Hành trình vào Nam để gặp nhân chứng
Nghe mấy người đã từng đi gọi hồn, khoe “nói chuyện với ông bà tổ tiên như đang còn sống”, giới thiệu địa chỉ số 1 - Đông Tác - Kim Liên, ông Ân cùng các em quyết định đến số 1 - Đông Tác (Hà Nội) gọi hồn người em liệt sỹ để tìm mộ.
Ngày 15/12/2010, người em trai của liệt sỹ tới Phòng đăng ký tại Số 1 - Đông Tác - Kim Liên - Đống Đa - Hà Nội. Sau khi được nghe phổ biến các nội quy cũng như thủ tục cần thiết, ông nhận được giấy hẹn - đã có ghi ngày được giao lưu vào sáng 23/12 (do gia đình thuộc diện chính sách nên được ưu tiên).
Đến hẹn, 7h sáng năm anh em ông Ân đã có mặt tại Tam bảo (tầng 4) dâng lễ thắp hương khấn xin phép cho các vong linh nhà mình được vào phòng để giao lưu với con cháu. Do là lần đầu đi giao lưu nên gia đình ông không khỏi ngỡ ngàng khi mới đầu giờ sáng mà trong phòng giao lưu lác đác đã có gia đình vong về, "khóc lóc, nói cười, chuyện trò rôm rả" đúng như những người còn sống nói chuyện với nhau. Phải hai tiếng sau, vong nhà ông mới về. Chú liệt sỹ về nhập vào cô em gái (còn lại 4 anh em trai), khóc nhiều.
Hiện vật tìm thấy trong mộ liệt sỹ - lọ penecinlin bên trong có mảnh giấy ghi tên liệt sỹ.
Chú nói: "Em ở trong rừng Tây Ninh, lạnh lẽo, đau đớn lắm. Em xa quê bao nhiêu năm rồi, đưa em về với bố mẹ đi, nhanh nhé". Âm dương cách biệt, gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Những người đàn ông rắn rỏi là thế, nhưng gặp em, nghe em nói, không ai cầm được nước mắt. Vong liệt sỹ còn "biết" Cảnh (em trai út) đã xây dựng gia đình, sinh được hai con gái.
Liệt sỹ bùi ngùi nhắc lại ngày nhập ngũ, cô em gái mới mười ba tuổi, cả kỷ niệm tối hôm trước ngày tòng quân cùng được ngủ chung với anh cả Ân.... Liệt sỹ còn cho biết tin: "Em hy sinh vì bị sức ép của bom, có cô giao liên tốt lắm, cô ấy sẽ chỉ chỗ em nằm. Thôi, em đi đây, em lại vào Tây Ninh đây...".
Bốn anh em xúc động đến trào nước mắt. Khi liệt sỹ “thăng” khỏi người cô em gái, các anh em ông mới nuối tiếc ngồi ngẩn ngơ mất một lúc. Không ngờ em ông thiêng đến vậy, về nhanh, đi cũng nhanh, tính tình vẫn hệt như ngày xưa vậy. Sau đó, được cán bộ trong phòng hướng dẫn, gia đình ông tiếp tục ngồi thì có thêm vong của bố và ông nội cũng về. Ông và bố cũng giục: “Đi tìm em nó đi, đón em về với bố mẹ cho gần. Nhà của bố mẹ, các con tu sửa đã khang trang lắm rồi…”.
Trở về nhà, anh em ông quyết định cứ vào trong Tây Ninh xem thực tế thế nào rồi hẵng hay.
Ông Ân và chú Ất cùng cô Dậu mua vé máy bay bay vào Nam ngay ngày 25/12/2010. Sau ngày Chủ nhật nghỉ tại nhà người em họ trong TP. HCM, 4h sáng ngày thứ hai (27/12) bốn anh em (thêm cả em họ tên là Quý nữa) lên Tây Ninh. Đến nơi, lại điện cho người cháu là bộ đội biên phòng Tây Ninh đến cùng đi. 8h30 cả đoàn đã đến Ủy ban nhân dân xã Suối Ngô. Đúng ngày làm việc đầu tuần, anh Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND ân cần, niềm nở đón tiếp và phổ biến các thủ tục thăm và bốc chuyển hài cốt liệt sỹ.
Nghe gia đình kể về trận đánh năm 1969, những thông tin về cô giao liên Ba Điệp, các anh cho mời đồng chí xã đội phó cùng một người nữa tới nhà bà Ba Điệp đưa bà đến Ủy ban. Cả đoàn vừa mừng lại vừa hồi hộp chờ đợi.
Khoảng 30 phút sau, anh xã đội phó đã quay trở lại cùng bà Ba Điệp. Tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh lắm. Tóc cắt ngắn, tiếng nói vẫn sang sảng (như giọng đàn ông). Khi nghe anh em ông Ân trình bày việc đi tìm hài cốt em là liệt sỹ, có thông tin về việc bà từng chôn cất liệt sỹ tên Bính, người miền Bắc. Bà Ba Điệp xác nhận là từng trôn cất liệt sĩ tên Bính, người miền Bắc.
Bà Ba Điệp tuy không còn nhớ mặt liệt sỹ Bính, nhưng vẫn còn rất nhớ lối vào rừng - khu vực chôn cất một số liệt sỹ xưa. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, lại từng là giao liên bao năm kháng chiến, bà đã thuộc từng gốc cây, con suối, lối rẽ nào đi ra đâu. Dẫn đường, bà chỉ cho mấy thanh niên (có cả con trai bà cùng đi giúp đoàn) phát cây rừng lấy lối đi.
Khu rừng nguyên sinh im lìm trong giấc ngủ dài, nay bừng tỉnh theo bước chân đoàn người đi tìm mộ. Ánh nắng chỉ le lói vài tia mỏng manh qua kẽ lá, khu vực âm u không phân biệt được giờ nào trong ngày. Đoạn đường không xa nhưng phải mất hơn một giờ đồng hồ, đoàn mới tới nơi. Chỉ toàn cây với lá, không nhìn thấy mô đất nào để có thể gọi đó là nấm mộ.
Ảnh minh họa.
Bà Ba Điệp dừng lại trước một khoảnh rừng, chỉ dẫn cho mấy thanh niên chuẩn bị. Đặt lễ ngay ngắn trên phần đất vừa được bà Ba chỉ, anh em ông Ân kính cẩn làm lễ, khấn xin thần rừng, xin các hương linh liệt sỹ còn nằm lại đâu đó trong rừng phù hộ để anh em ông tìm được hài cốt người em trai.
Bà Ba Điệp chỉ xuống phần đất trước mặt ước chừng, vì mấy tháng trước có một gia đình ở ngoài Bắc vào tìm mộ liệt sỹ, bà đã chỉ cho đào cách đó hơn chục mét, liệt sỹ còn lại thì nằm đây – may mà không có cây to, có u đất nhỏ (chừng như chiếc mũ bảo hiểm) chồi lên, giống như ổ mối đùn.
Mấy thanh niên phát quang cây cối, dọn sạch rễ cây để chuẩn bị đào. Căn một khoảnh đất rộng chừng 2 chiếc chiếu, bà Ba Điệp dùng 4 chiếc cọc đóng xuống 4 góc rồi xác định điểm giữa làm tâm, cứ thế đào rộng ra các hướng, ông Ân cũng xắn tay bốc đất, vừa bốc vừa quan sát. Hơn ai hết, anh em ông đau đáu nhìn vào từng xẻng đất.
Rõ ràng khi "áp vong", em ông bảo: "Chỉ đào nông thôi nhé, em nằm không sâu đâu". Khu vực đào bới đã phát triển về các hướng, rộng đến 2m vẫn chưa thấy gì, chỉ thấy đất mềm, màu sẫm hơn so với lớp đất mặt. Ông Ân sốt ruột, nhắc anh em cẩn thận vì độ sâu cũng đã hơn 40cm rồi, thì anh thanh niên đang đào (người địa phương) bỗng hô lên:
- Có cái gì đây này!
Tất cả xúm lại.
- Một chiếc lọ penecilin - ai đó reo lên.
Rồi mỗi người một tiếng, người giục đem lên, người giục mở ra, người hô cẩn thận... thấp thỏm, khấp khởi mừng, tất cả rộn rã như đã tìm thấy liệt sỹ. Anh Ất cầm lên xem. Một chiếc lọ penecilin nhỏ, trong đầy nước màu nâu sẫm như nước vối. Tim ông Ân rộn lên. Mấy anh em nhảy lên khỏi hố. Một người dân địa phương nhắc ông Ân:
- Bác cẩn thận, đừng mở. Để chúng cháu giúp cho!
Rồi anh nói như phân bua:
- Chúng cháu từng đào tìm mộ giúp một số gia đình rồi. Nếu không biết cách làm, có khi hỏng hết.
Tìm được chiếc lọ penecillin – niềm hy vọng kỳ diệu
Nhấc chiếc lọ penecilin khỏi tay ông Ân, phủi những hạt đất nâu sẫm còn bám trên nút rồi anh nhẹ nhàng lau vào vạt áo. Anh kêu người nhà liệt sỹ (chị Dậu) chuẩn bị sẵn ít giấy ăn. Tất cả mọi người bỗng im bặt, nín thở chờ đợi.
