Philippines đong đưa giữa Mỹ và Trung Quốc

Thứ ba, 04/12/2012, 15:13
Nhận rõ sức mạnh kinh tế khổng lồ của Trung Quốc cũng như các nguy cơ khi thân thiết về quân sự với Mỹ, Philippines đang chủ động triển khai loạt chính sách nhằm cứu quan hệ với Bắc Kinh, tìm cách bắt tay với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc.

>>Trung Quốc chỉ trích Philippines đòi chủ quyền ở bãi Scarborough 
>>Philippines muốn liên minh quốc phòng với Úc

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa bỏ qua Philippines trong chuyến công du các nước Đông Nam Á mới đây càng khiến Manila phải tập trung khôi phục mối quan hệ với Trung Quốc, vốn bị tổn hại nghiêm trọng sau vụ đối đầu ở bãi cạn trên Biển Đông.

Chính phủ của tổng thống Aquino muốn cân bằng quan hệ với hai cường quốc, và đã làm nhiều việc theo chiều hướng hâm nóng mối quan hệ ngoại giao bị giá băng từ mùa hè vừa qua do tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
 
Nhìn nhận lại Trung Quốc
 
Tranh chấp về chủ quyền bãi đá giữa Bắc Kinh và Manila dường như là nguyên nhân dẫn đến "cuộc chiến chuối", trong đó nhiều nông dân Philippines khốn đốn vì không xuất khẩu được chuối sang Trung Quốc, do vấp phải hàng rào kỹ thuật. Ảnh: AP

Tính toán của chính phủ Tổng thống Philippines Benigno Aquino dựa trên quan điểm cho rằng một khi tranh chấp chủ quyền được kiểm soát ở ngưỡng nào đó, và lại có sự chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á của Mỹ như một công cụ răn đe, thì Manila có thể dẫn dắt Trung Quốc vào một giải pháp hòa bình cho tranh chấp, giữ thể diện cho cả hai và tránh phải đối đầu.
 
Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines từng lên đến đỉnh điểm vào hồi tháng 4 năm nay, khi cả hai bên dường như đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự tại khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Tuy nhiên, vì hai lý do dưới đây, mà sau đó, Manila đã đưa ra một giải pháp tiếp cận vấn đề thận trọng và mang tính hòa giải hơn.
 
Đầu tiên, Philippines nhận ra môi trường chính trị nhạy cảm của Trung Quốc, với xu thế phổ biến của chủ nghĩa dân tộc, thứ trở thành chất keo gắn kết những người Trung Quốc có các quan điểm và các mối quan tâm khác nhau.
 
Nhờ việc theo dõi phản ứng của Trung Quốc trước Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong những tháng gần đây, Manila đã nhận ra tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Bắc Kinh đang phải đối mặt.

Bất chấp tính cấp thiết của việc tăng cường quan hệ kinh tế đối với các quốc gia láng giềng vì mục tiêu duy trì mức độ tăng trưởng, lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với những phản ứng tiêu cực trong nước nếu tỏ ra thiếu kiên quyết trước các tuyên bố về lãnh thổ ở những vùng biển lân cận. Đó chính là lý do tại sao Trung Quốc cho phép người dân tổ chức các cuộc biểu tình chống Nhật khổng lồ hồi tháng 8 và 9, bất chấp các hậu quả kinh tế và ngoại giao mà nó có thể mang tới. 

Thứ hai, Philippines lo lắng trước thái độ không rõ ràng của Mỹ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở châu Á – Thái Bình Dương, không công khai và trực tiếp ủng hộ Philippines và Nhật Bản trong những lúc cao trào tranh chấp.

Theo đánh giá của Philippines, một nước Trung Quốc khi bị chọc giận sẽ không ngần ngại dùng vũ lực cho các tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ không cam kết bảo vệ đồng minh Philippines vô điều kiện, càng khiến Manila thêm lo ngại viễn cảnh nói trên.
 
Trung Quốc trong thời gian qua đã gửi những thông điệp rõ ràng tới các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Các tướng lĩnh có tên tuổi trong quân đội Trung Quốc, thông qua các tờ báo lớn, đã cho rằng một số nước đang cố gây căng thẳng Mỹ - Trung trong lúc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á Thái bình dương.
 
