>> CMND có tên bố mẹ: Trái Công ước Quốc tế
>> Ghi tên cha mẹ lên CMND: Hai bộ ’xung đột’
>> Vẫn cấp đại trà CMND mẫu mới
Phóng viên: Thưa ông, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, soạn thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét không thực hiện quy định đưa tên cha mẹ lên CMND bởi điều này trái Bộ Luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký tham gia. Ông đã tiếp nhận thông tin này chưa?
- Đại tá Trần Thế Quân: Tôi cũng chỉ đọc và tiếp nhận thông tin qua báo chí. Trong Bộ Luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em không có khoản nào nói đến việc không được đưa tên cha mẹ lên CMND. Việc ghi nhận họ tên người cha cho người con là quyền cơ bản.
Con cái phải có cha mẹ và tự hào về điều đó cơ mà. Tất nhiên, dư luận về cái này thì ai cũng biết rồi nhưng bảo việc đó là trái luật thì cũng chỉ là suy luận thôi. Giấy khai sinh của mỗi công dân được coi là giấy tờ gốc để làm tất cả các giấy tờ khác cũng có phần ghi tên họ tên cha mẹ cơ mà.
Thời gian qua, hầu hết dư luận không đồng tình với quy định đưa tên cha mẹ lên CMND. Họ có lý do của mình, bởi nhiều người cha mẹ đã mất từ lâu, sinh ra chỉ có cha hoặc mẹ, cha mẹ là tử tù… Bộ Công an có lắng nghe ý kiến dư luận ?
- Nếu có nhiều cơ quan thống kê về việc này thì cần phải tìm hiểu. Tất nhiên là chúng tôi phải lắng nghe ý kiến cả bên trong lẫn bên ngoài. Việc sửa trên mẫu CMND mới, bỏ mục ghi họ tên cha mẹ công dân không khó. Nhưng phải thấy rằng Nghị định 05 có từ năm 1998-1999 đã nói CMND có phần ghi họ tên bố mẹ.
Đến năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 170 sửa đổi, bổ sung Nghị định 05 cũng chỉ sửa mẫu, dùng chữ “cha” thay cho chữ “bố” trước đây thôi. Từ đấy đến giờ Bộ Tư pháp thẩm định đều không có ý kiến phản ứng gì. Mà nghị định thì do Chính phủ ban hành, Bộ Công an chỉ thực thi thôi.
Với tư cách cá nhân, ông thấy dư luận lên tiếng như vậy thì Bộ Công an có phải xem xét lại không?
- Tất nhiên là khi có ý kiến trái chiều, dù nhiều hay ít thì đều phải nghiên cứu. Trong nhiều trường hợp cái đó (đưa tên cha mẹ lên CMND) cũng có nhiều mặt hợp lý của nó. Một ví dụ nhỏ thôi: Người dân điều khiển xe trên đường vi phạm giao thông bị CSGT giữ lại và hỏi xe này của ai, nếu nói là xe của cha thì chỉ cần trình ra CMND có phần ghi họ tên cha mẹ là không phải mất công xác minh thêm nữa.
Lợi ích của việc này không phải chỉ trong quản lý của ngành công an mà còn giúp người dân thực hiện các giao dịch, hợp đồng thuận lợi hơn. Trước những ý kiến như thế chắc chắn bên Vụ Pháp chế của chúng tôi sẽ phải nghiên cứu kỹ.
Sau một thời gian thí điểm tại 3 quận, huyện ở Hà Nội, tại sao Bộ Công an không đánh giá tổng kết ngay mà tiếp tục thí điểm trên phạm vi rộng hơn? Sau này nếu quy định bị bãi bỏ thì có thể rất nhiều người đã được cấp rồi muốn đi làm lại CMND, gây tốn kém không nhỏ?
- Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) chủ trì việc này. Chúng tôi không nằm trong dự án thí điểm nhưng việc nghiên cứu thì vẫn phải làm, bởi nó liên quan đến việc thực thi quy định trong nghị định của Chính phủ.
Đây đang là giai đoạn thí điểm về công nghệ triển khai, cách thức làm, quản lý cơ sở dữ liệu. Tôi được biết mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản nói rằng Bộ Công an cứ tiếp tục thí điểm, sau đó có vấn đề gì thì xem xét.
Chưa tính đến tác dụng ngược Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp: “Xem xét một cách đầy đủ, đồng bộ các yếu tố khi thực hiện quy định đưa họ tên cha mẹ vào CMND của một công dân, tôi thấy nhiều trường hợp tạo ra sự “nhạy cảm, phiền toái”, như trường hợp do hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà khi ra đời việc xác định họ tên cha mẹ là không thể bởi đó kết quả của việc thụ tinh nhân tạo, sinh ra trong ống nghiệm, bà mẹ đơn thân sinh con và nuôi con một mình”. Cũng theo ông Sơn, có ý kiến cho rằng việc đưa họ tên cha mẹ vào CMND để đáp ứng mục đích phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó, giúp cho việc truy tìm, phân loại... chưa hợp lý lắm. Có thể việc đưa tên cha mẹ của một công dân vào CMND tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý thật nhưng hình như người ta chưa tính đến những tác dụng ngược của quy định này. |