Giáo hoàng Francis mặc áo chùng trắng, xuất hiện trong chiếc xe trắng mui trần, vẫy tay và mỉm cười với các giáo dân tại quảng trường St. Peter, trước khi tham dự Thánh lễ vào 9h30 sáng 19/3 giờ địa phương (tức 15h30 giờ Hà Nội).
Giáo hoàng quỳ trước mộ Thánh Peter, Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo, sau đó nhận chiếc nhẫn biểu tượng của quyền lực của Giáo hoàng từ Hồng y Angelo Sodano, người đứng đầu Hồng y đoàn, cùng dải khăn lông cừu, tượng trưng cho vai trò dẫn dắt các con chiên của Giáo hoàng.
Giáo hoàng Francis bước đến bàn thờ trong lễ lên ngôi
Hàng trăm lãnh đạo thế giới và lãnh đạo tôn giáo đã đến thành phố Vatican tham dự lễ nhậm chức của Giáo hoàng Francis tại Quảng trường St. Peter. Đây sẽ là nơi Giáo hoàng người Mỹ Latin đầu tiên nhận biểu tượng chính thức cho quyền lực của người lãnh đạo 1,2 tỷ giáo dân Công giáo.
Hàng trăm nghìn người dự kiến tụ tập tại quảng trường và các con phố để chứng kiến giờ phút người đứng đầu giáo hội lên ngôi. Lễ đăng quang dự kiến diễn ra trong hai giờ đồng hồ.
Trước 9h, Giáo hoàng rời nơi ở của ngài trong Vatican để đi vòng quanh quảng trường St. Peter trên chiếc xe dành riêng cho ngài. Các cận vệ đi theo hai bên thành xe. Ngài vẫy tay chào hỏi giáo dân trong niềm hân hoan của các tín đồ, giữa tiếng nhạc chuông ngân nga vang vọng trên quảng trường và ánh nắng nhẹ. Ngài cầu nguyện tại mộ của thánh Peter, người được coi là Giáo hoàng đầu tiên.
Quảng trường thánh Peter trước giờ Giáo hoàng lên ngôi
Sau đó, ngài sẽ tiến vào Vương cung thánh đường St Peter để khoác lên mình bộ trang phục dành cho buổi lễ.
Đại diện các chính phủ, tổ chức, tôn giáo đã tề tựu đông đủ tại hàng ghế phía trước tại quảng trường. Đông đảo giáo dân trên quảng trường vẫy vô số lá cờ, cờ của giáo hội, của các nước như Italy, Argentina. Giáo hoàng Francis là con của một gia đình di dân từ Italy sang Argentina và ngài là người Mỹ Latin đầu tiên đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã.
Vatican thắt chặt an ninh cho Thánh lễ đầu tiên của Giáo hoàng, với 3.000 nhân viên an ninh, kể cả các tay thiện xạ ẩn mình trên các nóc nhà, cũng như đội chuyên gia bom mìn. Ba lều của Chữ Thập đỏ được dựng lên quanh quảng trường.
Một trong các biểu tượng của ngôi vị Giáo hoàng là chiếc nhẫn Ngư phủ bằng bạc mạ vàng. Trên nhẫn có khắc hình thánh Peter râu ria rậm rạp tay cầm một đôi chìa khóa - thể hiện giây phút ngài có được chìa khóa mở cửa thiên đường. Trước kia nhẫn vừa là biểu tượng vừa là con dấu của giáo hoàng, nhưng thời nay các giáo hoàng có con dấu riêng để đóng lên các tài liệu.
Tại bàn thờ phía trước Vương cung thánh đường, Giáo hoàng sẽ được dâng áo bào, và sau đó dâng nhẫn, cùng một cuốn kinh thánh. Kế đó, 6 vị hồng y đại diện cho giáo đoàn thề trung thành với Giáo hoàng.
Giáo dân vui mừng hò reo khi Giáo hoàng tiến đến trên chiếc xe dành
riêng cho ngài, tại quảng trường thánh Peter trước giờ Thánh lễ.
Tại buổi lễ, 250 vị giám mục và tổng giám mục được bố trí ngồi bên trái bàn thờ, cùng các chức sắc của các giáo hội thiên chúa khác. Hơn 130 quan khách từ các đoàn ngoại giao được ngồi phía bên phải bàn thờ. Phía sau họ là đại diện của các tôn giáo gồm Do Thái giáo, Hồi giáo và nhiều tôn giáo khác. Kế đó nữa là 1.200 thầy tu.
Tân giáo hoàng sẽ phát biểu và thuyết giảng bằng tiếng Italy, trong khi thánh ca được cất lên bằng tiếng Hy Lạp. Trong các phần khác của lễ mixa hôm nay, ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Latinh.
Theo VNE