Chuyện khó tin ở làng 'siêu đẻ'

Thứ ba, 04/12/2012, 13:57
Chuyện những nhà có 7, 8 đứa con thậm chí là 11, 12 đứa con ở xã Quảng Lộc, Quảng Trạch, Quảng Bình không hiếm. Chuyện sinh đẻ nhiều con của các cặp vợ chồng làng này đã trở thành một chuyện lạ khiến nhiều người còn đặt cho cái địa danh là làng 'siêu đẻ' hay làng 'vỡ kế hoạch', vì một gia đình có rất nhiều con để 'cho đủ đội tàu đi biển'.
Và việc sinh con nhiều, đặt tên là Đẹp, Giàu, Sang đâu chẳng thấy mà chỉ thấy cái nghèo đeo bám quanh năm với các hộ gia đình đông con này.
 
Những con số không vui
 
Đến trung tâm xã Quảng Lộc, hỏi đường về xóm ốc đảo Cồn Sẻ, một người dân đang trồng rau bên đường chỉ tay lên một đụn cát trắng cao, nói cứ theo con đường đi về hướng đó, đến chỗ nào có đống trẻ con là tới. Mới rẽ vào con đường đất cát được vài mét, hướng về một cù lao bên dòng sông Gianh là hình ảnh những đứa trẻ tuổi chừng lên ba lên năm, đang đào bới, vui đùa trên những trảng cát khô, thấy người lạ, chúng gọi nhau ý ới rồi ù té chạy về nhà.
 
Đến đầu xóm 4, chúng tôi bắt gặp một cụ ông đang còng lưng bửa củi trước sân. Cụ ông tên Lê Được, năm nay đã 72 tuổi, bửa củi để mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo cho hai đứa cháu ăn học. Cụ Được thở dài: “Con cháu nó vẫn có quan niệm 'trời sinh voi ắt sinh  cỏ', 'con đàn cháu đống' nên dù nghèo nhưng mỗi gia đình vẫn có trung bình khoảng 7 đến 8 đứa con, có nhà đến 14 đứa con”. 
 
sieude.jpg - 48.96 KB 
 
Ở làng Cồn Sẻ đi đâu cũng gặp trẻ con
 
Nói rồi, ông thống kê một loạt gia đình đông con: “Vợ chồng ông Hoàng Văn Nghị xóm ni 12 đứa con đẻ. Nhà ông Đặng xóm bên (xóm 6) có tới 16 miệng ăn trong gia đình. Ông bà giờ già rồi ở nhà đó nhưng các con ông đứa đang nhỏ,đứa đi bắt ốc, bắt cá, đứa đi ở thuê… Đến bữa ăn là ngập tiếng khóc trẻ con vì lũ trẻ tranh giành thức ăn chí chóe…”.
 
Còn ông Cao Đô đang giữ một kỷ lục của Cồn Sẻ đó là cha của 13 đứa con. Nhà ông Đô nằm ở giữa thôn. Lúc chúng tôi đến, ông và gia đình đang ăn bữa trưa. Hai mươi con người, già có, trẻ có, ngồi kín cả một gian nhà. Phía trong ngôi nhà nhỏ, lưới, chài giăng mắc đầy nhà như mạng nhện. Ông Đô năm nay đã ngoài năm mươi tuổi, vợ ông cũng tầm tuổi đó. So với những hộ dân khác, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo khó. 
 
Khó khăn là vậy nhưng ông bà luôn tự hào là người có con nhiều nhất thôn Cồn Sẻ, đủ một đội tàu đi biển như cách mà ông khoe với chúng tôi. Tổng cộng số con của gia đình ông đã nhiều hơn một tiểu đội, với sáu đứa con trai, bảy đứa con gái.

Hiện tại ba người con trai của ông Đô đã lập gia đình, nhưng vẫn phải bám víu cùng bố mẹ trong ngôi nhà này. Bà Hoàng Thị Hường, vợ ông thì thở dài: “Chừng ấy con cháu, chỉ việc đi chợ lo bữa ăn hàng ngày cho chúng đã đứt hơi rồi chứ đừng nói đến việc kiếm tiền để nuôi chúng đi học…”.
 
Nằm ở vùng ven biển, cách xa trung tâm huyện hơn 10 km, xã Quảng Lộc có số nhân khẩu đông nhất cả huyện. Như gia đình chị Nguyễn Thị Phương có tới 14 đứa con, tám đứa đã trưởng thành. Hỏi chuyện, chị Phương cho biết: “Ở đây nhà nào ít thì cũng phải có sáu đứa. Như nhà bên cạnh đây mới có ba cậu, biết là khó khăn, nhưng phải thêm hai gái nữa mới đầy đủ…”. 
 
Mới 28 tuổi, nhưng chị Loan (hàng xóm của chị Phương) đã có tới bốn mặt con, 3 trai và một gái. Mặc dù thường xuyên đau ốm, nhưng chưa bao giờ chị nghĩ đến việc thực hiện các biện pháp tránh thai để có sức khỏe nuôi dạy con tốt. Vì cuộc sống, vợ chồng phải đi làm ăn xa tận bên Lào, để đàn con nhỏ dại ở nhà tự lo cho nhau.
 
Chúng tôi rẽ vào một ngôi nhà 3 gian 2 trái bằng gỗ, có lẽ đây là ngôi nhà gỗ đẹp nhất nhì xóm. Chủ nhân của ngôi nhà là anh Phạm Văn Chung cán bộ y tế thôn, đồng thời được coi là người sinh đẻ có kế hoạch nhất xóm. Cậu con trai lớn năm nay đã học lớp hai rồi anh chị mới tính đẻ đứa nữa.

Anh Chung cười hóm hỉnh: “Mình làm cán bộ minh phải làm gương thôi, chứ đẻ như mọi người thì lấy gì mà ăn. Nhiều gia đình ở đây đẻ hơn mười con khổ lắm, đặc biệt là nhà ông Thạch, ông ấy lấy hai vợ, cả thảy có 15 người con”.
 
Chật chội quanh mấy mét vuông
 
Các cụ cao niên ở làng Cồn Sẻ bảo rằng nghề đi biển phải có con trai nên gia đình nào ở Cồn Sẻ cũng phải cố đẻ cho bằng được mấy suất đinh mà bám biển. Vì chỉ có nghề biển nên chỉ thanh niên, trai tráng mới là lao động chính, phụ nữ ở nhà vá lưới trông con. Đất chật, người đông, người dân nơi đây cứ chen chúc nhau mà sống.
 
Ông Nguyễn Cương, trưởng thôn Cồn Sẻ cho biết không chỉ thất học, thiếu ăn, hệ lụy đầu tiên của việc đẻ nhiều mà làng Cồn Sẻ phải gánh chịu là thiếu đất ở trầm trọng. Cả làng trên 650 hộ dân mà chỉ có vỏn vẹn sáu hécta đất ở. Là làng nhưng nhà cửa ở Cồn Sẻ san sát, chật chội còn hơn ở thành phố. Không có đất, có đến 200 hộ dân đã “liều mạng” ra ngoài đê sông Gianh làm nhà để ở.
 
Ông Nguyễn Anh Thêm, chủ tịch xã Quảng Lộc cho biết: “Toàn thôn Cồn Sẻ có tới 28% là hộ nghèo. Kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày đã khó, nói gì đến chuyện làm giàu. Khổ nhất là chỗ ở. Mấy nghìn con người cứ chen chúc nhau trên bãi nổi giữa sông Gianh”.
 
Người ngày một nhiều hơn, đất không đẻ thêm ra lại còn bị thu hẹp lại do bị sông Gianh lấn. Một thửa đất khoảng 100m2 ở đấy giá cũng vài trăm triệu đồng. Đó là số tiền lớn, với nhiều gia đình kiếm cả cuộc đời còn không đủ. Cũng theo ông Thêm, hiện toàn thôn còn hơn 200 hộ chưa có đất ở. Với đà gia tăng dân số như hiện nay, mỗi năm, Cồn Sẻ sẽ bổ sung thêm 40 cặp vợ chồng có nhu cầu nhà ở.

Người dân ở đây thiếu đất ở, còn thiếu cả nước ngọt để dùng. Bốn bề của thôn giáp sông nhưng toàn là nước lợ, không dùng được. Từ trước sinh hoạt đến việc xây dựng, người dân phải mua ở nơi khác với giá là 70.000 đồng một khối nước ngọt.
 
Việc người dân Cồn Sẻ đẻ nhiều đã tồn tại từ nhiều năm nay như là một điều hiển nhiên trong mỗi gia đình. Có lẽ khổ nhất vẫn là những người làm công tác dân số nơi đây. Hàng ngày họ phải đến từng nhà vận động, mong rằng người dân sẽ sinh ít con đi, cho cuộc sống bớt khổ. Cán bộ đến vận động nhiều lần, tuyên truyền khản cả cổ, vậy mà kết quả thu được vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
 
Hy vọng về tương lai tươi sáng
 
Theo một cán bộ tư pháp xã Quảng Lộc, làng Cồn Sẻ có 673 hộ, nhưng lại có trên 3.100 nhân khẩu. Riêng số trẻ em từ 0 đến 5 tuổi đã có trên 500 em. Học sinh tiểu học ở làng cũng chiếm trên 50% số học sinh của xã (xã Quảng Lộc có 7 thôn) với 412 em nhưng lên đến cấp ba chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện xã có gần 1.400 trẻ em dưới 15 tuổi. 
 
Tỷ lệ nam nữ kết hôn hàng năm ở xã này cũng cao. Trai gái trong làng cứ đến tuổi 17, 18 là thi nhau lập gia đình. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân nơi đây cũng chỉ có 500 kg thóc mỗi người một năm. Trẻ em thất học, hoặc học hành nửa chừng, bỏ vào Nam làm thuê kiếm sống khá nhiều…
 
Theo ông Thêm, hầu hết trẻ trong làng học xong lớp sáu là nghỉ. Đám con trai 14 đến 15 tuổi đã kên tàu đi biển, con gái thì ở nhà đan lưới, đến tuổi thì lấy chồng. Ông Thêm cho biết: “Việc tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở đây rất khó khăn vì họ quan niệm sinh nhiều con thì sẽ có người đi biển, sau này sẽ sướng”. 
 
Như trường hợp của chị Phạm Thị Nhị, trong mười đứa con của chị thì cô con gái đầu chỉ học đến lớp bốn, cậu con trai nghỉ học từ lớp năm vào đi biển lúc 12 tuổi. “Mỗi năm nó đi biển được trả công hơn 15 triệu đồng. Người ta khỏe mạnh thì làm việc nặng, nó còn nhỏ nên chỉ làm việc nhẹ như gỡ cá, vá lưới, nấu ăn. Rứa có hơn đi học không!”, chị Nhị so sánh khập khiễng.
 
Những gia đình đông con như ông Đặng, ông Bình, chị Phương… , con cái đều nghỉ học khi chưa tốt nghiệp THCS. Nói về việc học của con, ông Đặng cười trừ và nói: “Tiền mô mà học, cơm còn chẳng có đủ mà ăn. Có đêm tui còn phải đi nhổ trộm sắn vì con đói khóc nhèo nhẹo nữa, chứ nói chi đến có tiền cho chúng ăn học đàng hoàng”. Mấy đứa con út ông Đặng sau này được đến trường nhưng cố gắng lắm chỉ học đến lớp năm, lớp sáu. 
 
“Tội nghiệp nhất là thằng Phú, nó được bằng khen, giải thưởng của huyện nhưng cũng phải dừng việc học ở lớp sáu. Có lần không có tiền đóng học phí, nó khóc cả tuần… Từ đó, nó không đến trường mà ở nhà mò cua, bắt ốc đến giờ…”, mắt ông Đặng hoe đỏ tâm sự. Không riêng gia đình ông Bình, ông Đặng, mà ông Nguyễn Văn Thưởng (xóm 6) cũng có tới mười đứa con. 
 
Vì gia cảnh, bốn đứa con đầu của ông vừa học hết lớp chín đã vào Nam kiếm sống. Hay như gia đình chị Trần Thị Ngân, sinh đến đứa thứ tư thì chồng chết, một mình chị bươn chải nuôi năm miệng ăn. Chị như đứt từng khúc ruột khi phải cho con đi ở cho nhà người ta để kiếm miếng cơm. “Tui biết đi ở cũng cực lắm nhưng nếu ở nhà thì mẹ con ôm nhau chết cả lũ…”, chị Ngân ứa nước mắt nói.
 
Ông Thêm cho biết: “Trình độ dân trí của làng Cồn Sẻ rất thấp, nhiều người mù chữ, khi lên ủy ban xã làm giấy tờ phải điểm chỉ chứ không biết ký tên. Những cặp vợ chồng lứa tuổi 30 đến 40 ở xã này thường không áp dụng kế hoạch hóa gia đình và vẫn giữ quan niệm 'con đàn cháu đống' để rồi đói nghèo triền miên và chuyện học hành của con cái như thứ xa xỉ, bởi ăn còn không đủ nói chi chuyện học hành”. 
 
Thời gian qua các cấp, các ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để đảm bảo cuộc sống no ấm cho gia đình và hạn chế được tỷ lệ sinh nhiều con.

Rút kinh nghiệm từ trường hợp của chính bố mẹ mình, hiện những cặp vợ chống trẻ đã dừng lại ở hai con nhưng cái danh “làng siêu đẻ” vẫn hiện hữu. Có lẽ một phần vì đẻ nhiều mà cuộc sống người dân ở đây còn chìm trong mịt mù. Và chẳng biết đến bao giờ, Cồn Sẻ mới thoát khỏi tình trạng này…
 
Hy vọng một ngày không xa khi mà người dân nơi đây hiểu biết hơn về kế hoạch hóa gia đình sẽ không còn cảnh đông con cháu như hiện tại, thì cuộc sống mới ngày một khấm khá lên, trẻ em được chăm sóc, học hành đầy đủ hơn…
 
Theo HN& PL

Các tin cũ hơn