Khéo léo, anh mở nắp lọ, cùng với anh thanh niên (con bà Ba Điệp), đổ hết nước ra rồi nhẹ dùng hai chiếc que nhỏ gắp ra một mẩu giấy đen xỉn. Đặt rất khẽ mảnh giấy lên tập giấy ăn, chờ cho thấm hết phần nước màu nâu, anh đưa cho anh Ất mang ra chỗ có tia nắng đang le lói phơi. Không ai có phản ứng gì, răm rắp làm theo lời anh thanh niên.
Ông Ân lật đật chạy theo em, rồi tất cả mọi người cùng ùa theo, chờ cho mảnh giấy dần khô. Chừng mười lăm phút qua đi, giấy đã khô, đã có dòng chữ hiện dần lên. Run run đỡ lấy từ tay người em, ông Ân đọc trong nỗi xúc động đến tột cùng: "Lê Ngọc Bính - Đ.V.v-10-K.B - T.C. 388 - H.S. 18/10/1969". Lật mặt sau tờ giấy có ghi: "882.417".
Ảnh minh họa.
Trời ơi! Đúng là em ông đây rồi. Đôi mắt già nhăn nheo ứa lệ. Cô em gái Dậu không cầm được lòng, nức nở gọi tên anh trai. Không chỉ anh em ông khóc, gọi tên em, mà cả đoàn cũng khóc theo. Nỗi xúc động hay sung sướng, đang dâng lên tột cùng. Âm dương cách biệt, sau hơn 40 năm đã gặp lại nhau.
Thương thay, lại chỉ còn là nắm xương tan vụn trong đất cùng với kỷ vật duy nhất là mảnh giấy ghi tên em cùng tên đơn vị, ngày tháng hy sinh. Đúng như thông tin trên giấy báo tử gia đình nhận được năm 1972. May mà đơn vị chu đáo, đã cất theo cho em chiếc lọ quý giá này. Nước mắt và những tiếng gọi em thiết tha. Tiếng gió, tiếng lá rừng lao xao huyền bí như thay lời hồi âm của liệt sỹ từ cõi thiêng liêng vọng về.
… Phải gác lại những phút xúc động nghẹn ngào vì thời gian nhắc nhở mọi người cần phải nhanh tay để kịp ra khỏi rừng khi trời còn nắng. Hóa ra, chính cái ụ to như ổ mối đùn mà ông Ân thấy lúc ban đầu chính là phần mộ của em, tìm thấy lọ penecilin cũng từ đoạn này. Mọi người quay trở lại hố đã đào, cẩn thận lọc phần đất quanh chỗ vừa tìm thấy chiếc lọ penecilin thì phát hiện thêm được những mẩu xương vụn - bám vào đất.
Hốt hết phần hài cốt cùng chút đất đen cho vào vuông vải đỏ, ông Ân cẩn thận gói lại cho vào túi vải. Làm các thủ tục lễ tạ thần rừng xong, các anh em cùng mọi người ra khỏi rừng vừa kịp nhạt nắng. Vậy là việc tìm hài cốt em trai ông - liệt sỹ Lê Ngọc Bính - đã hoàn tất và thu được kết quả mỹ mãn đến không ngờ. Niềm vui sướng, hạnh phúc càng thúc giục anh em ông nhanh chân, hoàn tất các thủ tục với chính quyền địa phương sở tại để trở về quê hương.
Sau hơn 40 năm nằm lại nơi rừng sâu cô quạnh, ngày 29/12/2010 liệt sỹ Lê Ngọc Bính đã được trở về quê hương trong niềm vui vô bờ bến của anh em, dòng họ, bà con quê hương. Tất cả những người đến dự lễ truy điệu đều thể hiện sự thán phục và vô cùng ngạc nhiên khi nghe kể hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ.
Tất cả những thông tin từ buổi "áp vong" tại số 1 - Đông Tác - Kim Liên đều chính xác đến tuyệt đối. Sự linh thiêng chỉ dẫn từ Hội đồng Tâm linh các liệt sỹ giao hòa với cái tâm chí thành chí thiết của thân nhân liệt sỹ cộng với sự giúp đỡ đầy hiệu quả của bà giao liên Ba Điệp tốt bụng đã dệt nên một trang huyền thoại nhiệm màu và bất hủ ngay giữa chốn trần gian.
Đảng ủy xã cùng các ban, ngành đoàn thể và đông đảo nhân dân đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu tiễn đưa liệt sỹ an nghỉ tại Nghĩa trang thị trấn Lục Nam – huyện Lục Nam – tỉnh Bắc Giang. Và, chỉ hai ngày sau đó, ngày 31/12/2010, ông Lê Mạc Ân cùng các anh em đã đến lễ tạ Ban Tam bảo số 1 – Đông Tác – Kim Liên, lễ tạ Hội đồng tâm linh các liệt sỹ đã phù hộ gia đình mình tìm thấy hài cốt liệt sỹ Lê Ngọc Bính đưa về quê hương, để cha mẹ được ngậm cười nơi chín suối.
Theo Người đưa tin