TPHCM: Bệnh viện gãy lưng vì quá tải

Thứ hai, 09/04/2012, 06:53
Tình trạng quá tải bệnh viện (BV) đã được đặt ra từ lâu nhưng có một thực tế là các BV càng nỗ lực giảm tải thì lại càng… quá tải! Tại chương trình tọa đàm Lắng nghe và Trao đổi do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện diễn ra sáng 8-4, vấn đề này tiếp tục được các đại biểu mổ xẻ với nhiều thông tin.

Các tin khác

>> 5 giải pháp chống quá tải bệnh viện
>> Bộ trưởng Y tế: Quá tải bệnh viện khá trầm trọng
>> Bức bối chuyện kẹt xe, quá tải bệnh viện
>> 'Đến năm 2015, TP HCM sẽ hết quá tải bệnh viện'


Chờ mổ... 4-5 tuần

Khắc họa bức tranh về thực trạng quá tải BV hiện nay, Giám đốc BV Ung bướu Lê Hoàng Minh cho biết, chỉ tiêu được giao của BV là 1.300 giường nội trú nhưng thực tế chỉ có 630 giường, trong khi cộng lại cả bệnh nhân nội, ngoại trú khoảng 10.000 người, tỷ lệ trung bình 3 bệnh nhân/giường, có một số khoa quá tải dẫn đến tình trạng 4-5 bệnh nhân/giường. Số lượng bệnh nhân đến khám mỗi năm tăng 10%.

Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình Trần Thanh Mỹ thống kê: Những ngày đầu tuần, mỗi phòng khám có 2.000 - 3.000 bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân nội trú quá tải ở tất cả các khoa. Có những khoa bệnh nhân phải chờ mổ 2-3 tuần, đặc biệt có khoa 4-5 tuần. Cao điểm như mùa hè có khi phải hẹn lịch mổ cho bệnh nhân từ 6-8 tuần.

Phó Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng đưa ra số liệu: BV phải phục vụ lượng bệnh nhân ngoại trú từ 2.400 đến 3.000 lượt/ngày và nội trú trên 1.500 người trong khi chỉ tiêu Sở Y tế giao 1.200 giường.

Ấn tượng hơn có thể thấy qua thống kê của Giám đốc BV Nhi đồng 2 Hà Mạnh Tuấn: Năm 2011, BV khám 1,4 triệu lượt người, 89.000 lượt ngoại trú, trung bình mỗi ngày khám 4.500 bệnh nhân, có hôm 6.000 bệnh nhân, con số này gấp 10 lần tiêu chí khi xây dựng BV.

Giảm vượt tuyến

Giải pháp giảm tải của các BV là kê thêm giường, ghế bố ra hành lang; rút ngắn thời gian điều trị… nhưng vẫn bất lực, thậm chí càng cố gắng, càng quá tải. Các ý kiến cho thấy để giảm tải cần tăng cường giường bệnh, xây mới BV. “Hàng loạt cao ốc, trung tâm thương mại mọc lên nhưng cả chục năm qua vẫn chưa có BV mới nào được xây dựng”, một đại biểu bức xúc.

Lý do chung mà các BV Chấn thương chỉnh hình, Từ Dũ, Nhi đồng, Ung bướu 2, BV ở 4 khu vực cửa ngõ chưa thể hoàn thành sớm bởi vướng thủ tục, cơ chế, chính sách… Trước thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lấy BV quận huyện làm cơ sở 2 cho các BV tuyến trên. Theo BS Lê Hoàng Minh, nếu khai thác hết công suất giường bệnh tại các BV quận – huyện hiện nay trở thành BV vệ tinh, có thể giảm tải 5%-10% bệnh nhân ở BV tuyến trên.
 

Chất lượng điều trị ở tuyến y tế cơ sở hiệu quả sẽ giảm tải đáng kể cho tuyến trên. Ảnh: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Ảnh: Tr.Ng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc đầu tư cho y tế cộng đồng và các mạng lưới y tế là quan trọng. Chính việc chăm sóc sức khỏe dự phòng tốt sẽ góp phần giảm tải BV. Viện sĩ -Tiến sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng: “Trước hết cần củng cố mạng lưới cơ sở, tập trung cho tuyến cơ sở, tăng giường bệnh, nhất là ở 322 phường xã. Việc xây dựng BV vệ tinh là điều nên làm trước mắt. Tận dụng hệ thống đông y, đông dược và hệ thống y tế tư nhân để hỗ trợ ngành y tế. Căn cơ hơn, Trung ương cần sớm có giải pháp giảm tải cho 2 TP lớn”.

BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết: TP đang tập trung đầu tư cho tuyến y tế cơ sở về cả vật chất và nhân lực. Dự kiến, đến năm 2014 số lượng bác sĩ tăng gấp đôi, năm 2015 tăng gấp ba hiện nay.

Theo BS Nguyễn Văn Mười, Giám đốc BV quận Bình Tân, từ ngày 16-4, BV quận Bình Tân sẽ triển khai thí điểm mô hình phòng khám y học gia đình với đội ngũ y bác sĩ có tay nghề, tư vấn khám chữa bệnh cho người dân, tư vấn về các chế độ dinh dưỡng, tiêm chủng, các bệnh chuyên khoa… để người dân không phải vượt tuyến.
 

Theo SGGP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn