I- Đó là chuyện ngược đời, nhưng lại có thật đã diễn ra trong xã hội ta, khiến lòng người bất bình.
Vụ việc hành hạ ba trẻ mầm non, lớn nhất mới 04 tuổi, nhỏ nhất mới 01 tuổi của các bảo mẫu đáng … kinh sợ- Nguyễn Thị Thiên Lý (sinh năm 1984), Lê Thị Đông Phương (đồng thời là chủ cơ sở nuôi giữ trẻ mầm non Phương Anh- P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, t/p HCM) đang làm kinh động cả xã hội.
Người viết bài đã không dám xem clip “ấn tượng kinh hồn” này, khi nhìn thấy nét co rúm trên gương mặt bạn đồng nghiệp, nói lên tất cả. Cái ác đối với con trẻ đã đi quá giới hạn chịu đựng của người lớn.
Xã hội chưa hề quên, hàng chục vụ việc những “quỷ dữ” đội lốt cô bảo mẫu, đội lốt cha mẹ hành hạ trẻ một cách tàn độc, chấn động lương tâm cả xã hội trước đó.
Một “bảo mẫu” Hồ Ngọc Nhờ bạo hành dẫn đến chết một bé trai mới 18 tháng tuổi chỉ vì bé không chịu ăn. 18 tháng trước sinh ra trong hoan hỉ hạnh phúc của ông bà cha mẹ, 18 tháng sau, bé trở thành nỗi đau đứt ruột của người thân, mà vẫn ngơ ngác không hiểu sao mình phải chết.
Một “bảo mẫu” Quảng Thị Kim Hoa (Đồng Nai) hành hạ trẻ không thương tiếc khi đút cơm cho trẻ. Một “bảo mẫu” Trần Thị Xuân Nữ nhốt bé Lê Quang Vinh vào thang máy vận chuyển thức ăn, bấm cho thang di chuyển, mặc cho đứa bé hoảng loạn bị chấn thương nặng kêu cứu.
Một bé Như Ý (09 tháng tuổi) bị chính mẹ ruột và cha dượng hành hạ, thương tích đầy người. Một Nguyễn Minh T mới 06 tuổi, trở thành nạn nhân của đòn roi dã man của cha đẻ và dì ghẻ… vv…và v.v..
Không phải chỉ các bé bị chấn thương nặng thân thể và tâm hồn non nớt, mà cả xã hội này đang bị chấn thương, bị tổn thương nặng về tinh thần.
Cái Ác không chỉ ngự trị, hiện diện trong những vụ đâm chém cướp giết hiếp, trong tệ nạn xã hội. Cái Ác còn ngự trị, hiện diện trong ngay cái gọi là nhà trường, trong những gương mặt trẻ trung, xinh đẹp, trông rất có học thức, gọi là cô giáo, trong những ngôn từ tưởng như nhân hậu trên mạng Facebook, và trong những kẻ nhân danh làm cha, làm mẹ.
Hình ảnh bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa hành hạ trẻ mầm non. |
Trẻ bị bạo hành trong trường, lớp, trong gia đình là nỗi hoảng loạn có khi ám ảnh tuổi thơ các em, có thể dẫn tới chứng trầm cảm, rối loạn hành vi. Còn một khi bị bạo hành ở đường phố, thì nó trở thành bi kịch cuộc đời của chính các em.
Nghiên cứu mới đây của Trung tâm MSD (Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững) ở 120 trẻ em đường phố (tại TP.HCM) cho thấy:92,5% trẻ em đường phố từng bị xâm hại tình dục, khiến các em không chỉ bị tổn thương về thể chất mà cả tinh thần.
98,3% các em đã từng thử một hoặc nhiều chất gây nghiện như rượu, bia thuốc lá, heroin, methamphetamine (đá), keo hay tân dược. Nhiều em sử dụng các chất gây nghiện từ khi còn rất nhỏ, hầu hết nằm trong độ tuổi từ 12-13 (VietNamNet, ngày 08/10).
Những đứa trẻ trai, trẻ gái này sẽ lớn lên, trưởng thành như thế nào, nếu không tiếp tục phạm tội ác, bởi tình thương yêu, che chở của người lớn là thứ xa xỉ với cuộc đời chúng. Vết chân trên hành trình tội phạm dường như đã …đo ni đóng giầycho các em, chua chát thế.
Đến trẻ khuyết tật cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu, dù sinh ra các em đã bị hẩm hiu, bởi tạo hóa đâu phải lúc nào cũng công bằng. Xã hội, những người có lương tâm chưa hết đỏ mặt vì cảm giác nhục nhã trước vụ việc mới đây của một số cá nhân tại Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật (Hà Giang) “ăn bớt” hơn 180 triệu đồng của trẻ khuyết tật.
Vậy mà ông Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh không biết thẹn khi gửi công văn cho cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị không khởi tố hình sự vụ án là để “góp phần ổn định chính trị tại địa phương” và “vì… đại cục, vì cái to lớn hơn”.
180 triệu đồng là số tiền không lớn, nhưng cái hành vi ăn cắp cả tiền của những đứa trẻ khuyết tật, sống nương nhờ lòng từ thiện của xã hội, của đồng loại là quá “bẩn”, quá bất nhẫn, thất đức. Chả lẽ đó chỉ là… tiểu cục?
Sự bạo hành, sự xâm hại, và sự đối xử bất nhân với trẻ em, quốc gia nào cũng có, kể cả các nước văn minh nhất. Nhưng một khi nó trở thành hiện tượng liên tiếp, liên tục, không loại trừ cả trẻ khuyết tật, nó gửi thông điệp gì cho xã hội- nếu không phải là sự băng hoại đạo lý- đến mức tồi tệ?
Nên nhớ, VN là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, quốc gia thứ hai trên thế giới cầm bút ký Công ước về Quyền trẻ em, năm 1990. Nếu những đứa trẻ nạn nhân có chút nhận thức, hẳn các em sẽ không hiểu nổi cái khái niệm người lớn chúng ta bảo vệ Quyền trẻ em như thế nào?
Điệp khúc đáng chán nhất, là trước mỗi vụ việc xảy ra, ngành giáo dục lại lên tiếng, rút kinh nghiệm, thừa nhận lỗi quản lý lỏng lẻo của ngành, đá trách nhiệm cho cấp chính quyền cơ sở, và hứa hẹn sẽ nọ, sẽ kia… Nó gửi thông điệp tới xã hội cho thấy cái tầm, cái tâm của quản lý Nhà nước trước bổn phận “trồng người”, của giáo dục thực chất chỉ vì lợi ích của người lớn.
Còn đặc biệt các cấp chính quyền sở tại luôn im lặng là vàng. Trong khi một người bán hàng rong cũng có thể khiến cấp phường “tẩn” cho lên bờ xuống ruộng. Vì sao? Hay đồng tiền ở các cơ sở “không phép, trái phép”đi trước là đồng tiền khôn, nên phạt thì cứ phạt nhưng …cho tồn tại?
Trẻ em hôm nay, dân tộc ngày mai.
Đã có nhiều tiếng nói kiến nghị cần xử nghiêm khắc vụ “tra tấn” trẻ này. Nếu không trước mỗi vụ việc, mà cứ như ông Giám đốc Sở Thương Binh, Lao động và Xã hội Hà Giang, chỉ vì sự ổn định chính trị, và vì đại cục, vì cái to lớn hơn, thì rút cục, những đứa trẻ bé tý tuổi đầu sẽ luôn luôn là nạn nhân của cái đại cục hình thức của người lớn. Mà biết đâu trong đó có cả cái đại cục của chính ông này?
Có cái gì to lớn hơn cái… trồng người?
Chợt nhớ câu hát vừa thương, vừa đau thắt lòng: Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười?
II- Trong khi đó, thì lại có không ít những người lớn - ở đây là các quan chức các tập đoàn kinh tế, các DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham ô, tham nhũng được chiều chuộng vô cùng, chỉ bị trừng phạt khi vụ việc vỡ lở, bị pháp luật truy tố, và bị đứng trước vành móng ngựa. Như vụ án Vinalines vừa xử, chấn động cả xã hội.
Đến mức tại tòa án, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên toà đã phải thốt lên: Nếu như DNNN cũng vô trách nhiệm như thế này thì nền kinh tế đất nước sẽ còn thiệt hại đến mức độ nào? (Lao động, ngày 16/12)
Đó cũng là câu hỏi, câu than thở của nhân dân!
Có thể nghe thấy ở bất cứ đâu, hẳn sẽ hiểu nỗi đau đớn quá sức chịu đựng của người dân. Vì cái sự được chiều chuộng của những “người lớn” này, đại diện cho những “người lớn khác” của nền kinh tế- đó là các tập đoàn kinh tế, DNNN.
Trước Vinalines, là những người lớn ở vụ Vinashin. Cùng với Vinlines là vụ Cty cho thuê tài chính II (ALC II). Và sắp tới là những người lớn nào trong số các đại trọng án còn lại sẽ bị xét xử. Mà đó mới là các đồng chí bị lộ. Dù đó là sự mừng vui vì đã phanh phui ra được những ổ “đục khoét” lớn, thì đi kèm đó, là sự tổn thất của cả nền kinh tế mà người dân phải chịu đựng.
Giây phút Dương Chí Dũng nghe tuyên án tử hình. |
Tuy nhiên phải thẳng thắn, những kẻ tham nhũng, có tội rồi đây phải đứng trước vành móng ngựa là thủ phạm của những vụ trọng án, nhưng ở góc độ khác, những kẻ tồi tệ này cũng là nạn nhân của việc “giao trứng cho ác”, mà quản lý Nhà nước, ở tầm vĩ mô vừa chiều chuộng họ, vừa …thả nổi cho họ tự tung tự tác.
Những thất thoát đó cùng với hoạt động kém hiệu quả của nhiều DNNN đã dẫn tới khu vực kinh tế này đang ôm món nợ lên đến 1,35 triệu tỉ đồng.
Còn nếu các tập đoàn, DNNN đó ở khu vực ngoài Nhà nước (tư nhân), liệu các vụ việc có thể xảy ra không?
Câu trả lời thuộc về bản chất mô hình và phương thức quản lý: Các tập đoàn kinh tế, DNNN được ưu đãi từ vốn rót, hạ tầng cơ sở, và quan trọng nhất- cơ chế xin- cho ban phát luôn ngự trị như một ông hoàng. Những vị quan chức quản lý các tập đoàn, DNNN họ tiêu đồng tiền ưu đãi “trời cho”, không phải của họ đầu tư. Lãi họ hưởng, lỗ … nhân dân chịu.
Và họ “hưởng” cả cái sự lỏng lẻo, vô cảm, vô can của quản lý Nhà nước.
Cứ thử nhìn vào vụ án Vinalines thì quá rõ. Dương Chí Dũng, từ lúc là một anh chàng xuất khẩu lao động, đến khi trở thành Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), đẩy công ty này liên tiếp rơi vào tình trạng thua lỗ nặng.
Tiếp đó, trong 06 năm lèo lái Vinalines, Dương Chí Dũng dính nhiều lùm xùm liên quan tới tham ô, hối lộ. Vậy nhưng Bộ chủ quản GTVT vẫn khẳng định làm đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, trình tự về công tác cán bộ.
Cái trình tự hình thức và mang nặng tính hành chính quan liêu, chỉ có ý nghĩa dung dưỡng thêm sự tha hóa của kẻ phạm tội.
Còn như Vinashin trước đó, năm 2012, thanh tra Nhà nước tiến hành tới 11 cuộc nhưng không hề phát hiện được thất thoát, để cuối cùng xấu chàng, hổ ai, mà thanh tra thì vẫn vô can? Việc thiếu giám sát, quản lý, kiểm tra đã khiến các DNNN này lún sâu vào nợ nần, phá sản mà không có cảnh báo sớm. Vậy thì quản lý cái gì?
