'Khó chấm dứt ngay tình trạng lãng phí đất ở Hà Nội'

Thứ ba, 04/12/2012, 11:10
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND Hà Nội, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng, tình trạng lãng phí đất đai hiện nay ở thủ đô chỉ có thể khắc phục dần chứ khó có thể chấm dứt được ngay.

>> Công khai tài sản - để không là thách đố
>> Phí tăng 3,5 lần: Dân lãnh đủ
>> HĐND Hà Nội bàn thảo tăng một số loại phí 

- Qua giám sát, HĐND Hà Nội phát hiện hàng loạt dự án chậm triển khai, để hoang hóa, có nơi tới 10 năm, Sở Tài nguyên Môi trường nhìn nhận thực trạng này như thế nào?

- Chúng tôi đã kiểm điểm nội dung này và nhận thấy còn một số hạn chế yếu kém. Điều đó được thể hiện qua quy hoạch sử dụng đất tính khả thi chưa cao. Hơn nữa, triển khai một số nội dung còn chậm, nhiều chủ đầu tư được chọn để thực hiện dự án cũng chưa đủ năng lực. Trong khi đó hậu kiểm lại không đạt chất lượng. Chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm những vấn đề này.
 

Giám đốc Sở TNMT Vũ Văn Hậu. Ảnh: N.H.

- Năm nào Hà Nội cũng lập các đoàn kiểm tra đi kiểm soát nhưng tại sao vẫn để tình trạng đất giao “không đúng người”?

- Có người bảo Hà Nội giao đất quá dễ dàng nhưng không phải vậy. Việc khuyến khích đầu tư xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Còn theo luật khi quy hoạch được duyệt, dự án được duyệt thì không lý gì ngành tài nguyên không giao đất. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra thì đúng là có chuyện năng lực đầu tư còn yếu. Điều này sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

- Đối với những dự án để hoang hóa quá lâu hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, thành phố có chế tài gì?

- Theo tôi, cần phải kiểm tra quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng sử dụng đất sai mục đích, đảm bảo tính hiệu quả của dự án và cũng có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những trường hợp đã giải quyết thấu tình đạt lý rồi mà doanh nghiệp không triển khai tiếp, Sở sẽ dứt khoát trình thành phố thu hồi đem đấu giá hoặc giao cho làm các công trình công cộng bức xúc mà thành phố đang cần.

Còn việc một số doanh nghiệp phản ánh họ bỏ ra chi phí lớn để có được dự án rồi lại bị thu hồi gây thiệt hại lớn là chuyện của họ, không thể trách Nhà nước được. Ở đây doanh nghiệp đã sai sót ngay từ đầu, không nắm được khả năng tài chính, nghĩa vụ tài chính của mình mà cứ lao vào làm, đến khi không làm được thì phải tự trách mình.
 

Khu đất rộng hơn 5.000 m2 của Vietcombank (khoanh đỏ) bị bỏ hoang ở quận Cầu Giấy. Cạnh đó, rất nhiều khu đất trống bị biến thành sân bóng, bãi đỗ xe, nhà hàng...
Ảnh: Anh Tuấn.

- Vậy, theo ông để khắc phục tình trạng lãng đất đai trên địa bàn, thời gian tới thành phố cần phải có những biện pháp gì?

- Thành phố phải tìm ngay biện pháp khắc phục nhưng theo tôi, chỉ có thể khắc phục dần dần chứ làm được ngay là rất khó. Quan điểm của chúng tôi là đầu tiên phải tháo gỡ cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp. Nhiều khi nhìn vấn đề phải toàn diện, trong điều kiện khó khăn như hiện nay chúng ta phải thấy được khó khăn của doanh nghiệp vì họ đã đầu tư vào đây thời gian lại kéo dài mà chúng ta cứ thu hồi lại ngay thì có đền bù cho họ không, đền bù thế nào?

Tất cả những chính sách liên quan đến đất đai đều phải chi tiết. Chúng tôi đang làm việc với Bộ TNMT về những loại đất bị thu hồi trong đó có vi phạm về việc không triển khai dự án, chậm tiến độ. Song, hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn.

Về phần mình, Sở TNMT đã trình quy hoạch sử dụng đất năm đến 2020, kế hoạch sử dụng đất đến 2015 đồng thời tham mưu cho Thành phố một số chính sách để sửa đổi, ví dụ khi chọn chủ đầu tư có năng lực về tổ chức thực hiện, đặc biệt là năng lực về tài chính.

Theo báo cáo của UBND Hà Nội, năm 2012, công tác kiểm tra xử lý vi phạm về đất đai được triển khai tích cực. Thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt các dự án chậm triển khai, sử dụng sai mục đích và thời gian quy định; qua đó, thu hồi trên 800 ha đất của 7 tổ chức, đơn vị; đồng thời, đang xem xét xử lý thu hồi đối với 23 chủ đầu tư đang bỏ hoang hóa 33 khu đất với diện tích gần 50 ha.

Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tổng số 10.600 ha đất tại 1.092 dự án liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành 213 dự án; thu hồi và bàn giao là 1.338 ha đất; chi trả cho 28.592 hộ dân trên 9.500 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư 1.220 hộ dân.


Theo VNE

Các tin cũ hơn