“Bẫy nghèo” từ viện phí

Thứ hai, 10/12/2012, 08:10
Khi giá dịch vụ y tế tăng và các nguồn lực y tế bị “hút” vào phục vụ những người có khả năng chi trả thì nhiều bệnh nhân nghèo có thể rơi vào cùng quẫn...
 
Tư lấn át công
 
Theo PGS-TS Phạm Lê Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), xã hội hóa khiến ngành y tế phát triển, tuy nhiên “làn sóng” này đang bộc lộ nhiều bất cập. Năm 2011, nước ta có khoảng 65.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và 133 bệnh viện tư nhân hoạt động.

Khối y tế tư đã cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và hơn 2% tổng dịch vụ nội trú cho người dân. Ngoài ra, các bệnh viện đã phát triển các khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám “dịch vụ”, “tự nguyện”, “chất lượng cao”.

 
Người nghèo ít được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao (ảnh minh họa).

Để khắc phục tình trạng thiếu máy móc, nhiều bệnh viện đã đặt máy xã hội hóa, chia lợi nhuận với các nhà đầu tư. Khi đó, giá dịch vụ bị đẩy lên cao, người dân phải nộp chênh lệch cho dịch vụ nếu muốn chữa bệnh nhanh, không phải chờ đợi hoặc chẳng có lựa chọn nào vì bệnh viện toàn máy xét nghiệm, siêu âm CT xã hội hóa.
 
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có 20 dịch vụ chiếu, chụp, soi, siêu âm được làm bằng máy xã hội hóa, người dân phải trả tiền chênh lệch khá lớn: Ví dụ chụp mạch vành bằng máy CT 64 dãy giá dịch vụ 2,7 triệu đồng/lần, bảo hiểm y tế (BHYT) trả 900.000 đồng; nội soi phế quản giá 987.000 đồng, BHYT trả 75.000 đồng; chụp PET/CT giá dịch vụ là 28,2 triệu đồng, BHYT trả 19 triệu đồng.
 
Nghiên cứu chi phí điều trị tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội của TS Trịnh Hoàng Hà và cộng sự (khoa Y dược – Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra so sánh: Chi phí ngoài bệnh viện của bệnh nhân tự nguyện chiếm gần 35% tổng chi, trong khi người có BHYT là 60,27%.

Còn đối với bệnh nhân điều trị dạ dày – hành tá tràng thì chi ngoài bệnh viện của bệnh nhân có BHYT cũng chiếm đến 58% tổng chi, trong khi bệnh nhân tự nguyện chỉ chiếm 31,5%. Như vậy, bệnh nhân có BHYT tuy đã được bảo hiểm chi trả phần lớn viện phí, nhưng lại có số chi phí “ngoài viện phí” lớn gấp gần 2 lần bệnh nhân tự nguyện.

Đó chính là lý do người nghèo cho dù có nhiều chế độ đãi ngộ về viện phí nhưng rất dễ rơi vào cảnh bần cùng nếu có người bị ốm đau, bệnh tật.

 
Nhỏ nhoi bảo hiểm
 
Chị Ngô Thị Thu (Hà Tĩnh) có con trai bị suy tủy đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết, mỗi đợt điều trị của con tốn 50-60 triệu đồng, mỗi năm phải vài đợt điều trị.

Cho dù gia đình chị thuộc diện nghèo được BHYT chi trả tới 95% thì mỗi đợt điều trị của con, gia đình chị cũng phải trả khoảng 3-4 triệu đồng viện phí. Chưa kể tiền đi lại, ăn ở của người nhà đi theo. “Con mới phát bệnh được hơn 1 năm mà gia đình sắp chẳng còn gì để bán” – chị Thu nghẹn ngào.

Theo GS Trương Việt Dũng (Trường ĐH Y Hà Nội): “Hiện người bệnh vẫn phải chi rất nhiều các khoản thuốc ngoài danh mục và các chi phí gián tiếp như đi lại khám chữa bệnh, ăn ở, chi phí cho người chăm sóc...

Chính vì thế, cần tăng cường độ bao phủ BHYT về cả chiều rộng và chiều sâu (tăng đồng chi trả và trần lợi ích) cho người dân để có thể giảm tình trạng tự chi trả từ tiền túi, tránh sa vào bẫy nghèo vì viện phí”.
Chị cho biết thêm, với giá viện phí mới, chị phải chi phí thêm 300.000 - 500.000 đồng/lượt điều trị. Với gia đình đang kiệt quệ như chị, đó là khoản rất lớn.
 
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, có tới gần 60% số hộ nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh và 67% phải vay mượn tiền để chi trả điều trị nội trú. Trong khi đó, hầu hết người nghèo không được sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao.
 
Người nghèo sử dụng dịch vụ nội trú tại bệnh viện tỉnh chiếm 23%, trong khi người giàu là 51%; Còn tại bệnh viện T.Ư, chỉ 3,9% người nghèo tiếp cận được. PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm người nghèo thấp hơn nhóm người giàu từ 2,5 - 4,5 lần.
 
Chỉ cần một lần ốm đau, phải điều trị nội khoa ở tuyến T.Ư sẽ có thể đẩy gia đình cận nghèo thành nghèo, người nghèo thành khánh kiệt vì phải tự chi trả 50% chi phí y tế.
 
Theo Danviet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn