Sưởi ấm xóm chạy thận bằng những suất cơm chay

Thứ bảy, 08/12/2012, 15:02
Các bệnh nhân ở xóm trọ này đến từ nhiều địa phương, người già đã ngoài 70 tuổi, người trẻ cũng đã 18 - 20 tuổi.

>>Chấn chỉnh thu viện phí chạy thận nhân tạo
>>Tăng phí chạy thận, bệnh nhân kêu trời
>>Cậu bé ở 'xóm chạy thận' vào đại học
>>Những người đàn bà "số khổ" vì chạy thận

Hai tuần một lần, xóm chạy thận và khu nội trú của bệnh viện Bạch Mai như rộn ràng hơn với những bước chân của các bạn trẻ. Họ mang đến cho những bệnh nhân đang điều trị ở đây bữa cơm từ thiện với sự sẻ chia, cảm thông, ấm áp nghĩa tình...
 
Bát cơm nghĩa tình
 
Nhưng những bạn trẻ tôi được gặp trong nhóm "Chung tay vì cộng đồng miền Bắc" khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn giữa ngày đông giá rét. Họ sẵn sàng dành toàn bộ ngày nghỉ hiếm hoi trong tuần để đến thăm hỏi, chuyện trò và mang những suất cơm chay cho các bệnh nhân ở xóm chạy thận trong con ngõ nhỏ trên phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
 
Họ là những ánh nắng ấm áp, là tiếng reo vui giữa bầu trời u ám của bệnh tật, cơm áo gạo tiền nơi xóm trọ đặc biệt này. Từ những người xa lạ, các vùng quê, hoàn cảnh khác nhau, điều duy nhất kết nối họ là tấm lòng chung tay hướng tới cộng đồng và các bệnh nhân nghèo khó.
 

Các thành viên của nhóm chuẩn bị nấu cơm chay

6h sáng, giữa tiết trời mùa đông, mặc cho trời mua phùn giá rét, khi mọi người còn đang say giấc nồng trong chăn ấm đệm êm, những thành viên của nhóm thiện nguyện đã có mặt ở con ngõ nhỏ 93 Lê Thanh Nghị. Cứ hai tuần một lần, nhóm "Chung tay vì cộng đồng miền Bắc" lại có mặt ở đây để cùng nhau chuẩn bị những suất cơm chay từ thiện cho những bệnh nhân ở xóm chạy thận và trong khu nội trú của bệnh viện Bạch Mai.
 
Những người bán hàng ở chợ Đồng Tâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không còn quá xa lạ với những người "nội trợ" đặc biệt này. Một ngày như bao ngày chủ nhật khác, các thành viên trong nhóm lại tụ họp tại nhà cô Nhàn để đi mua thực phẩm, chuẩn bị cho việc nấu cơm từ thiện. Không phải cắt cử, phân công, mỗi người một việc, người nhặt đỗ, gọt củ cải, người chuẩn bị mắm muối gia vị, người rửa rau, người nấu nướng...
 
Khó ai có thể nghĩ, có người trong số họ trước khi tham gia nấu cơm từ thiện còn chưa từng biết vào bếp là gì. Nhưng giờ đây, cách thức để làm món thịt gà chay, họ lại kể như một chuyên gia đồ chay chính hiệu. Đến khoảng 10h30, công đoạn nấu đã hoàn thành. Những suất cơm đạm bạc sẵn sàng đến tay những người kém may mắn vì bệnh tật.
 
Anh Nguyễn Phi Giáp, sinh viên năm thứ 4, khoa Công nghệ thông tin (Học viện Quản lý giáo dục) cho biết: "Hoạt động nấu cơm từ thiện cho các bệnh nhân nghèo đang chữa trị tại các viện đã được nhóm tổ chức từ rất lâu ở miền Nam.

Còn đối với "Chung tay vì cộng đồng miền Bắc", hoạt động này đã được làm hơn một năm qua. Với 15 thành viên và các cộng tác viên, chúng tôi thường xuyên tổ chức nấu những bữa cơm miễn phí mang tới cho các em nhỏ mồ côi, các bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn.

 
Mỗi lần có khoảng 150 suất cơm sẽ được chuyển tới các bệnh nhân. Mỗi suất cơm trị giá 10.000 đồng, với 4 món ăn, các thành viên phải tính toán làm sao bữa cơm vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, an toàn mà vẫn đủ chất cho người ăn".
 
Chia sẻ về lý do khiến họ chọn xóm chạy thận là nơi tiến hành các hoạt động thiện nguyện, anh Ngô Hoàng Anh, người đã gắn bó với các hoạt động của nhóm từ ngày mới thành lập ở Hà Nội, hơn ai hết đã "thấm" sự vất vả, gian nan của các bệnh nhân chạy thận. Không may mắn, họ hàng của Hoàng Anh cũng có người mắc phải căn bệnh này.

Anh hiểu được sự đau đớn và nỗi lo cơm áo gạo tiền trường kỳ của các bệnh nhân thận và người nhà. Vì thế, nhóm quyết định chọn xóm chạy thận làm nơi phát cơm chay thường xuyên.

 
Khi người khoẻ  học người bệnh
 
Đến thăm các bệnh nhân chạy thận, những người luôn xem nhà trọ là ngôi nhà thứ hai trong suốt những ngày tháng còn lại của cuộc đời.

