“Mổ tử thi” là một nghề “độc quyền” của đàn ông, vì đó là nghề đòi hỏi người làm nghề có sức khỏe dẻo dai, có sức chịu đựng cao, không sợ vất vả, cực nhọc, không sợ nguy hiểm và nhiều “không sợ” khác nữa.
Tuy nhiên, ở Trung tâm Pháp y tỉnh Cao Bằng có một “chuyên gia” mổ tử thi là phụ nữ, hơn 10 năm gắn bó với nghề này bằng lòng tận tụy và trách nhiệm cao. Chị là Đoàn Thị Thẩm - Cử nhân pháp y, giám định viên pháp y, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Cao Bằng.
Trái tim phụ nữ
Khi biết thông tin giám định viên pháp y Đoàn Thị Thẩm gần như là người phụ nữ “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam làm nghề “mổ tử thi”, tôi liền hình dung ra khuôn mặt của một phụ nữ có nhiều... nam tính: Rắn rỏi, lạnh lùng và một chút bụi bụi.
Nhưng không, chị là người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, tóc đen, da trắng, giọng nói dễ chịu và vô tư đến... thản nhiên. Chị không né tránh, giấu giếm và mặc cảm với cái nghề mà nhiều người cảm thấy... ghê ghê. Chị bảo: “Đó là công việc được giao, mình gắn bó thì sẽ làm được. Quan trọng là mình làm tốt công việc”.
Chị kể, vì là phụ nữ nên chị dễ cảm, dễ đau với những bi kịch cuộc đời, nhất là đối với những thân phận phụ nữ khổ đau. Đã biết bao lần chị khóc trong và cả sau khi mổ tử thi. Lần ấy, sau khi hoàn tất công việc, thấy những đứa con của nghi phạm vụ án đói lả vì bị bỏ đói, chị đã nấu cơm cho chúng ăn. Ăn xong, chúng cầm những lá chuối (thay bát ăn cơm) còn dính cơm lên liếm sạch.
Lần khác, khi khai quật xác của người vợ bị chồng giết, chị đã không ngăn được hai hàng nước mắt khi nhìn thấy những vết sẹo mới chồng lên những vết sẹo cũ trên cái xác thâm tím và những đoạn xương bị giập, gãy... Đó là dấu vết của những trận đòn liên miên mà người chồng vũ phu, mất nhân tính trút lên tấm thân gầy của người vợ. Tội ác là không có gì để biện minh và phải bị trừng trị.
Cũng vì là phụ nữ có trái tim... đàn bà, nên nhiều khi chị cố tìm hiểu nguyên nhân gây án (mặc dù không phải nhiệm vụ chính của pháp y) và đã phát hiện ra nhiều sự thật, giúp giảm án cho một số người phạm tội do kém hiểu biết. Điển hình là vụ “vợ giết chồng” ở xã Thái Cường (huyện Thạch An). Người chồng bị phạm phòng (ngã ngựa), tắc thở; người vợ vì xấu hổ, sợ bị... chê nên đã dựng hiện trường giả: Lấy kéo đâm vào khí quản rồi treo cổ chồng lên xà nhà, như là một vụ tự tử.
Kết quả khám nghiệm cho thấy, nạn nhân vẫn chưa chết trước khi bị treo cổ lên xà nhà. Vậy là, nếu có chút hiểu biết, sau khi “sự cố” xảy ra, người vợ biết cách cấp cứu thì người chồng có thể tỉnh lại.
Kết quả khám nghiệm hoàn toàn bất lợi đối với người vợ, vì theo luật pháp như vậy là phạm vào tội cố sát. Người vợ sẽ phải chịu mức án nặng. Nếu chị “sửa” kết quả khám nghiệm để “cứu giúp” người vợ vì lòng thương thì mức án sẽ nhẹ hơn nhiều, nhưng tính trung thực của nghề pháp y không cho chị làm điều đó. Tuy nhiên, chị cũng ra sức “bảo vệ” cho người vợ đáng thương và đáng giận đó. Với những bằng chứng và lý lẽ có sức thuyết phục, chị đã giúp cho người vợ có thêm tình tiết để giảm án...
Chị Đoàn Thị Thẩm bên tủ hồ sơ pháp y tại Trung tâm Pháp y Cao Bằng . |
Những liên tưởng... không nên có
Nghe chị kể về công việc của mình, có cảm giác như chị bị... trơ lỳ với những điều ghê ghê trong “mổ tử thi”. Không, chị là người dễ xúc động, dễ cảm nên mười mấy năm mổ tử thi chị vẫn không thôi ám ảnh bởi những ca “đặc biệt”.
Đó là lần đầu tiên (năm 2002), chị trực tiếp cầm dao, kéo mổ tử thi của một nạn nhân đã chết 3 ngày, xác chết đã bắt đầu phân hủy, bụng trương phềnh, mùi tử thi (như mùi cóc chết) xộc lên, nhiều người đứng cách xa mười mấy mét cũng không chịu nổi. Chị cố trấn tĩnh mổ kỹ để rồi kết luận chính xác, nạn nhân chết không có ngoại lực tác động...
Sau lần đầu tiên ấy, cứ hễ ngửi phải mùi hôi, nhìn thấy những thứ có màu gần giống với màu nội tạng người chết là chị lại liên tưởng tới cái mùi và màu ghê ghê ấy mà buồn nôn, ám ảnh. Chị cười: “Làm nghề viết như anh mới cần nhiều liên tưởng, nghề của em càng ít liên tưởng càng tốt”.
Cũng với “mạch liên tưởng” ấy, chị kể về những chuyến công tác tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng báo ít người, khó khăn, cực nhọc không kém gì những chuyến truy bắt tội phạm của ngành công an. Lần đó, chị vào xã Vĩnh Quang (huyện Bảo Lâm), khám nghiệm tử thi nạn nhân Lầu A Giàng. Đi xe vào đến Ủy ban nhân dân xã đã 8h, cả đoàn đi bộ, leo dốc đến 12h mới tới nơi, không nghỉ, bắt tay vào công việc ngay đến tận 4h chiều mới xong.
Ăn vội nắm mèn mén khô khốc, cả đoàn rời bản khi trời sẩm chiều, trong đoàn có 1 đồng chí công an trẻ khỏe, quen leo núi, vậy mà trở về đến nửa đường thì chân bị chuột rút, bắp chân lật hẳn lên trên, rất đau đớn. Cả đoàn xúm lại dìu đỡ đi từng đoạn nên mãi tới 9h đêm mới ra đến Ủy ban nhân dân xã...
Vất vả là vậy, nhưng cả đoàn rất vui vì tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của Lầu A Giàng là vỡ hộp sọ do ngoại lực tác động. Với kết luận ấy, một cán bộ công an đã bị đuổi ra khỏi ngành. Sau này, người công an đó bị chết, chị lại là người đến khám nghiệm tử thi. Một sự trùng hợp của số phận...
Lòng yêu nghề
“Yêu” - một “mỹ từ” không hợp lắm trong “văn cảnh” này. Khó có ai có thể “yêu” một nghề cực nhọc, vất vả, ghê ghê và nguy hiểm như nghề “mổ tử thi” mà ngay cả đàn ông còn ngán, huống nữa là phận nữ nhi. Cái nghề đâu đã hết kỳ thị, xa lánh và cả những thị phi. Chị đã gặp không chỉ một lần “nỗi đau nghề nghiệp”.
Lần ấy, vừa từ nơi khám nghiệm tử thi ở trên núi cao về đến Ủy ban nhân dân xã, gặp một đoàn cán bộ y tế huyện vào làm công tác phòng dịch, chị hồ hởi bắt tay, nhưng cũng có người rụt tay lại khi biết chị vừa mổ tử thi xong. Nỗi buồn dâng lên nghẹn cổ, tuy vậy trong câu chuyện, chị vẫn nhắc đến từ “yêu nghề” mà tôi hiểu ra là “quen nghề”. Khi đã có trách nhiệm với nghề, làm tốt công việc được giao thì đó là niềm vui và khi đã “quen nghề” rồi mà phải bỏ nghề thì “vấn vương” không có gì lạ.
Đó là điều hiện hữu khi tôi cùng bác sĩ Hoàng Doãn Đông - Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Cao Bằng và chị Đoàn Thị Thẩm bàn về thông tư số 26/2013/TT của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (có hiệu lực từ ngày 15/12/2013), quy định 77 công việc mà phụ nữ không được làm, trong đó có nghề “mổ tử thi”. Anh Hoàng Doãn Đông băn khoăn: “Cả trung tâm có 8 cán bộ tham gia trực tiếp mổ tử thi, có 2 nữ - mới có thêm bác sĩ Bế Thị Huyền về trung tâm công tác từ tháng 8/2013. Nay 2 cán bộ nữ không được làm việc thì trung tâm rất khó khăn”.
Được biết, ở tỉnh Cao Bằng, mỗi năm có khoảng 70 vụ mổ tử thi do Trung tâm Pháp y tỉnh thực hiện. (Năm 2013, tính đến ngày 10/12 có 61 vụ - trong đó chị Đoàn Thị Thẩm trực tiếp “mổ” trên 30 vụ), mà các vụ phần nhiều xảy ra ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đi lại vất vả, biên chế ít nay lại “giảm” theo thông tư 26 thì quả là khó khăn thật. Giám đốc Hoàng Doãn Đông nói thêm: “Đối với đàn ông, công việc đã là vất vả, cực nhọc, với các chị vất vả, cực nhọc gấp nhiều lần, nhưng các chị đã làm tốt, nay “chuyển việc” thì tiếc vô cùng...”.
Với một tâm trạng chia sẻ, tôi hỏi: “Chồng chị có sợ nghề của chị không? Có ủng hộ chị không?”. Chị Đoàn Thị Thẩm nở nụ cười: “Giáo sư Trần Văn Liễu - nguyên Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia - cũng hỏi em đúng câu như vậy, em trả lời: Chồng em bảo, nam giới làm được thì vợ tôi cũng làm được. Đó là lời động viên và là sự ủng hộ quý báu giúp em càng vững tâm với nghề. Giáo sư còn nói với những học viên tập huấn pháp y tỉnh Cao Bằng: Ở Việt Nam, ít phụ nữ làm nghề mổ tử thi, nhưng ở nước ngoài (như ở Mỹ chẳng hạn), mổ tử thi phần lớn do phụ nữ làm. Ở nước mình chưa quen đấy thôi”.
Nghe trong giọng nói của chị, tôi luận ra rằng, trong chị còn nhiều “vấn vương” với nghề pháp y - mổ tử thi. Tất nhiên, thông tư 26 không xét đến sự “vấn vương” ấy. Dẫu sao, tôi kể chuyện chuyên gia mổ tử thi Đoàn Thị Thẩm - Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Cao Bằng - để có một cái nhìn đúng hơn, thông cảm hơn với một nghề có thể gọi là đặc biệt này...
Theo Lao Động