Hồi đầu năm nay, tờ Global Times kêu gọi “những biện pháp trừng phạt kinh tế” đối với Philppines, vì cho rằng nước này đã khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm phần căng thẳng.

Trong khi đó, tờ Liberation Army Daily lại buộc tội Philippines đã mượn oai của Washington để tăng trọng lượng cho mình. "Việc Mỹ hướng đông và can thiệp nhiều hơn vào những tranh chấp trên biển Hoa Nam (Biển Đông) tạo điều kiện cho Philippines tham gia những buổi tập trận chiến lược, cũng như mở rộng phạm vi ảnh hưởng để chống lại chúng ta, đẩy họ dấn thân vào một hành trình nguy hiểm", xã luận của báo quân đội viết.
 
Cân bằng quan hệ
 
Tàu hải quân Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung mùa hè năm nay, khi tình trạng bế tắc diễn ra ở bãi đá tranh chấp Hoàng Nham/Scarbourough gây căng thẳng khu vực. Ảnh: US Navy.
 
Từ năm 2010, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines bắt đầu xấu đi bởi các tranh chấp lãnh thổ liên tục diễn ra ở Biển Đông. Chiều hướng đi xuống trong quan hệ với Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa Philippines với Mỹ nở hoa, đặc biệt trong thời bà Gloria Macapagal Arroyo làm tổng thống, từ 2001 đến 2009.
 
Hiện tại, để tìm kiếm sự cân bằng, chính quyền Tổng thống Aquino đang cố gắng duy trì quan hệ đối tác kinh tế và tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Tuy nhiên, song song với những nỗ lực đó, ông cũng hy vọng chúng sẽ không ảnh hưởng tới lập trường cứng rắn (hay là dân túy) của ông trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ. 

Hồi giữa tháng 10, chỉ vài tuần trước khi Tập Cận Bình nhậm chức tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng thống Aquino, trong một cuộc họp báo với truyền thông quốc tế, đã thể hiện sự lạc quan về triển vọng khôi phục mối quan hệ song phương giữa hai nước khi tuyên bố:

"Dường như mối quan hệ Philippines – Trung Quốc đang dần ấm lên. Vì muốn mọi thứ diễn ra thật chính xác, nên tôi mong rằng, các chuyển biến này sẽ xảy ra từ từ và thực sự ấm lên trong thời gian Bắc Kinh thay đổi bộ máy lãnh đạo. Do đó, chúng tôi đang duy trì một thái độ chờ đợi và theo dõi".

Nhận thức được sự phức tạp của áp lực trong nước đối với Trung Quốc, Tổng thống Aquino đề nghị Bắc Kinh linh hoạt hơn trong cách tiếp cận các tranh chấp bằng việc nhấn mạnh: "Sẽ có những áp lực trong quá trình chuyển đổi lãnh đạo. Chúng tôi hy vọng rằng các áp lực nội bộ này sẽ giảm đi sau khi sự kiện đó kết thúc. Nhờ vậy, việc đàm phán và thảo luận về các giải pháp hợp lý sẽ được diễn ra thuận lợi hơn".
 
Bài phát biểu của Aquino được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc đàm phán rất được mong đợi giữa thứ trưởng ngoại giao hai nước. Đáp lại những tuyên bố mang tính khích lệ của lãnh đạo Philippines, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết:

"Trung Quốc và Philippines là những láng giềng quan trọng của nhau. Bắc Kinh rất coi trọng quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines, đồng thời sẵn sàng để thúc đẩy một mối quan hệ song phương lành mạnh và ổn định".

Cuộc họp tham vấn ngoại giao (FMC) lần thứ 18 ở thủ đô Manila hôm 19/10 đóng một vị trí vô cùng quan trọng, bởi nó đã chấm dứt một giai đoạn vắng bóng ngoại giao song phương giữa hai nước. Sự kiện FMC trước đó được tổ chức từ tháng giêng (chỉ 4 tháng trước khi căng thẳng tại khu vực bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham leo thang và khiến một lượng lớn các cuộc đối thoại song phương và sự kiện văn hóa giữa Trung Quốc – Philippines bị hủy bỏ).

