Một ngày ở phòng khám thẩm mỹ

Thứ hai, 02/12/2013, 21:44
Sau khi nhìn tôi một lượt từ đầu xuống chân, một người được giới thiệu là chuyên viên một thẩm mỹ viện ở quận 10 (TP.HCM) nhỏ nhẹ bảo: “Dáng em cao ráo chuẩn người mẫu rồi, mặt cũng xinh nhưng vòng một hơi nhỏ. Chỉ cần nâng lên một tí là tuyệt vời, nhìn mê luôn”.

Làm cả ngàn ca không có biến chứng

Như để chứng minh, cô chuyên viên này khoe: “Chị cũng sửa mũi, nâng ngực nè. Nhìn tự nhiên không nói đâu ai biết. Chị làm sáu năm ông xã mới biết đó”. Để tăng thêm phần thuyết phục, nhân viên tư vấn này còn ấn vào vòng một và kéo hở một phần cổ áo (vốn đã được khoét sâu) để “chứng minh”. Khi tôi tỏ vẻ ngần ngừ: “Em thích làm lắm nhưng người yêu em hổng chịu. Ổng chỉ đồng ý cho em nâng mũi thôi”, thì cô này mách nước: “Chả ông nào thích vợ mình, người yêu mình nâng ngực đâu. Em cứ làm đi, xong rồi ổng mới biết thì chuyện cũng đã rồi. Làm đi em, đảm bảo đẹp như gái 18”.

Khi thấy tôi lo ngại về khả năng bị biến chứng sau phẫu thuật, chị này khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Chỗ chị đã làm cả ngàn ca, chưa có ai bị biến chứng phải làm lại lần thứ hai. Bác sĩ của chị đã làm mấy chục năm rồi, nổi tiếng chứ không phải tay ngang đâu”. “Bác sĩ nổi tiếng” như giới thiệu của chị này là ông T., một cái tên mà khi hỏi người trong ngành thì họ khẳng định ông T. chỉ là bác sĩ gây mê bình thường!

“Trong phẫu thuật thẩm mỹ đều có khả năng có tai biến - giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ thẳng thắn thừa nhận - vấn đề là xử lý như thế nào. Ngay cả chỗ tôi là bệnh viện mà cũng vẫn có những tai biến trong phẫu thuật chứ không có chuyện không có tai biến. Không ai được vỗ ngực nói tui là bác sĩ giỏi, không bao giờ có biến chứng. Ai nói không, người đó không phải là bác sĩ. Không có cuộc mổ lớn hay nhỏ mà chỉ có cuộc mổ thành công hay thất bại. Mổ nhỏ mà sốc thuốc tê cũng chết liền. Gây tê con mắt, cái mũi mà xử lý không kịp là cũng chết”.

Êkip phẫu thuật theo dõi quá trình nâng ngực tại một bệnh viện thẩm mỹ.

Vị bác sĩ này cũng thừa nhận: “Phẫu thuật thẩm mỹ an toàn nhưng cũng có những rủi ro nhất định dù tỉ lệ thấp. Biến chứng sau nâng ngực, nâng mũi...chắc chắn là có. Tỉ lệ 1-1,5% sẽ bị dị ứng khi bị đưa vật lạ vào cơ thể. Vì thông thường khi một vật thể lạ vào thì cơ thể sẽ phản ứng, nhiều hay ít tùy từng người. Các phản ứng có thể gây ra nhiễm trùng, cấn túi, rỉ nước, lệch, xì mủ, đỏ mũi, đỏ ngực, cứng túi hoặc không lành được...

Vấn đề này liên quan đến chất lượng túi, trình độ kỹ thuật của bác sĩ phẫu thuật và quan trọng là không đảm bảo về vô trùng trong quá trình mổ. Hiện giờ túi ngực của Mỹ có tỉ lệ phản ứng 2%. Cứ 100 người thì có hai người bị phản ứng. Nếu phản ứng nhiều quá thì túi ngực bị co cứng lại, lệch. Nhưng những rủi ro đó có thể xử lý được”.

Giám đốc này cũng cho biết đã tiếp nhận nhiều ca khách hàng đi nâng ngực, làm mũi ở nhiều nơi, kể cả nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc nhưng bị biến chứng phải sửa lại.

“Tôi phải tư vấn cả những biến chứng có thể xảy ra và khách hàng làm cam kết. Không hứa tốt 100% để họ lường trước. Mũi, ngực sửa lại lần thứ hai thì còn được chứ nếu lần thứ ba trở đi chắc chắn sẽ bị biến dạng. Có những người làm rồi sửa tùm lum 3-4 lần, ngực đã bị biến dạng, chảy mủ. Tôi chỉ sửa tốt hơn bây giờ chứ không thể nào đẹp giống như những cô làm lần đầu”, bác sĩ này nói.

Bác sĩ Phan Hiệp Lợi (giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Hiệp Lợi) cho biết: “Tất cả các phẫu thuật dù lớn hay nhỏ (cắt mắt, tẩy nốt ruồi, sửa mũi...) cũng phải xét nghiệm, nhất là những người có bệnh nội khoa đang điều trị, đặc biệt bệnh viêm gan siêu vi B, các bệnh lây qua đường máu. Xét nghiệm rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe khách hàng đáp ứng được cuộc phẫu thuật và giúp bác sĩ dự đoán, đề phòng và có những phương án an toàn cho ca phẫu thuật”.

Tuy nhiên khi chúng tôi đi khảo sát, còn ở nhiều nơi cứ đưa lên mổ chứ chả xét nghiệm gì. Qua tìm hiểu tại một số trung tâm làm đẹp, những tiểu phẫu như nâng mũi, cắt mắt... nhân viên tư vấn khẳng định không phải làm xét nghiệm. Nhân viên của một bệnh viện thẩm mỹ cũng thừa nhận: “Sau vụ Cát Tường thì làm xét nghiệm hết, trước đó chỉ kiểm tra huyết áp, máu và đường”.

Về vấn đề khi làm các xét nghiệm tiền phẫu có thể phát hiện được những biến chứng gì hay không, bác sĩ Hiệp Lợi khẳng định: “Các xét nghiệm tiền phẫu không cho biết trước được, chỉ có thể giúp bác sĩ dự đoán và ngăn chặn để biết cuộc mổ này cần cái gì chứ không biết được những gì có thể xảy ra. Tim mạch, tiểu đường... những bệnh nội khoa nói chung mà không điều trị thì ngay cả ca nhỏ chứ đừng nói ca lớn, chúng tôi cũng từ chối làm. An toàn là trên hết. 100 ca không bị, có một ca bị thì sao. Không đùa được”.

Nơi nói có, người nói không

Trình bày với chuyên viên tư vấn của phòng khám thẩm mỹ K (quận 10), tôi cho biết rất không tự tin với gương mặt hơi to của mình, bị mọi người nói là “mặt bự” nên muốn gọt hàm, làm mặt chữ V. Chuyên viên tư vấn này tỏ vẻ đồng cảm, gật gù xác nhận: “Đúng là gương mặt chị hơi to thật”. Sau khi nắn gương mặt tôi, chị này cho biết: “Hai bên xương hàm của chị hơi to. Nếu chị muốn làm, bác sĩ sẽ lấy bớt ra hai bên, thu nhỏ gương mặt lại. Còn lấy ra bao nhiêu thì phải chụp qua máy mới biết được”.

Tuy nhiên, khi đến bệnh viện thẩm mỹ HL (Q.8) và bệnh viện thẩm mỹ TV (Q.1), các bác sĩ ở đây đã tư vấn ngược lại. Một bác sĩ là giám đốc bệnh viện sau khi kiểm tra gương mặt tôi khẳng định: “Mặt em cái cằm và một phần hàm này là chữ V rồi, chỉ có một phần góc xương hàm hơi to một chút thôi nhưng như vầy là hài hòa rồi, không cần phải gọt. Phẫu thuật cằm rất nguy hiểm, gây giật mặt, chảy nước miếng, không há họng được. Có người to quá thì phải chụp hình xem xương hàm có dư thật sự hay không, có cần thiết phải làm hay không. Có trường hợp nhìn ngoài thấy to nhưng khi chụp thấy không cần thiết thì tôi không làm dù chi phí gọt hàm cao lắm”.

Bác sĩ này cũng khẳng định: “Mặt em cằm như vậy cũng gần giống chữ V rồi, chỉ hơi to bề ngang một chút thôi nhưng vẫn đẹp. Nhiều người ở Hàn Quốc chết vì gọt cằm V-line đấy. Gọt tê hàm vì đụng dây thần kinh, có thể làm gãy đầu cầu... chứ không đơn giản đâu”.

Cũng tại bệnh viện TV, khi chúng tôi than làm văn phòng ngồi nhiều, bụng có mỡ mặc đồ không đẹp, không tự tin thì nhân viên tư vấn tên H.O. khuyên: “Hút mỡ cũng phải làm xét nghiệm và làm rất nhiều đấy. Nhưng em còn trẻ thì không nên hút mỡ. Chừng nào sinh bị nhão da bụng hoặc quá béo mới nên làm, mới hiệu quả và đáng đồng tiền. Như thế này chỉ cần tập thể dục, không ăn khuya. Hút mỡ sẽ không đẹp như xuống cân tự nhiên đâu”.

Cô bạn tôi than cái mũi hơi gãy, H.O. nhìn một hồi và nói: “Chị thấy sống mũi hơi gãy tí nhưng vẫn còn cao. Cái mũi này mới cần làm nè (quay sang tôi, H.O. nói), hơi gãy, thấp, hai cánh mũi bè, làm lên nhìn mặt sẽ gom gọn lại”.

Khi tôi kể nhân viên tư vấn ở thẩm mỹ viện K nói tôi phải đục hai bên sống mũi thu hẹp sống mũi lại, H.O. bảo: “Cái mũi của em cứ nâng lên, nếu không đẹp mới cắt cánh mũi chứ không phải đục hai bên sống mũi vì nguy hiểm lắm”.

Với những lời quảng cáo quá lung linh về mũi S-line tiên tiến nhất hiện nay như nhiều nơi quảng cáo, H.O. cười bảo: “Mũi nào không chữ S, có điều S kiểu nào thôi. Phía trên vẫn dùng sụn nhân tạo (sụn giả), phía dưới đầu mũi lấy sụn vành tai (sụn tự thân)”.

Cùng một gương mặt, cùng một cái mũi nhưng khi đi tư vấn lại nhận được những lời khuyên quá khác nhau như vậy.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích