Kỳ lạ ’Xóm Robinson’ 30 năm mắc cạn giữa sông Hồng

Thứ ba, 04/12/2012, 16:59
Ven sông Hồng, khu vực phường Tứ Liên, (Tây Hồ, Hà Nội) tồn tại một làng gốm “không tên” với hàng trăm hộ sinh sống trên những chiếc thuyền đã mắc cạn hơn 30 năm.
shong custom.jpg - 33.41 KB
Làng gốm sông Hồng tồn tại hơn 30 năm trên những thuyền mắc cạn. Ảnh: Minh Đức

Xóm “nhiều cái không”

Trong một lần đi chụp hình ven bờ sông Hồng, chúng tôi vô tình lạc vào xóm buôn bán đồ gốm ở ngay bãi Tứ Liên (phường Tứ Liên), điều đáng nói là những hộ này luôn trong cảnh không điện, không nước, không nhà vệ sinh.... Ở đây không hề có cửa hàng, cửa hiệu mà toàn bộ đồ gốm đều được bày trên những chiếc thuyền sắt, thuyền xi măng dài khoảng hơn chục mét, rộng chừng 3m, đậu ngay sát mép nước.

Những hộ dân ở đây thường thu mua đồ gốm sứ từ Đông Triều (Quảng Ninh), Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Bát Tràng (Hà Nội)… Các mặt hàng gốm ở đây cũng rất đa dạng, từ độc bình, ấm chén, chậu hoa, bát đĩa… Những năm gần đây, khu vực này trở nên tấp nập hơn bởi ngày càng có nhiều người biết đến, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết, số lượng người đến đây mua chậu hoa, bình gốm khá nhộn nhịp.

 
shong1 custom.jpg - 32.79 KB
Đồ gốm được bày bán dọc bờ sông Hồng, khu vực phường Tứ Liên. Ảnh: Minh Đức

Anh Bùi Đức Thịnh, quê Sông Thao (Vĩnh Phúc) cho biết, gia đình tôi đã sinh sống ở đây gần 30 năm, nhiều hộ còn đến trước chúng tôi mấy năm trời.

Ban đầu, những chiếc thuyền của chúng tôi vừa là nơi ở, vừa là phương tiện vận chuyển hàng hóa, tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, do mực nước sông Hồng xuống quá thấp nên thuyền bị mắc cạn và nằm im tại con lạch này. Hiện, cả xóm có khoảng gần 100 chiếc thuyền không ra dòng chính lưu thông như trước nữa mà biến thành nơi tá túc.

“Con cái chúng tôi thường gửi ở quê nhờ ông bà nuôi dạy, cho ăn học, hàng tháng chúng tôi gửi tiền về cho ông, bà chi trả. Nếu bây giờ về quê, chúng tôi cũng chẳng biết làm gì khác, chỉ trông vào mấy sào ruộng thì làm sao đủ ăn”, anh Thịnh chia sẻ.

Không được như nhà anh Thịnh, đa phần con cái của các hộ khác trong xóm phải cùng cha mẹ mưu sinh từ nhỏ, có em phải đầu tắt mặt tối cả ngày, thậm chí chưa từng được bố mẹ đưa lên phố đi chơi, dù chỉ cách trung tâm Thủ đô chừng 3km.

 
shong2 custom.jpg - 34.81 KB
Sinh hoạt trên những chiếc thuyền cũ kỹ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đinh Tiến Đại, Phó trưởng Công an phường Tứ Liên cho biết, khu vực bãi Tứ Liên hiện có mấy chục hộ dân sinh sống và kinh doanh đồ gốm sứ từ khoảng vài chục năm nay. Các hộ này đều đăng ký đầy đủ thủ tục tạm trú tạm vắng, tình hình an ninh cũng khá ổn định.

Theo quan sát của phóng viên, ngoài những hộ dân sinh sống trên thuyền, tại khu vực này còn một số hộ ở tạm bợ trong những chiếc lều tre, lều bạt; một số hộ khác thì dựng lều làm chỗ chứa hàng hóa, gốm sứ. Xuống sát bờ sông thì thấy có mấy chuồng nuôi gà, vịt, cách đó không xa là những bãi ngô, bãi chuối um tùm.

 
shong3 custom.jpg - 35.22 KB
Người dân chuẩn bị hàng hóa để bán vào hôm sau

Điều đáng nói là các hộ dân ở đây đang phải sống trong cảnh “nhiều cái không”: không điện, không nhà vệ sinh, không nước sạch, không chỗ đổ rác… Hàng ngày, bà con thường phải xách thùng đi mua nước sạch ở trong các tổ dân phố hoặc xin nước giếng khoan của một số hộ dân trồng rau, hoa, cây cảnh gần đó. Nước sạch mua về được đựng trong thùng xốp hoặc thùng nhựa trên các mui thuyền để ăn dần.

Tương lai mờ mịt

 
shong4 custom.jpg - 36.15 KB
Sinh hoạt trên những chiếc thuyền 3 không.

Mấy năm gần đây, làng gốm “không tên” này đã trở thành địa điểm du lịch cho mấy ông khách tây ba lô và một số người săn ảnh. Khi ra về, ai cũng mua vài món đồ gốm sứ, tuy nhiên, cuộc sống của các hộ dân nơi đây vẫn không vì thế mà khấm khá hơn.

Chị Nguyễn Thị Thanh, quê ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết, cứ khoảng 5h sáng là hầu hết người dân ở đây đều đổ vào các phố phường trong các quận trung tâm Hà Nội để bán đồ gốm sứ. Xe nào chở nhẹ cũng phải 1,5 - 2 tạ hàng, toàn đồ cồng kềnh dễ vỡ. Vì vậy, chúng tôi phải rất thận trọng trong việc lưu thông đi lại, sểnh tay sểnh chân là đi hết vốn liếng.

Theo chị Thanh, nếu làm quần quật từ sáng tới tối mịt thì trừ tiền xăng xe, bến bãi, vốn liếng cũng được khoảng 100.000 - 140.000 đồng. Với số tiền ít ỏi đó, lại giữa Thủ đô với giá sinh hoạt cao ngất trời thì chúng tôi cũng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, lấy đâu ra của thừa của để. Kiếm đủ tiền cho con cái ăn học là đã tốt lắm rồi...
 
shong5 custom.jpg - 27.01 KB
 

“Đi buôn gốm dạo kiểu này cũng vất vả lắm, lại ở tạm bợ nên cuộc sống của chúng tôi thiếu thốn đủ bề, nhưng do không có nghề nghiệp, không nhiều vốn liếng, thấp cổ bé họng… nên chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, đành phó mặc cho số phận, chỉ hy vọng tương lai con cái sau này khá hơn…”, chị Thanh thở dài nói.
 
Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích