh đủ.
Theo Infonet