Có những quy định sau khi bị dư luận chỉ trích đã được rút lại, nhưng không ít quy định “trời ơi” vẫn được duyệt và thông qua.
Từ ngày mai (28/12), nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính như "tội bất hiếu", “chồng chửi vợ”, “chồng ngăn vợ gặp bạn bè”,... bắt đầu có hiệu lực.
Đây là những quy định thuộc Nghị định 167/2013/NĐ-CP về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình" mà Chính phủ mới ban hành.
|
Từ mai, chồng chửi vợ hoặc vợ chửi chồng sẽ bị xử phạt đến 1 triệu đồng. |
Mặc dù Nghị định đã được thông qua nhưng nhiều ý kiến cho rằng một số quy định trong nghị định rất thiếu thực tế và không khả thi. Chẳng hạn quy định chồng chửi vợ hoặc vợ chửi chồng sẽ bị xử phạt đến 1 triệu đồng. Điều 51 quy định, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên trong gia đình.
Nhiều người băn khoăn không biết cơ quan chức năng sẽ xử phạt hành vi này như thế nào hay chỉ ra quy định cho vui, bởi rất khó lấy được chứng cứ để xử phạt, hơn nữa vợ chồng chửi nhau thì cũng chẳng ai đi tố với cơ quan công quyền.
Bên cạnh đó, pháp luật quy định tài sản trong hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, vì thế tiền nộp phạt cũng là lấy từ túi tiền gia đình mà ra và người tố cáo là vợ hay chồng cũng bị thiệt hại lây nên không ai dại gì tố cáo. Việc bị phạt cũng sẽ khiến vợ chồng bất hòa, nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội…
Bên cạnh những quy định không khả thi vẫn được duyệt thì một số quy định “trời ơi” khác đã được bãi bỏ trong Nghị định này, như “thả rông”, “dọa ma trẻ con”, “vợ kiểm soát tiền chồng”…
Thực ra, những quy định trên đều đã có từ nhiều năm nay. Thậm chí, trong các nghị định trước đây, nhiều hành vi khác liên quan đến trật tự an toàn xã hội, bạo lực gia đình bị xử phạt. Trong đó có quy định xử phạt hành vi không mặc quần áo nơi công cộng mà nhiều người quen gọi là "thả rông".
Một số hành vi khác trước đây cũng có quy định xử phạt là: vợ kiểm soát tiền chồng hoặc chồng kiểm soát tiền vợ; cha mẹ dọa con bằng ma quỷ, ngáo ộp;... Nhưng thực tế, từ trước đến nay hầu như vẫn chưa ai bị xử lý.
Trước đây, ít ai để ý đến những quy định này. Cách đây không lâu, khi soạn thảo Dự thảo Nghị định 167, Bộ Công an tiếp tục đưa những hành vi này vào để lấy ý kiến dư luận. Theo đó, nhiều quy định xử phạt đã gây ra không ít tranh cãi.
Trong Dự thảo cuối cùng trình Chính phủ, Bộ Công an đã sửa đổi nhiều nội dung so với Dự thảo ban đầu. Và nghị định 167 Chính phủ mới ban hành, nhiều quy định như xử phạt "thả rông", "vợ kiểm soát tiền chồng", "dọa ma trẻ con" đều đã được bỏ ra khỏi Nghị định.
Ngoài những quy định trong Nghị định trên, trước đó cũng có không ít quy định “từ trên trời rơi xuống” khiến dư luận không khỏi ngán ngẩm. Chẳng hạn như quy định bổ sung đối tượng ưu tiên tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng từ thời Cách mạng Tháng Tám 1945 khi dự thi đại học.
Mặc dù cơ quan ban hành đã cố lý giải việc này là sự thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn nhưng nó đã được rút lại ngay sau đó sau vô số ý kiến phản bác và chỉ trích sự thiếu thực tế và không cần thiết của quy định này.
Hồi đầu năm nay, cũng đã có không ít văn bản quy phạm pháp luật có nhiều hạn chế, thiếu sót, thiếu tính khả thi… bị dư luận phản đối, buộc phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc hủy bỏ như quy định xử phạt đến 5 triệu đồng đối với hành vi nghe điện thoại ở cây xăng, quy định xử phạt xe không “chính chủ”, quy định bán thịt trong vòng 8 giờ…
Chẳng hạn, đối với việc xử phạt 5 triệu đồng với hành vi nghe điện thoại ở cây xăng, dư luận băn khoăn không biết việc triển khai phạt sẽ như thế nào. Vì thực tế, nhân viên cây xăng là người trực tiếp phát hiện các vi phạm nhưng không có quyền xử phạt. Còn cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì không thể giăng quân, túc trực hết tại các cây xăng để bắt quả tang vi phạm. Thêm vào đó, lực lượng này không được giữ giấy tờ xe, giữ xe thì làm sao bắt được người vi phạm nộp 5 triệu đồng?
Sau khi dư luận lên tiếng, Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp đã thừa nhận tính khả thi của việc xử phạt không cao và lãnh đạo ngành Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cũng thừa nhận, quy định mới này chỉ “để giáo dục ý thức, phòng ngừa vi phạm và giải pháp trước mắt vẫn tuyên truyền là chủ yếu”.
Kỳ quặc nhất, có lẽ là quy định “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài” tại Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định tại buổi họp báo công bố Nghị định đã lập luận, quy định như vậy để tránh việc nhìn vào thi thể đã để mấy ngày, tránh ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dự tang lễ.
Ngay lập tức, dư luận “ném đá” việc dùng biện pháp hành chính cấm đoán một hành vi văn hóa mang tính truyền thống, rất riêng tư của mỗi người. Và rốt cục, văn bản này cũng bị cơ quan chức năng kiến nghị hủy bỏ.
Việc ban hành văn bản pháp luật là để điều chỉnh những hành vi sai trái, lệch lạc nhằm xây dựng một xã hội chuẩn mực hơn, tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Theo ý nghĩa đó, văn bản pháp luật phải xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống và đi vào cuộc sống. Thế nhưng, với kiểu làm luật… “ở trên trời” thì mục tiêu này đã không thể đạt được, chưa nói đến các hệ lụy xấu khác như việc “nhờn luật” do sự bất cập gây ra.
Tuy nhiên, có một thực tế là từ trước đến nay dường như chưa có ai bị xử lý hay chịu trách nhiệm về việc ban hành những văn bản pháp luật thiếu tính khả thi, xa rời cuộc sống. Đây chính là “lỗ hổng” dẫn đến sự ra đời của những quy định thuộc dạng… “luật trời ơi”. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc pháp luật cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người hoặc cơ quan đề xuất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm bịt cho được cái “lỗ hổng” trách nhiệm của những người làm luật “ở trên trời”.
Theo Kiến thức