Dù họ không nói ra nhưng nhìn căn phòng có đến 9 người cùng thuê trọ mới thấu hiểu nỗi đau bệnh tật cũng như nỗi khổ cơm áo, gạo tiền và gánh nặng mưu sinh với họ. Phần lớn các "cư dân" ở đây đều phải bươn trải, tự lực cánh sinh. Ngoài những lúc chạy thận, họ phải đi làm rất nhiều những công việc khác nhau để có tiền bám trụ và chiến đấu với số phận mong manh của mình.

 
"1/3 số bệnh nhân làm nghề bán trà đá, nhặt phế liệu, chai lọ, rửa bát thuê ở chợ Đồng Tâm. Đàn ông, con trai thường làm nghề đánh giầy hay số bệnh nhân khác do sức khỏe yếu nên chọn nghề ăn xin" - bác Nguyễn Văn Tấn, một bệnh nhân có thâm niên ở đây buồn bã chia sẻ.
 

Những suất cơm được mang đến tận tay bệnh nhân
 
Các bệnh nhân ở xóm trọ này đến từ nhiều địa phương, người già đã ngoài 70 tuổi, người trẻ cũng đã 18 - 20 tuổi. Họ chạy thận ở nhiều bệnh viện như: Bưu điện, Bạch Mai... Họ gặp nhau tại xóm chạy thận này bởi cùng chung cảnh ngộ. Như chị Nguyễn Thị Ráy (48 tuổi, quê Thái Bình) đã gần 10 năm nay không có người thân chăm sóc. Không chồng, không con, chị phải tự bươn trải trong cuộc sống, lại phải chăm sóc người mẹ nuôi bệnh tật đau ốm triền miên.
 
Chương trình cơm chay từ thiện lúc đầu mới triển khai cũng gặp nhiều khó khăn: Tài chính bấp bênh, cũng có tổ chức, cá nhân hỗ trợ 1 - 2 triệu đồng/buổi, nhưng rồi lại thôi.

Tuy vậy, các tình nguyện viên vẫn cố gắng duy trì và mong muốn được nối dài hơn cánh tay thiện nguyện vì cộng đồng sẽ lan tỏa ra toàn xã hội. Không chỉ phát cơm, các tình nguyện viên còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp các bệnh nhân bớt đi phần nào sự cô đơn, nỗi buồn xa nhà đằng đẵng. 

 
Bác Tấn cho biết: "Cơm các cháu nấu rất hợp khẩu vị. Nhưng hơn cả là những khoảnh khắc ngồi trò chuyện với các bạn trẻ như thế này thì mọi thứ đều tiêu tan hết, không còn đau đớn, không còn mệt mỏi. Đó không chỉ là một bữa cơm mà là cả món ăn tinh thần, giúp chúng tôi tiếp tục lạc quan chống lại bệnh tật".
 
Anh Phi Giáp chia sẻ, thực sự không chỉ bản thân anh mà các thành viên khi đến xóm chạy thận học được nhiều điều từ chính các cô, các bác bệnh nhân ở đây. Họ sống kiên cường, đấu tranh với sự sống từng ngày nhưng không thiếu tinh thần lạc quan yêu đời.
 
Câu chuyện của chị Trần Phương Nhung (29 tuổi, quê Nam Định) khiến bất cứ ai trong nhóm cũng phải khâm phục. Mắc bệnh từ năm 18 tuổi, căn bệnh đã cướp đi bao nhiêu mơ ước rất đỗi bình dị trong cuộc đời của chị. Chạy thận hơn 10 năm qua nhưng nhìn chị vẫn rất trẻ như ngày đầu chưa mắc bệnh, đó là nhờ tinh thần lạc quan yêu đời hiếm thấy của chị.
 
Mỗi ngày với chị vẫn tràn ngập niềm vui với những câu chuyện, những chia sẻ, những dòng nhật ký, những mẩu chuyện đơn giản. Cuộc sống của cô gái này vượt lên mọi đau đớn của bệnh tật, của những ống truyền, của căn phòng trọ chật chội.

Với các bệnh nhân khác, chị đang thổi hồn vào chính cuộc sống của chị và những người xung quanh.  "Đời người sống được bao lâu nữa mà không sống cho vui vẻ và có ích. Phải luôn tìm cho mình niềm vui để chiến thắng bệnh tật và đấu tranh với nó" - chị Nhung chia sẻ.

 
Với những mảnh đời bất hạnh, họ đau đớn vì bệnh tật hành hạ, họ khao khát những thứ tưởng chừng như bình dị nhất và họ cùng nhau chia sẻ buồn vui trong khu xóm chạy thận. Họ cùng nhau đi chùa, tụng kinh niệm phật cầu mong sự an lạc, bình yên.

Họ nương tựa, giúp đỡ nhau dù chỉ là những lời động viên thăm hỏi. Và họ luôn cần những sự quan tâm, giúp đỡ, tấm lòng hảo tâm để phần nào giúp họ bớt đi gánh nặng mưu sinh và thêm hi vọng tiếp tục đấu tranh với bệnh tật. Họ cần thêm nhiều, nhiều sự quan tâm của xã hội và những bữa cơm ấm áp nghĩa tình, đong đầy sự cảm thông.            

 
Theo Nguoiduatin
 

Các tin cũ hơn