Bốn gương mặt trẻ gốc Việt nổi bật 2012

Chủ nhật, 13/01/2013, 15:55
Năm 2012 ghi dấu nhiều thành công của người Việt trẻ tại California (Hoa Kỳ) thể hiện sự phát triển ngày một mạnh mẽ của cộng đồng gốc Việt tại đây. Xin điểm lại bốn gương mặt tiêu biểu của giới trẻ Việt Nam trong năm nay.

Trí Tạ: Thị trưởng gốc Việt do dân bầu đầu tiên tại Hoa Kỳ

gioi tre

Vào những ngày đầu của tháng 11/2012, Phó thị trưởng Trí Tạ của Westminster đắc cử vào chức thị trưởng, trở thành nhà lãnh đạo gốc Việt đầu tiên của một thành phố ở Hoa Kỳ, do cử tri trực tiếp bầu.

Tạ Ðức Trí có gần 10.000 phiếu, vượt xa các đối thủ còn lại. Trong quá trình thành lập 55 năm, đây là lần đầu tiên Westminster có một thị trưởng sinh ngoài nước Mỹ và trẻ tuổi nhất.

Thành phố Westminster được xem là thành phố có tỷ lệ người gốc Việt cao nhất, việc Tạ Ðức Trí đắc cử vào chức thị trưởng Westminster là một khích lệ lớn cho người Việt ở Mỹ, được loan truyền nhanh trong các cộng đồng người Việt trên thế giới và cả ở Việt Nam.

Sinh năm 1973 trong một gia đình trung lưu, mẹ ông là giáo sư Anh ngữ của Hội Việt Mỹ Saigon, thân phụ là nhà viết kịch Tạ Ðức Trì, bút hiệu Hoàng Trí Ðức. Tốt nghiệp trung học tại Việt Nam, năm 19 tuổi, Tạ Ðức Trí theo gia đình đến Mỹ năm 1992 theo diện di dân bảo lãnh. Tại California, ông tốt nghiệp cử nhân chính trị tại Cal State Los Angeles.

Chức vụ thị trưởng mà ông có được trong kỳ bầu cử ngày 6/11/2012 vừa qua, không phải một sớm một chiều mà có được. Trước đó, Tạ Ðức Trí đã là thành viên của Tổng hội Sinh viên Việt Nam từ năm 1998-2000, chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Nam Cali từ năm 2002 đến 2005 và đắc cử nghị viên thành phố Westminster từ năm 2006 với hai nhiệm kỳ cho đến ngày bầu cử vừa qua.

Los Angeles Times đã dùng danh từ “Ông Vua của Little Saigon” để nhắc đến Tạ Ðức Trí trong một bài viết nói đến việc đắc cử của ông. “Tư dinh” của “ông vua” này là một căn mobile home, nằm trong một khu vực hầu như toàn người Việt sát với đường Bolsa.

Daphne Phụng: Cô gái đằng sau thành công của Dự luật 35

gioi tre

Daphne Phụng, cô gái 37 tuổi gốc Việt, là người đã giúp Dự luật 35 (tăng hình phạt cho tội phạm trong giới buôn người) được thông qua, với số phiếu thuận cao hơn nhiều các dự luật khác.

Sau khi coi một bộ phim tài liệu chiếu trên tivi, Daphne Phụng trằn trọc suốt đêm và những lời tâm sự của người phụ nữ Ukraina bị mang đến Mỹ để làm trong nhà chứa cứ văng vẳng trong đầu Daphne. Khi đó là một nhân viên phân tích tài chính 34 tuổi, Daphne bắt đầu nghiên cứu và kêu sự giúp đỡ của mọi người. Hai năm sau, cô bỏ việc để dành trọn tâm sức vào việc tăng hình phạt cho tội ác buôn bán nô lệ tình dục.

Phụng đến Hoa Kỳ lúc 8 tuổi và nhập tịch khi học đại học. Cuốn phim tài liệu năm đó, Phụng tâm sự “khiến tôi hoài nghi nước Mỹ, một nơi mà tôi từng được nói là mang lại tự do và sự bảo vệ cho mọi người dân”.

Năm 2012, Phụng là động lực chính dẫn đến Dự luật 35 trong cuộc tổng tuyển cử tại California vào 11/2012. Dự luật 35 sẽ mở rộng định nghĩa về tội buôn người để bao gồm những tội liên quan đến phân phối tài liệu khiêu dâm có hình trẻ em, tăng án tù thành 15 năm đến chung thân và tiền phạt là 1,5 triệu USD. Tiền phạt thu được sẽ được dùng cho nạn nhân và giới thi hành pháp luật.

