Tư lệnh hải quân Ấn Độ hôm qua tuyên bố nước này sẽ bảo vệ các lợi ích tại Biển Đông, thậm chí là gửi lực lượng tới đây, khi New Delhi quan ngại sâu sắc trước sự hiện đại hóa nhanh chóng của hải quân Trung Quốc.
"Đúng, sự hiện đại hóa đó (của hải quân Trung Quốc) là thực sự ấn tượng. Nó rõ ràng là một nguồn cơn đáng kể cho sự lưu tâm của chúng tôi, điều mà chúng tôi vẫn luôn đánh giá để từ đó cân nhắc các lựa chọn cũng như chiến lược của mình",Times of India dẫn lời tư lệnh Devendra Kumar Joshi nói.
Tàu sân bay INS Viraat của hải quân Ấn Độ. Ảnh: The Indian Express
Đây là câu trả lời của tư lệnh hải quân Ấn Độ cho một câu hỏi về những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra tại Biển Đông, việc bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ tại vùng biển này cũng như ấn tượng về sự hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc.
Ông Josi cho rằng, dù sự hiện diện của Ấn Độ tại Biển Đông không phải là quá thường xuyên, nhưng New Delhi có các lợi ích tại đây, ví dụ như việc tự do đi lại cũng như khai thác các tài nguyên thiên nhiên.
"Không phải là chúng tôi muốn có mặt ở những vùng nước đó một cách thường xuyên, nhưng khi xảy ra tình huống có liên quan tới các lợi ích quốc gia, ví dụ như liên quan tới công ty dầu mỏ ONGC Videsh, chúng tôi sẽ được yêu cầu tới đó và chúng tôi sẵn sàng cho điều này", tư lệnh hải quân Ấn Độ cho hay. "Có phải chúng tôi đang diễn tập cho tình huống này không ư, câu trả lời ngắn gọn là có".
Ông Josi cũng bày tỏ quan điểm về việc các tranh chấp cần được giải quyết bởi những bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, điều đã được nhấn mạnh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Trung Quốc vừa đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động hồi tháng 9, một trong những hoạt động nhằm hiện đại hóa hải quân. Sự chuyển động nhanh chóng này cùng với thái độ ngày một cứng rắn trong các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh khiến các nước láng giềng quan ngại.
Tại Biển Đông, Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Mới đây, việc Trung Quốc đưa "đường lưỡi bò", một định nghĩa minh họa cho tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh tại Biển Đông, vào mẫu hộ chiếu điện tử phổ thông mới đã khiến các nước liên quan phản đối mạnh mẽ.