Đặt cái sự chiều chuộng, ưu ái “người lớn” của nền kinh tế- các tập đoàn, DNNN, trong cung cách quản lý Nhà nước như vậy, sẽ thấy các đối tác thương mại của Việt Nam thuộc WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) cảnh báo VN duy trì lượng lớn DNNN sẽ kéo lùi sự phát triển kinh tế trong tương lai, không còn là ở thì tương lai, mà là thì hiện tại (VnExpress, ngày 29/11).
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 22/11 cho thấy yếu kém của DNNN đã gây tác động tiêu cực lên bức tranh nợ xấu – 73.000 tỷ đồng- vốn đã rất ảm đạm do suy giảm kinh tế.
Trong khi theo Ts Nguyễn Đình Cung, hàng loạt các nguyên tắc của thị trường lại chưa thực sự áp dụng với các DNNN, khi các DN này thua lỗ. Vì Nhà nước về cơ bản vẫn đứng ra gánh chịu các khoản nợ cho DN dưới hình thức giảm nợ, giãn nợ hoặc bảo lãnh quản lý nợ. Được chiều chuộng đến thế là cùng!
Vậy nên, không phải không có lý khi các thành viên của WTO đề xuất, VN tiếp tục cải cách mạnh khu vực kinh tế Nhà nước, bảo đảm sân chơi công bằng cho các thành phần kinh tế, mạnh dạn đưa ra lộ trình giảm quy mô khu vực này, sao cho đóng góp vào GDP giảm xuống còn 15-17% vào năm 2015 và xuống dưới 10% vào năm 2020. Hiện nay, tỷ lệ này chiếm 38% GDP.
Bởi hiệu quả làm ăn của các “người lớn” của nền kinh tế này lại không… lớn như tầm cỡ, quy mô tài sản, tiền bạc được đầu tư: Báo cáo số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, khu vực này phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra 02 doanh thu năm 2009, trong khi DN ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 1,3 đồng. Điều này đã kéo mức sử dụng vốn trung bình của toàn bộ doanh nghiệp VN lên 1,5 đồng (Tiền phong, ngày 22/11)
Trong khi, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến thời điểm đầu năm 2013, không ít tập đoàn, tổng công ty đã bị “âm vốn” do … “dương lỗ”: Tổng công ty Xăng dầu Quân đội âm 205 tỷ đồng, Vinalines âm 2.177 tỷ đồng, Tổng công ty Đường thủy âm 536 tỷ đồng; Tổng công ty Cơ khí xây dựng âm 316 tỷ đồng… (theo BaoDautu.vn, ngày 19/12)
Tiền, tiền, tiền. Cái gì cũng cần tới tiền, nhưng “người lớn được chiều” tiêu và phá tiền như… nước, làm giảm sức phát triển xã hội đã đành, mà còn làm cho các loại hình, khu vực kinh tế khác mất động lực, vì sự bị “chèn ép” vô lý. Chính vì thế, quan điểm của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh mới đây là rất đúng đắn và cần thiết.
Đó là “Để đất nước phát triển, cần tư nhân tham gia vào nền kinh tế”(theo VOV.VN, ngày 15/12). Điều kiện cần và đủ- phải thực hiện ngay trong năm 2014- cải cách thể chế, mà theo ông Bùi Quang Vinh, quan trọng nhất là tạo ra khung khổ pháp lý cho lĩnh vực tư nhân và các lĩnh vực kinh tế khác ngoài Nhà nước tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cổ phần hóa bớt DNNN. Nhà nước chỉ giữ lại lĩnh vực quan trọng, then chốt. Đó là “cửa mở” rất quan trọng nếu Việt Nam muốn tăng trưởng mạnh hơn cho năm 2014 và những năm tiếp theo.
Một giải pháp căn cơ, thẳng thắn và cũng là … nước đến chân rồi. Liệu, những “người lớn hư hỏng” của nền kinh tế đang suy yếu có hứa hẹn trở nên ngoan?
Nhưng nếu tư duy kinh tế vẫn xơ cứng, ý thức hệ vẫn bảo thủ, và sâu xa nữa, lợi ích nhóm bị ảnh hưởng, thì cái cô Đào của ca dao xưa, có thể phải đau khổ mà trả lời chàng Mận ngày nay:
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai …cho vào.
Theo Tuần Việt Nam