>>Xử lý nghiêm cán bộ uống rượu, bia trong giờ làm việc, nghỉ trưa
>>Mê bia rượu, coi chừng bệnh tâm thần
>>Cấm CBCC rượu, bia trong giờ làm việc, nghỉ trưa
>>Hà Nội: Say rượu, lái xe lao thẳng vào CSGT
Theo Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, ba tháng qua phát hiện hơn 5.300 trường hợp lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Lè nhè
Phạt nặng lái xe uống rượu bia Quy định về xử phạt đo nồng độ cồn đối với môtô: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở thì phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với ôtô phạt tiền từ 4-6 triệu đồng. Ngoài ra, tùy vi phạm còn bị tạm giữ xe mười ngày, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày. |
21h30, tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Nguyễn Chí Thanh, khi dòng người đang lưu thông bình thường bất ngờ Nguyễn Thành Danh (21 tuổi) rồ ga, vụt lên. Lập tức tổ CSGT Chợ Lớn vượt lên ép Danh vào lề để kiểm tra. Máy đo báo kết quả chỉ số nồng độ cồn: “0,269mg/lít khí thở” vượt quá quy định cho phép là 0,25mg/lít. Với vi phạm này, Danh bị tạm giữ giấy phép lái xe.
Một phút sau, ở một quán nhậu trên đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trí Tuấn (35 tuổi) và Nguyễn Ngọc Phương (28 tuổi) phóng xe ra với tốc độ cao liền bị tổ CSGT thổi dừng lại.
Kết quả kiểm tra cho thấy Tuấn có nồng độ cồn 0,695mg/lít khí thở, còn Phương 0,661mg/lít khí thở, vượt gấp nhiều lần so với quy định. CSGT yêu cầu cả hai ký vào biên bản để tạm giữ phương tiện, Tuấn gãi đầu, gãi tai... không ký. “Tụi em uống mỗi người có hai chai à” - một người bạn đi cùng với Tuấn năn nỉ xin đừng giam xe để còn có cái mà về... Phải mất 20 phút, Tuấn mới chịu ký vào biên bản.
Cán bộ CSGT chợ Lớn kiểm tra nồng độ cồn tối ngày 6/4
Khoảng 22h, trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, Trương Văn Vương (29 tuổi) phóng xe máy với tốc độ cao. Nhận thấy Vương có biểu hiện say xỉn, tổ CSGT bám theo yêu cầu kiểm tra. Do quá xỉn, Vương cứ lè nhè, không hợp tác và buộc CSGT phải đưa về đội giải quyết. Tại đây, khi CSGT đưa máy đo nồng độ cồn, Vương chỉ ngậm mà không thổi. Người gục lên gục xuống phải đến 10 lần ngậm, Vương mới chịu thổi nhẹ và máy cho ra chỉ số nồng độ cồn là 0,55mg/lít khí thở, vượt gấp đôi so với quy định cho phép. Thế nhưng Vương vẫn không chịu ký vào biên bản tạm giữ xe và tự ý bỏ về.
Cùng thời điểm trên, ở tuyến quốc lộ 1A giáp ranh giữa huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, nơi tập trung các khu công nghiệp, tổ CSGT An Lạc gồm khoảng 10 người cũng làm việc không ngơi nghỉ với hàng chục vụ say xỉn đi xe máy. Hiếu (quê Kiên Giang) khi bị thổi dừng để kiểm tra đã buột miệng: “Chết em rồi, em vừa lấy xe ra được có mấy ngày”. Hiếu cho biết làm công nhân, hết giờ lai rai vài chai bia rồi về ai ngờ... Mới hai tuần trước Hiếu bị tạm giữ xe cũng do rượu bia, còn lần này dù mới “lai rai vài chai”, nồng độ cồn đo được của Hiếu đã vượt gấp hai lần cho phép.
Trong khoảng một giờ ở khu vực này, tổ CSGT An Lạc đã xử phạt và tạm giữ xe 10 trường hợp uống rượu bia quá nồng độ cho phép. Trung tá Lại Văn Ba - đội trưởng - cho biết như vậy là suôn sẻ, chứ trước đây khi mới xử lý hầu hết người vi phạm không chịu chấp hành với lý do say xỉn nên không làm chủ được bản thân hoặc chưa hiểu hết việc đo nồng độ cồn.
Xử lý phải có “nghệ thuật”
Từ 23h30 đến gần 1h sáng 7/4, chúng tôi tiếp tục theo chân một tổ kiểm soát thuộc đội CSGT Phú Lâm tuần tra trên các tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt, Ba Tháng Hai, Kinh Dương Vương, trạm thu phí An Lạc... và ghi nhận tổ đã tạm giữ năm trường hợp có tình trạng vượt quá nồng độ cồn cho phép. Trong đó có vụ Nguyễn Thanh Tài (29 tuổi, quê Đồng Tháp) nồng độ cồn lên tới 0,601mg/lít khí thở. Khi bị lập biên bản, Tài chạy chỗ khác gọi điện thoại, châm thuốc hút phì phèo. Phải nhiều lần nhắc nhở Tài mới chịu ký vào biên bản.
Trung tá Lại Văn Ba (tổ CSGT An Lạc) kể: có trường hợp tạm giữ xe, người vi phạm không đồng ý vì “trong xe có rất nhiều đôla”, chúng tôi buộc phải mời về phường để làm các thủ tục mở cốp xe kiểm tra. Mở ra thì đúng là có tiền nhưng tiền... âm phủ. Thế là mất hơn hai giờ cho vụ này nhưng mình phải bấm bụng chịu. Còn việc không chịu thổi, bụm miệng rồi nhả ra, thậm chí chửi bới thô tục thì khá nhiều.
“Vì vậy, tổ xử lý về nồng độ cồn chúng tôi thường chọn người tính mềm mỏng, kiên nhẫn và khả năng ứng xử tình huống giỏi” - ông Ba nói.
Theo thiếu tá Trương Trần Minh Tuấn - đội trưởng đội CSGT Chợ Lớn, do có chút men nên nhiều người chống đối, kích động, la ó và bất hợp tác, người xử lý phải có “nghệ thuật” mới làm được. Lúc đầu người vi phạm có tâm lý sợ lây nhiễm bệnh khi phải thổi nhưng được giải thích mỗi người chỉ thổi một ống (giá 20.000 đồng), rồi bỏ thay ống mới vào thì người vi phạm chấp hành.
Thượng tá Trần Thanh Trà cho biết Công an TP vừa trang bị cho lực lượng CSGT TP hơn 100 máy đo nồng độ cồn nhập về từ nước ngoài với trị giá hàng chục tỉ đồng. Cùng với các biện pháp khác, việc tăng cường xử phạt đo nồng độ cồn đã thật sự làm giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua.
Theo TTO