Thời gian gần đây anh Lê, ngụ tại Gò Vấp, TPHCM tất bật hết Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… lại ghé Bình Dương để tìm khu đất thích hợp làm sinh phần cho gia đình. Như nhiều gia đình có cha mẹ cao tuổi lại có điều kiện kinh tế, anh Lê muốn tìm một khu đất quy hoạch nghĩa trang đủ rộng, không quá xa thành phố, đi lại thuận tiện, sở hữu lâu dài và đảm bảo được chăm sóc chu đáo...
Có nhiều diện tích khác nhau tùy theo mỗi nghĩa trang dành cho khu phần mộ gia đình, chẳng hạn ở Phúc An Viên (Quận 9,TPHCM) thì tối thiểu 50m2, chôn được 8 mộ, còn An Viên Vĩnh Hằng (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) tối thiểu 90m2trong khi Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương (Bến Cát, Bình Dương) thì 81m2…
“Sống” đất người chết
Tại “vòng loại” anh Lê ghé Sơn Trang Tiên Cảnh (Tây Ninh) nhưng cả nhà quyết định nói “không” vì khoảng cách quá xa so với TPHCM (khoảng 100km) lại nằm về phía biên giới. Bồng Lai Viên (Long An), Đa Phước (Bình Chánh, TPHCM) thì e là “sau này biến đổi khí hậu có thể bị ngập”…
Lọt vào “vòng chung kết” còn lại ba nơi: An Viên Vĩnh Hằng, Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương và Phúc An Viên. Ba nơi này, mỗi nơi có một thế mạnh riêng. Phúc An Viên tuy giá khá cao, giá 50m2khoảng 900 triệu đồng, nhưng được cái gần nhà, chỉ cách trung tâm TPHCM về phía đông khoảng 10km, thuận tiện đi lại, thăm viếng của con cháu sau này, điều mà mẹ anh rất quan tâm.
Quang cảnh nghĩa trang như trong phim cổ trang. |
Anh Tuấn, nhân viên Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương cho biết, hiện có rất nhiều doanh nhân ngành điện máy, sữa, ngân hàng…đã mua sẵn nhiều lô đất phần mộ gia đình ở những vị trí tốt. Có thể kể tới gia đình doanh nhân họ Mai ngành sữa, họ Trần ngành ngân hàng… |
An Viên Vĩnh Hằng thì được về địa thế và phong thủy, dù giá không hề rẻ: khu mộ gia đình nằm trên đỉnh đồi, diện tích thấp nhất 45m2, quy hoạch cho 5 mộ, giá 750 triệu đồng. Lô 90m2dành cho 8 mộ giá 1,5 tỷ đồng, chưa kể các chi phí xây mộ, quét tước, lau dọn, chăm sóc cây xanh...
Với quy mô hàng trăm ha, chiếm trọn nhiều quả đồi cao tự nhiên, nằm ngay cạnh sông Đồng Nai khúc thượng nguồn dòng chảy cuồn cuộn, hùng vĩ, có thể dễ dàng tìm được các lô đất có thế “tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông” hoặc nằm trên ngọn đồi cao, bốn phía gió mây bát ngát.
Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương xét về giá thì “mềm” nhất, chỉ có 390 triệu đồng để mua một lô 81m2cho 8 mộ ở khu vực trung tâm. Khu ngoại vi giá rẻ hơn, cùng diện tích nhưng giá chỉ 330 triệu đồng. Cách TPHCM trên 50km, tương đương quãng đường từ TPHCM đi An Viên Vĩnh Hằng, nhưng đường sá rộng rãi hơn, chưa kể lợi thế Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương đã đi vào hoạt động từ năm 2007, nên diện mạo khác hẳn.
Trong khi An Viên Vĩnh Hằng rộng gần 200ha hiện tại như một công trường xây dựng, ngổn ngang đất đá và chưa định hình thì ở Hoa Viên Nghĩa Trang đã lấp đầy 15% diện tích với những thảm cỏ hoa xanh mượt và đường sá rộng rãi, đều tăm tắp và rợp bóng cây xanh.
Triết lý kinh doanh của Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương cũng khác: Trong khi các nghĩa trang khác chặt hết cây cối, chấp nhận đầu tư toàn bộ, ngay từ đầu dẫn đến giá thành cao, thì Hoa Viên Nghĩa Trang chọn cách giữ lại toàn bộ lô rừng cao su, keo lá tràm và phát triển theo khu, phát triển nghĩa trang đến đâu, chặt cây đến đó nên toàn khu vực 200 ha vẫn giữ nguyên một màu xanh ngăn ngắt.
Điều đó gây thiện cảm với khách hàng có nhu cầu, chưa kể ở nghĩa trang công viên đầu tiên cả nước này có dịch vụ hậu mãi khá chu đáo và đầy kinh nghiệm… Đối với anh Lê, vấn đề duy nhất còn lại là đưa đại gia đình, đặc biệt là hai “nhân vật chính” đi tận nơi “mục sở thị” trước khi đưa ra quyết định
cuối cùng.
Cũng đôn đáo đi khắp các nghĩa trang trong vùng nhưng chị Hoàng Thị Thiện nhà đầu tư ở TPHCM có mục đích khác anh Lê. Là nhà đầu tư, chị quan tâm đến tính thanh khoản của thị trường đặc biệt này. Chị Thiện có người bạn làm ngành ngân hàng, đầu tư 7 “hố” tại nghĩa trang Phúc An Viên khi giá ở mức 50 triệu đồng/hố, đến nay giá bán của chính công ty đã là 120 triệu đồng.
Theo một nhân viên tên Diễm thì “hết tháng 10 công ty dự định tăng giá bán lên 10%”. Cũng chị Diễm cho hay, hiện tại Phúc An Viên đã bán được trên 500 “hố” trên tổng số 1.600 huyệt chào bán đợt đầu. Chị Đặng Thị Dung - phó giám đốc kinh doanh cho biết: “Phúc An Viên được quy hoạch 10.000 ngôi mộ, nay đã bán được khoảng 1.000 huyệt” (nghĩa trang này mới khai trương vào cuối tháng 6/2013-PV).
Chị Thiện (trái) đang cân nhắc để đầu tư. |
Chị Dung nói, hiện tại có nhiều nhà đầu tư thứ cấp đang đầu tư vào Phúc An Viên: “Có nhiều người mua dành cho gia đình. Cũng có rất nhiều người mua để đầu tư… Sau này nếu họ muốn nhượng lại, công ty sẽ thu 1% phí”.
Tuy nhiên, lợi thế của Phúc An Viên cũng chính là nhược điểm của công viên nghĩa trang này. Chị Thiện cho rằng với tốc độ đô thị hóa như hiện nay ở TPHCM, sau 15 - 20 năm nữa đô thị sẽ “tiến” tới vách nghĩa trang và Phúc An Viên sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách. “Nhưng đó là chuyện sau này, còn hiện tại thì đầu tư vào Phúc An Viên cũng có nhiều cơ hội” - chị Thiện chốt hạ.
Công viên nghĩa trang
Bác Phước, 67 tuổi, nhà ở quận 3, TPHCM đều đặn hằng tuần theo xe đưa rước thân nhân và khách hàng tìm mộ lên Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương để viếng thăm và quét tước mộ phần của người vợ đã khuất. Cách đây hai năm, vợ bác qua đời và theo di nguyện lúc sinh thời của vợ, bác và con cái đưa lên khu I Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương.
Bác Phước kể, nhà có năm người con thì bốn đứa ở nước ngoài, chỉ còn cô con gái út ở lại Việt Nam nhưng đi làm xa nhà. Ở nhà một mình, phần vì buồn, phần vì thương nhớ vợ, cứ cuối tuần rảnh là theo xe của nghĩa trang đi Bình Dương. “Gọi là thăm viếng nhưng chả phải làm gì, đã có công ty lo.
Chuyến đi ai đăng ký thì đi, không phải trả chi phí gì. Tôi chỉ tốn có 12.000 đồng hai lượt đi về xe buýt từ nhà đến điểm đón của công ty. Vừa được ở gần gũi bà ấy, vừa coi như đi dã ngoại một chuyến. Ở đó đẹp lắm, không giống như nghĩa trang mình vẫn hình dung đâu”.
Quả thật nghĩa trang công viên không giống như những gì ta thường hình dung về nghĩa trang xã hội hóa. Trong tâm trí mỗi người, nghĩa trang thường là nơi xô bồ, âm u, đầy đe dọa bởi đường sá bẩn thỉu, ngập nước, rác rưởi với đầy rẫy nguy hiểm chực chờ bởi kim chích ma túy, nơi tụ tập ẩn nấp của con nghiện, tội phạm và đêm về có thể “gặp ma”.
Anh Lê đã đi nhiều nghĩa trang để tìm một vị trí ưng ý. |
Anh Nguyễn Hiền Triết, tổng giám đốc Nghĩa Trang Hoa Viên Bình Dương tâm sự: “Hiện tại mỗi khi vào nghĩa trang làng tôi vẫn sợ… ma. Ở đó mạnh ai nấy xây, cây cối mạnh ai nấy trồng, mồ mả lô nhô không theo hàng lối nên rất… kinh. Nhưng ở công viên nghĩa trang, tôi cảm giác như đi trong làng, không bị ám ảnh cảm giác kinh dị”.
Quy hoạch dự án cho người sống đã khó, quy hoạch dự án “nhà ở” cho người chết dường như còn khó hơn. Hầu như các nghĩa trang công viên ngoài việc tham quan các mô hình tương tự ở các nước, còn mời các nhà sư, thầy địa lý, nhà phong thủy trong nước và nước ngoài tới xem, tư vấn cách chọn thế đất, dựng tượng, xây chùa và phân lô. Nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng còn xẻ những quả đồi thành từng bậc như bậc thang để đặt phần mộ.
Anh Thắng, người của An Viên Vĩnh Hằng rất tâm đắc việc công ty đã “mời thầy phong thủy nổi tiếng từ Malaysia qua để tư vấn vị trí xây chùa ngay thung lũng giữa hai ngọn đồi, mặt ngoảnh ra sông Đồng Nai. Theo thầy địa lý ngoại thì đó là nơi có thế “rồng cuộn hổ ngồi” nên giá các huyệt mộ quanh đó cũng đắt gấp nhiều lần nơi khác: 350 triệu đồng/hố đơn vài m2, gấp ba lần ở Phúc An Viên và tương đương khu đất mộ gia đình cho 8 người ở Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương.
Theo Tiền Phong