Lạc quan thận trọng
 
Cuộc tham vấn được báo giới mệnh danh là "bất ngờ tháng 10" giữa Trung Quốc và Philippines là một thành công cho cả hai nước, vì các lý do sau.
 
Thứ nhất, đoàn ngoại giao Trung Quốc được dẫn đầu bởi thứ trưởng ngoại giao Phó Doanh, cựu đại sứ Trung Quốc tại Philippines (1992 – 2000), người đã rất quen thuộc với tình hình chính trị cũng như giới lãnh đạo cấp cao ở Philippines.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh và Tổng thống Philippines Aquino trong cuộc gặp tháng 10 năm nay ở Manila. Ảnh: AP.
 
Thứ hai, bà Phó đã gặp Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario, người có mối quan hệ đặc biệt căng thẳng với các nhà đàm phán Trung Quốc từ vài tháng trước.

Trước đó, vào tháng 6, một bê bối ngoại giao vỡ ra ở Philippines sau khi nghị sĩ Trillanes được phát hiện đã đi "cửa sau" với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp bãi cạn. Nghị sĩ này tố cáo ông Del Rosario không vì lợi ích quốc gia và không làm việc được với Trung Quốc.
 
Theo một số nhà bình luận, các nhà ngoại giao Trung Quốc thích Trillanes là đối tác đối thoại hơn, bởi họ cho rằng Del Rosario chính là kiến trúc sư cho công cuộc tái phục hồi liên minh quân sự giữa Mỹ và Philippines, thứ rõ ràng là sẽ gây ảnh hưởng tới Trung Quốc.
 
Việc bà Phó gặp ông Del Rosario cho thấy cơ hội cải thiện quan hệ với người đứng đầu ngành ngoại giao của Philippines, góp phần khôi phục lại các kênh đối thoại và là dấu hiệu của sự sẵn sàng đàm phán trên một cơ sở thân thiện và có tổ chức hơn.

Thứ ba, đặc phái viên Trung Quốc đã mở rộng tầm ảnh hưởng của chuyến viếng thăm bằng một cuộc gặp với các nhà lập pháp hàng đầu của Philippines, đặc biệt là Chủ tịch Thượng viện Juan Ponce Enrile, người từng mạnh mẽ chỉ trích Trillanes.

Mặc dù tuyên bố rằng ông không muốn nhắc tới những vấn đề nhạy cảm trong cuộc đối thoại với thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Enrile vẫn miêu tả cuộc gặp giữa ông và bà Phó bằng những ngôn từ trìu mến và lạc quan nhất, cho thấy dấu hiệu của một mối quan hệ tốt đẹp giữa những lãnh đạo của hai đất nước.

“Vì là bạn, nên bà ấy đã dành cho tôi một chuyến thăm. Chúng tôi vốn là bạn từ khi bà ấy ở đây”, Enrile nói sau cuộc gặp gỡ với thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc. “Bà ấy vẫn thường tới văn phòng của tôi để nói chuyện về nhiều vấn đề. Bà Phó hiểu rằng tôi đang phụng sự Philippines cũng như tôi hiểu rằng bà ấy đang phụng sự Trung Quốc.”
 
Chưa thể biết thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc dưới thời Tổng bí thư Tập Cận Bình có mềm mỏng hơn trong các tuyên bố về chủ quyền các quần đảo ở Biển Đông hay không. Nhưng có một điều dễ nhận thấy là cả hai bên, Bắc Kinh và Manila, đều muốn ngăn chặn nguy cơ đối đầu trực tiếp, ngăn đà xuống dốc trong quan hệ ngoại giao, trong khi vẫn không phải quay lưng lại quan điểm được dân chúng trong nước ủng hộ về tranh chấp biển đảo.
 
Đạt được sự cân bằng quả là nhiệm vụ khó khăn, bởi nó đòi hỏi không những tầm nhìn chiến lược mà còn cả may mắn. Đứng giữa hai chiều lực tác động, từ căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trong khu vực và từ việc chuyển trọng tâm của Mỹ về châu Á, Philippines phải vật lộn để tránh bị xô đẩy hoặc sang phía Mỹ hoặc phía Trung Quốc - điều mà bất cứ nhà lãnh đạo quốc gia nào trong khu vực cũng đang muốn tránh.
 
Theo Vnexpress

Các tin cũ hơn