Hỗ trợ nhiều nhưng chưa khả thi
Trong khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ chưa giải quyết triệt để được bài toán tồn kho căn hộ thì mới đây, bất động sản lại được tiếp sức bởi những chính sách ưu đãi về thuế với kỳ vọng sẽ góp thêm "lửa” để làm tan dần "tảng băng” trên thị trường BĐS.
Cụ thể, trong thông tư hướng dẫn thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT, do Bộ Tài chính vừa ban hành, sẽ giảm thuế VAT 5% với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội thực hiện từ ngày 1/7/2013. Các hợp đồng giao dịch nhà thương mại đã hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 (đã gồm thuế, phí bảo trì) giao dịch từ 1/7/2013 đến 30/6/2014 cũng được nhận ưu đãi này.
Cùng với đó, thuế thu nhập DN sẽ giảm còn 10% với các đơn vị đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội. Với các DN doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp thuế thu nhập 20% kể từ ngày 1/7.
Ngoài việc giảm thuế VAT, thị trường BĐS còn được hỗ trợ về chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, từ 1/1/2014, các đối tượng khi chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng BĐS là công trình xây dựng trong tương lai và nhà ở hình thành trong tương lai giữa các thành viên trong gia đình với nhau sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
TS Trần Du Lịch đánh giá, những nỗ lực để làm ấm thị trường BĐS thời gian qua chưa mang lại kết quả, dẫn đến thanh khoản của thị trường này khó cải thiện. Cụ thể, gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng chưa phát huy nhiều tác dụng. Từ doanh nghiệp đến cá nhân bắt đầu thấy nản lòng với các chính sách này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, điều cần làm là kích thích phân khúc thị trường nhà ở phổ thông, tức loại nhà ở có giá dưới 1 tỷ đồng/căn hộ thông qua công cụ tín dụng hỗ trợ trực tiếp cho người mua, chứ không hỗ trợ trực tiếp người bán.
Hiện “chiếc phao” khả dĩ nhất để vực dậy thị trường là niềm tin của người tiêu dùng vào từng sản phẩm nhà ở của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức độ trì trệ trên thực tế của hàng loạt dự án khiến niềm tin này mai một nhiều. Các vụ kiện liên tiếp xảy ra khiến thị trường vốn đã khó lại càng khó hơn.
Bất lực trước thị trường
Tại TP.HCM, tình trạng chủ đầu tư bội tín trễ bàn giao nhà đang ngày một nhiều. Song, điều khiến nhiều người đóng tiền mua căn hộ xót xa hơn là chứng kiến tiền của mình mất đi mỗi ngày vì giá căn hộ đã rớt thê thảm.
Gần đây, hàng trăm khách hàng mua căn hộ Dự án chung cư Mỹ Phú kéo đến bao vây trụ sở CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) ở quận 7, chủ đầu tư, yêu cầu doanh nghiệp này giải thích việc “trùm mền” dự án trên. Tuy nhiên, Petroland vẫn án binh bất động khiến khách hàng phẫn nộ, phong tỏa cả tòa nhà làm việc và buộc chính quyền địa phương phải can thiệp.
Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng dự án chung cư Đại Thành kéo dài suốt 3 năm qua cũng cho thấy sự bất lực đối với thị trường. Trong cuộc “đấu khẩu” gần đây nhất giữa khách hàng với chủ đầu tư, sau khi nghe chủ đầu tư thừa nhận không còn tiền để tiếp tục triển khai dự án và cần hơn 99 tỷ đồng, một lần nữa, khách hàng đã phải nhượng bộ, chấp nhận đóng phần tiền còn lại vào tài khoản trung gian do đại diện khách hàng, Công ty và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM làm chủ tài khoản để hoàn thiện dự án.
Việc căn hộ liên tục chậm tiến độ khiến khách hàng mua không được, bán chẳng xong. Chủ dự án muốn huy động thêm vốn hoàn thiện chỉ còn cách giảm giá để hút người mua mới. Tuy nhiên, những dạng căn hộ như vậy luôn thiếu tính bền vững nên chẳng mấy người mua mặn mà.
Những vướng mắc từ các dự án dở dang ở lĩnh vực nhà ở thương mại chỉ là một phần khuyết của thị trường, phần còn lại là lĩnh vực nhà ở xã hội vẫn chưa làm thỏa mãn số đông. Đã có nhiều DN chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, song, Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực chia sẻ: “Vấn đề không phải là ưu đãi, mà là đầu ra. Việc xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội thực tế gặp nhiều khó khăn, có khi người có đủ điều kiện để mua lại không có nhu cầu và ngược lại”.
Rõ ràng, chính sách hỗ trợ liên tiếp được ban hành nhưng việc vực dậy thị trường được hay không còn tùy thuộc vào cách triển khai chính sách và cách bán hàng của doanh nghiệp.
Theo Vef