Thông tin, tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam thuộc nhóm cao hàng đầu thế giới khiến nhiều người quan tâm. Theo nhận định của các bác sỹ chuyên khoa, trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn được xếp là một trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này.
Bỗng dưng mang... "án tử"
Ngày 19/12, chúng tôi tìm đến viện K, Bạch Mai, Việt Đức... để tìm hiểu về thực trạng bệnh nhân ung thư gia tăng ở Việt Nam. Tại đây, chúng tôi đã chứng kiến những bệnh nhân ung thư quằn quại trong cơn đau mà không cầm nổi nước mắt. Những con người mà cuộc sống của họ giờ tính bằng tháng, thậm chí bằng ngày, bằng giờ.
Tại viện K, ông Nguyễn Đình K. (63 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đang phải điều trị hóa chất giai đoạn 3. Ông bị đau dạ dày đã lâu nhưng vẫn chủ quan nghĩ đó chỉ là bệnh đau đại tràng thông thường thôi. Đến khoảng hơn một tháng trước, ông K. bị đau thượng vị, không ợ hơi được tức bụng có lúc đau quằn quại nên đã đi nội soi thì thấy trong dạ dày có những vết sần sùi và bác sỹ kết luận là ung thư dạ dày thể thâm nhiễm. Nhưng khi sinh thiết thì không có tế bào ung thư.
Ông K. tiếp tục đi khám ở Bạch Mai, ở bệnh viện Đại học Y, ở Việt Đức đều cho kết quả giống nhau là nghi K dạ dày thể thâm nhiễm nhưng cả 3 lần sinh thiết đều cho kết quả không phát hiện tế bào ung thư.
Cuối cùng, nghe lời khuyên của bác sỹ, ông K. quyết định mổ. Nhưng đến khi mổ ra thì bác sỹ lại phát hiện ra ung thư đã di căn ra khắp ổ bụng và đã di căn sang gan 1cm. Bác sỹ nói, ông K. chỉ sống được khoảng 2 tháng nữa. Mọi người trong nhà đã rất sốc và gần như mất hết hy vọng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ung thư vòm họng.
Không chỉ riêng trường hợp bệnh nhân K., hiện có rất nhiều bệnh nhân sau khi có biểu hiện bất thường đến bệnh viện khám mới biết mình mắc ung thư giai đoạn cuối.
Cho đến ngày hôm nay, sau 3 tháng nhận được hung tin từ bác sỹ, anh Nguyễn Thanh Ng. (Hà Đông, Hà Nội) vẫn không thể tin rằng mình đang mang... "án tử". Cuối tháng 9/2013, cơ quan anh Ng. tổ chức khám định kỳ cho các công nhân viên tại bệnh viện Hà Thành. Trong quá trình khám, các bác sỹ có nghi ngờ anh Ng. mắc ung thư nên chỉ định làm sinh thiết. Sau 3 ngày, bệnh viện Hà Thành gọi anh Ng. đến trao đổi về tình trạng bệnh và giới thiệu anh đến bệnh viện K khám lại. 7 ngày sau, bác sỹ thông báo anh bị ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Chỉ trong vòng 3 tháng, anh Ng. đã phải xạ trị 2 lần tại viện 108, số tiền điều trị "ngốn" đến hơn 60 triệu đồng.
Tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao hàng đầu thế giới
Theo tìm hiểu của PV, có những bệnh nhân, sau khi phát hiện ung thư, thời gian sống chỉ kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Anh Nguyễn Văn Hoàng ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Chỉ trong tháng 10, tại khu dân phố của anh đã có 2 bệnh nhân ung thư qua đời. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị H., sinh năm 1971, sau khi phát hiện ung thư nội tiêu hoá, chưa đầy 1 tháng chị H. đã tử vong và anh Nguyễn Văn T. (40 tuổi), sau khi phát hiện bị ung thư dạ dày được 3 tháng cũng đã lìa xa cõi đời".
Tại hội nghị khoa học quốc tế về phòng chống ung thư tổ chức ở bệnh viện Bạch Mai tháng 4/2013, ông Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho hay, số tử vong do ung thư hằng năm lên đến 82.000 trường hợp, tỉ lệ tử vong/mắc lên đến 73,5% và vào loại cao hàng đầu thế giới (tỉ lệ tử vong/mắc ở bệnh nhân ung thư chung toàn thế giới là 59,7%).
BS. Mai Trọng Khoa cho biết: "15 loại ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam là ung thư phổi, vú, đại trực tràng, dạ dày, gan, tiền liệt tuyến, tử cung/cổ tử cung, thực quản, bàng quang, u lympho không hodgkin, khoang miệng, bệnh bạch cầu, tụy, buồng trứng và thận. Số mắc các loại ung thư khác nhau giữa các vùng địa dư, trong đó tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở TP.HCM gấp gần sáu lần Hà Nội, nhưng ung thư vú ở Hà Nội lại cao gấp rưỡi TP.HCM. Nam giới TP.HCM mắc ung thư gan nhiều, nhưng nam giới Hà Nội mắc ung thư phổi nhiều hơn hẳn".
Bộ Y tế cảnh báo, cứ 10 phụ nữ Việt thì 1 người có nguy cơ bị ung thư vú, mỗi năm có thêm 15.000 người mắc bệnh này. Ung thư vú là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, thường gặp thứ hai trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đa phần người bệnh đến viện khi bệnh đã nặng khiến hiệu quả điều trị thấp, khoảng 35% tử vong.
Bệnh nhân ung thư và nỗi niềm khao khát sống.
Thực phẩm độc hại - “thủ phạm số 1”
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây bệnh thì có nhiều, song chủ yếu là do nguồn nước ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại. Theo TS.Trần Đáng- nguyên Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế thì hàng ngày, người dân phải ăn những loại thực phẩm bị "tẩm độc" bởi những loại hóa chất độc hại từ Trung Quốc.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ hàng loạt những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc trong nước. Trong đó, hầu hết đều có chứa các chất bảo quản gây nguy cơ mắc bệnh ung thư cho người tiêu dùng như thịt lợn chứa chất tạo nạc, thuốc an thần; gà thải Trung Quốc nhập lậu còn tồn dư chất kháng sinh, đến rau phun thuốc kích phọt, giá đỗ có hóa chất cấm, măng ướp lưu huỳnh; chuối chín sau một đêm do ủ hoá chất...
Ngay cả những thứ quà vặt cho trẻ em như bim bim, kẹo mút, nguyên liệu để sản xuất không đảm bảo, có chứa chất độc hại gây nguy hại. Những thứ đồ chơi cho trẻ cũng trở nên nguy hiểm bởi bên trong đó là những loại hóa chất trở thành tác nhân gây ra bệnh ung thư.
BS.Nguyễn Thị Vượng, khoa Ung bướu, bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận định: "Ung thư là hiện tượng đột biến của tế bào. Từng tế bào trong cơ thể con người không phải tồn tại vĩnh viễn, mà nó phát triển, sinh sôi, từ một tế bào phát triển thành nhiều tế bào. Hằng ngày, một số tế bào chết đi, một số tế bào mới sinh ra để cân bằng. Khi tế bào bị đột biến, sinh ra những dòng tế bào có khả năng tăng trưởng vô hạn độ, không tuân theo quy luật, sự kiểm soát bình thường thì sẽ tạo ra những khối u".
Theo BS. Vượng, tất cả những gì "đánh" vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư. Trên 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, còn tỷ lệ tự đột biến rất thấp, chỉ khoảng 10%. Trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn đóng một vai trò quan trọng, được xếp hàng đầu trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này.
"Thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bị nhiễm hóa chất có thể gây độc cấp như ngộ độc thức ăn, nôn mửa. Nhưng nếu tiềm tàng lâu dài, tích lũy lâu ngày trong cơ thể, đến một lúc nào đó sẽ đủ lượng gây đột biến tế bào. Nếu bị đột biến nhẹ thì tế bào có thể tự điều chỉnh, nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ mất khả năng tự sửa chữa, đột biến trở thành ác tính", BS. Vượng cảnh báo.
Các bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo, phương pháp chế biến thực phẩm cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Nếu chế biến thực phẩm không đúng cách như các món rán, nướng; chế biến thực phẩm mốc cũng tạo thêm cơ hội cho các tác nhân gây ung thư xâm nhập cơ thể. Thói quen ăn nhiều các loại rau, dưa muối mặn cũng dễ gây ung thư các cơ quan tiêu hóa như ung thư ruột, ung thư gan. Ăn nhiều thức ăn động vật, mỡ, dễ dẫn đến thừa đạm, dễ gây ung thư đại tràng, trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt.
Tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với các nước trong khu vực
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày khiến cho Việt Nam là nước có bệnh nhân ung thư nhiều nhất trên thế giới. Kết quả khảo sát năm 2011 cho thấy, tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với Lào, Philipines, Thái Lan và các nước trong khu vực. Cũng báo cáo, trong cả nước, Hà Nội và TP.HCM có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư vú cao nhất với tỉ lệ 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000 người tại TP.HCM (năm 2010). |
Theo Nguoiduatin.vn