Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 2/12, khi điểm các nội dung Chính phủ thảo luận trong phiên họp tháng 11, tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ bàn về hướng khắc phục bão lũ vừa qua tại miền Trung. Thông tin từ các lãnh đạo Chính phủ trở về từ vùng bão lụt, công tác ứng phó, chỉ đạo phải bám từng giờ, từng phút theo diễn biến thiên tai, khó có thể dự báo, nói trước vấn đề gì.
Tính đến thời điểm này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, thiệt hại do bão lũ gây ra khoảng 28.000 tỷ đồng. Chính phủ tập trung bàn bạc để có hướng phòng chống tốt hơn đối với thiên tai như kịch bản chống bão, ngăn lũ, xây nhà cho người dân vùng lũ…
Phố cổ Hội An ngập sâu trong nước lũ.
Ông Nên thông tin, Thủ tướng nhắc nhiều công tác quản lý thủy điện. Cụ thể, Thủ tướng nhắc, tiềm năng thủy điện và hồ chứa nước cần được khai thác vì nhiều nước không có mà Việt Nam lại khai thác được thì đó là nguồn năng lượng mạnh, giá trị cao, không nên vì vấn đề ở chỗ này chỗ khác mà bỏ qua tiềm năng thủy điện.
Tuy nhiên, khi khai thác tiềm năng, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc không được làm thiệt hại đến người dân. Với những hồ, đập đã làm xong, cần có kịch bản cụ thể mùa mưa phải làm gì, trước và sau bão, lũ phải thực hiện quy trình tích, xả nước sao để không có chuyện vận hành vì lợi ích riêng của công trình mà hành động tùy tiện, gây thiệt hại đến sự an toàn của người dân. Vấn đề khác Thủ tướng lưu ý là cần làm rõ việc quy trách nhiệm.
“Ngoài ra, cần làm sao để người dân cũng được tham gia và giám sát hoạt động của thủy điện. Nếu làm không chặt chẽ, thiếu trách nhiệm hoặc có gì tắc trách thì những thiệt hại xảy ra sẽ không thể lường hết được. Vấn đề an toàn hồ đập thủy điện Thủ tướng và Chính phủ hết sức quan tâm” – ông Nên trao đổi.
Về chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân bị thiệt hại do lũ lụt liên tiếp vừa qua khiến nhiều đầm tôm ngập trắng, lúa mất, cao su gãy nát, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến thông tin thêm, ngành hiện đang phối hợp để đánh giá những thiệt hại của bà con liên quan đến các khoản vay đầu tư sản xuất kinh doanh. NHNN đã có chỉ đạo tiếp tục dành vốn cho người dân vay mới để phục hồi sản xuất khắc phục khó khăn về sản xuất.
Sơ tính, đến nay, 10 tỉnh có thiệt hại liên quan đến các khoản vay là 1.500 tỷ đồng, ngành ngân hàng đã phân loại theo hệ thống, giao địa phương cơ cấu lại nhiều khoản nợ (300 tỷ đồng), khoanh nợ trên 200 tỷ đồng, miễn giảm lãi với các khoản nợ bị thiệt hại… Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai cho vay mới để hỗ trợ khắc phục thiệt hại, tổ chức lại sản xuất, đời sống.
Theo ông Tiến, cuối tuần qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã vào làm việc tại Quảng Bình, nơi thiệt hại nặng nề nhất sau bão lũ, cùng lãnh đạo 5 ngân hàng thương mại lớn để trực tiếp đánh giá tình hình. Thống đốc đã có chỉ đạo và NHNN sẽ sớm ban hành văn bản để tiếp tục có chỉ đạo, điều hành kịp thời các vấn đề phát sinh. Nếu có vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết của NHNN, đơn vị sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để kịp thời tháo gỡ.
Theo Dân trí