Cuộc khủng hoảng trong tuần qua bắt nguồn từ sự hợp lực giữa cuộc đấu tranh trong nghị trường với biểu tình tuần hành chống chính phủ ngoài đường phố.
Cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, nay là Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập, khởi xướng cuộc tranh luận bất tín nhiệm Thủ tướng kéo dài 3 ngày tại Hạ viện. Còn ngoài đường phố, rời bỏ chức hạ nghị sỹ, ông Suthep Thaugsuban làm thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ.
Đại biểu tình bắt đầu ngày 24/11 khi cựu Phó Thủ tướng, hạ nghị sỹ đảng Dân chủ đối lập Suthep Thaugsuban, từ chức, chuyển sang đấu tranh đường phố nhằm lật đổ chính phủ mà ông cho là chỉ toàn những tay sai cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và một chính phủ dân bầu được thành lập năm 2011 do em gái ông, Yingluck Shinawatra, đứng đầu.
Cuộc biểu tình của nhóm “Quân đội nhân dân lật đổ chế độ Thaksin” lập tức đông trở lại. Nhóm này tổ chức biểu tình từ ngày 19/8, thời điểm Hạ viện Thái Lan sửa dự luật ân xá Worachai. Trong con mắt của nhóm này, ông Thaksin không thể được ân xá vì sẽ là tác nhân gây bất ổn khi nghiễm nhiên được trở về Thái Lan và không phải thụ án 2 năm tù do tham nhũng.
Không như diễn đàn biểu tình của cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban tổ chức tại tượng đài Dân chủ nằm khá xa Phủ Thủ tướng, diễn đàn biểu tình của nhóm “Quân đội nhân dân lật đổ chế độ Thaksin” dựng ngay trước một tuyến đường chính dẫn vào khu vực Phủ Thủ tướng.
Nghị trường sôi sục với cuộc họp tranh luận và bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng. Tranh luận căng thẳng đến mức cảnh sát đã được lệnh vào mời một số hạ nghị sỹ của cả phe chính phủ và phe đối lập ra khỏi phòng họp vì những phát ngôn không phù hợp.
Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cáo buộc chính phủ của bà Yingluck Shinawatra yếu kém trong quản lý nhà nước, không ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, nền kinh tế Thái Lan ngày càng đi xuống, thất thoát ngân sách.
Tuy nhiên, Thủ tướng Yingluck Shinawatra dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hơn thế nữa, một số hạ nghị sỹ thuộc phe đối lập đã bỏ phiếu tín nhiệm cho bà.
An ninh được tăng cường xung quanh các cơ quan công quyền lớn khi ngày 27 và 28/11, người biểu tình bao vây 9 bộ ngành, chiếm giữ Bộ Tài chính và Trung tâm hành chính quốc gia.
Ngày 29/11, người biểu tình tăng cường bao vây trụ sở Bộ tư lệnh Lục quân, phá cổng chính, vào trong khuôn viên, đọc tuyên bố kêu gọi quân đội Thái Lan hoặc đứng bên cạnh “nhân dân” và Hoàng gia, hoặc đứng về phía chính phủ.
Cùng ngày 29/11, Tư lệnh Lục quân, Đại tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định “Lục quân là quân đội của Nhà Vua và nhân dân”, trung lập trong những mâu thuẫn xã hội. Ông kêu gọi các cuộc biểu tình trong xã hội dân chủ phải không có bạo lực, nằm trong khuôn khổ pháp luật, không chia rẽ bè phái và không lôi kéo quân đội đứng về bên nào.
|
Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD - hay còn gọi là những người Áo Đỏ) kêu gọi cuộc tập hợp lớn nhất trong sân vận động Rajamangara để ủng hộ Chính phủ vào ngày 30/11. Lần đầu tiên, UDD kêu gọi cả tất cả những người không thuộc thành phần Áo Đỏ tham dự, miễn là chỉ cần yêu chuộng nền dân chủ, lên án việc các lực lượng khác kích động nhằm đẩy tình hình căng thẳng lên cao để đạt mục đích xã hội rối loạn. Chủ tịch UDD, bà Thida Thavonse, kêu gọi những người Áo Đỏ kiềm chế, không tuần hành vào nội đô Bangkok nhằm tránh va chạm với lực lượng biểu tình chống chính phủ. Lo ngại này không thừa bởi quân đội từng đảo chính năm 2006 với một trong những lý do chính là lo ngại đụng độ xảy ra giữa những người Áo Đỏ với các lực lượng chống chính phủ lúc đó của Thủ tướng Thaksin Trước tuyên bố tiến chiếm Phủ Thủ tướng và các trụ sở công quyền quan trọng của người biểu tình, chính quyền Thái Lan dựng thêm hàng rào bê tông. Các cảnh báo không xâm phạm vùng cấm theo luật An ninh nội địa đang có hiệu lực toàn Bangkok.
Đối phó với các cuộc biểu tình lớn kéo dài, lực lượng cảnh sát đã mệt mỏi và không đủ sức dàn trải. Sau nhiều lần kêu gọi lực lượng an ninh cố gắng chịu đựng, chiều tối 30/11, Thủ tướng Yingluck Shinawatra chính thức đề nghị quân đội đưa binh sỹ không trang bị vũ khí đến hỗ trợ lực lượng cảnh sát bảo vệ các khu vực quan trọng và nhạy cảm, đối phó với kế hoạch tiến chiếm Phủ Thủ tướng và trụ sở Quốc hội ngày 1/12. |
Theo VNN