Trong số các dự luật trên các số liệu khảo sát, Dự luật 35 được nhiều người ủng hộ hơn cả. Chris Kelly, cựu giám đốc bảo mật công ty Facebook, từng tặng 2 triệu USD cho phe ủng hộ Dự luật 35.

Dự luật 35 được thông qua, Phụng hiện kiếm việc để đi làm lại. Những tháng ngày cô bỏ ra để đấu tranh chống lại tội ác buôn bán nô lệ tình dục đã kết thúc, nhưng những thành công của dự luật vẫn sẽ tiếp tục giúp đỡ cho các nạn nhân.

Vicky Nguyễn: 1 trong “12 Most Inspiring Women” của Donate Life America

gioi tre

Hai lần thay gan không thể cản trở thành công đến với Vicky Nguyễn, mà còn là động lực giúp cô ra sức đóng góp cho cộng đồng. Năm 2012, cô được bầu vào danh sách “12 Most Inspiring Women” của Donate Life America.

Không bao lâu sau khi ra đời tại quận Cam, Vicky bị chẩn đoán có bệnh bẩm sinh về ống mật, khiến cho gan không thể hoạt động bình thường. Năm 1986, khi Vicky chưa được hai tuổi, cô trở thành một trong ba mươi bệnh nhân đầu tiên được thay gan tại bệnh viện của đại học UCLA. May mắn, cuộc phẫu thuật thành công và lá gan mới không bị đào thải.

Trong độ tuổi đi học, Vicky không những học tập xuất sắc mà còn tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Tuy vậy, đến năm 16 tuổi, Vicky phải trở lại phòng phẫu thuật để đổi lá gan cũ không còn hoạt động. Một lần nữa, lá gan mới cứu sống cô. Vicky hiện 28 tuổi, sống và làm việc trong lãnh vực y tế tại Los Angeles.

Tiếp tục sống mỗi ngày bên người thân và bạn bè nhờ những lá gan được hiến tặng từ những người không quen biết, Vicky ra sức giúp đỡ người khác, nhất là trẻ em, những bệnh nhân cần được thay cơ phận. Cô tham gia tổ chức Donate Life để giúp vận động mọi người hiểu biết thêm về sự quan trọng của việc hiến tặng cơ phận.

Năm 2012, trong tư cách đại sứ của Donate Life, Vicky giúp dự luật AB 1967 được thông qua tại California. Ðiều luật này thiết kế và áp dụng những buổi học về hiến tặng cơ phận tại các trường trung học trong tiểu bang.

“Hai lần phẫu thuật gan là một ơn thượng đế đã ban cho mình,” Vicky nói. “Mình hiện 28 tuổi, là đã sống với lá gan của người khác hiến tặng hơn 26 năm. Những khó khăn thử thách đã hóa thành cơ hội trong cuộc sống.”

Bên cạnh các công tác thiện nguyện, Vicky làm việc tại một công ty quản lý y tế. Cô sống một mình tại Los Angeles với hai chú chó nhỏ.

Chris Phan: Thắng cử nghị viên Garden Grove bằng xe đạp

 

Chọn cách đạp xe đến từng nhà kêu gọi người ta bỏ phiếu cho mình là cách mà Chris Phan chọn trong quá trình vận động tranh cử, bởi vì “mình không có nhiều tiền và mình cũng muốn thử xem khả năng cách nói chuyện của mình có thuyết phục được người khác hay không,” Chirs nói.

Từ 1/2012 là ông bắt đầu đi gõ cửa từng nhà, 3 đến 5 tiếng mỗi ngày, bất kể nắng mưa.

Sang Mỹ năm 1981, lúc 8 tuổi, Chris trải qua tuổi thơ của mình tại tiểu bang Indiana. Anh tốt nghiệp trung học năm 1992, và tốt nghiệp tiến sĩ luật đại học Southern Illinois University năm 1999.

Năm 2007, Chris từ chiến trường Iraq về, đóng quân cùng đội người nhái ở San Diego. Năm 2008, Chris Phan giải ngũ và dọn về ở Garden Grove, hành nghề luật sư và để chuẩn bị thực hiện con đường đi vào lãnh vực chính trị. Ðồng thời, anh thành lập Hội quân nhân người Mỹ gốc Việt (VAAFA), một tổ chức bất vụ lợi, giúp các quân nhân.

Tuy nhiên, cuối năm 2010, anh được gọi trở lại vào quân đội để giúp cho những người lính từ Afganistan trở về.

Ðến 11/2011, anh giải ngũ lần nữa, trở lại Garden Grove, ra ứng cử nghị viên và thắng cử.

Việc Chris Phan vận động tranh cử bằng xe đạp mang lại một hình ảnh thân thiện và siêng năng của giới trẻ gốc Việt.

Theo Baomoi

Các tin cũ hơn