Cảnh đời vất vả của bệnh nhân ung thư xin cơm từ thiện

Thứ tư, 20/11/2013, 15:57
Giờ phát cơm chiều miễn phí tại Bệnh viện U bướu Trung ương (Hà Nội), cô gái trẻ ngồi im ở băng ghế xa vì không chen được với số bệnh nhân đang xếp hàng. Được tình nguyện viên tặng một suất cơm, nữ bệnh nhân rơi nước mắt.

"Em xúc động quá vì bị bệnh vẫn được mọi người quan tâm", cô gái tên Yến nghẹn ngào chia sẻ. Yến phát hiện u cổ tử cung cách đây khoảng một năm, các biểu hiện bệnh ngày một trầm trọng. Quê Nam Định, học ở Đồng Tháp, mãi tới nay Yến mới có thể đi điều trị được. Cô ở Bệnh viện U Bướu Trung ương (Viện K) mới 3 ngày, đang trong thời gian chờ mổ. Hôm nay, thấy mọi người í ới nhau đi xin cơm, Yến cũng đi theo.

Vài trăm suất cơm phát chỉ trong chục phút là hết, ai cũng ào đến sợ mất phần còn cô gái trẻ chỉ biết đứng từ xa nhìn. Cũng may một tình nguyện viên trông thấy cô từ trước và đã dành một phần cho Yến. Được mọi người hướng dẫn, cô cũng mang cặp lồng xin thêm một chút cháo. "Một suất cơm, một suất cháo, thế là hai bố con đủ bữa tối", Yến tâm sự.

ungthu1.jpg

Bệnh nhân xếp hàng chờ phát sữa từ thiện. Ảnh: Phan Dương.

Ngày nào cũng có nhiều tổ chức mang cơm, cháo, sữa đến phát ở Viện K nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn tới cảnh xếp hàng lộn xộn, nài nỉ xin cơm. Các nhóm thường phát phiếu ăn cho bệnh nhân nghèo, tới giờ, mọi người cầm phiếu tới nhận đồ. Ngoài ra, họ cũng chuẩn bị thêm một số suất cho các trường hợp khó khăn đột xuất. Bởi thế, nhiều người dù không được phát phiếu vẫn ra xếp hàng.

Hơn 8 năm qua, chùa Linh Sơn phát cơm đều đặn hàng ngày cho bệnh nhân Viện K. Đăng ký phát 180 suất nhưng bao giờ nhà chùa cũng làm thêm mấy chục suất nữa mà cũng không đủ. Bà Lê Thị Hoàng, Phật tử của chùa, tâm sự, ngày đêm bà luôn bị ám ảnh trước hình ảnh những bệnh nhân ung thư rụng tóc, chầu chực chờ xin cơm. "Tôi xót xa lắm khi bao nhiêu người nài nỉ", bà nói.

Giờ phát cơm bắt đầu từ 16h mỗi ngày, các phần ăn được phát hết ngay sau đó. Còn suất duy nhất cho người có phiếu chưa tới, bà Hoàng được cử ở lại chờ, trong khi các tình nguyện viên khác đã về. Rất nhiều người bệnh nghèo nhưng không phiếu ăn tới chỗ bà nài nỉ: "Cho tôi suất cơm này đi mà", "Tôi là bệnh nhân đây", "Tôi là gia đình chính sách", "Em hết tiền rồi", "Mấy hôm rồi em toàn phải ăn cháo"... Bà Hoàng thấy giận chính bản thân mình vì không có nhiều cơm hơn để cho người bệnh nghèo.

UNGTHU9.jpg

Đang trong giờ truyền dịch, ông Trần Văn Mít (59 tuổi, Hà Nam) vẫn đi bộ từ tầng 3 Viện K xuống để nhận cơm vì sợ muộn sẽ hết. Ảnh: Phan Dương.

Húp tô cháo nóng hổi vừa xin được, ông Ngô Bá Song, trung tá về hưu (quê Tứ Kỳ, Hải Dương), xuýt xoa: "Ít khi tôi đi mua cơm lắm, toàn ăn cháo từ thiện là chính. Cơm cháo họ nấu vừa ngon, vừa sạch hơn hẳn cơm quán".

Bị ảnh hưởng chất độc da cam, ông Song không thuộc diện được phát phiếu cơm. Ông thường được bạn cùng phòng chia sẻ cơm hoặc đi xin những suất ăn không cần phiếu. "Lương hưu của tôi được 8 triệu đồng, nuôi hai thằng con bị chất độc da cam với chi phí thuốc thang cũng không dư dả gì. Vì thế, mỗi lần lên bệnh viện điều trị tôi toàn xin cơm và ngủ ở đây chứ không bao giờ thuê nhà", ông nói.

Vợ mất cách đây 11 năm, 2 cậu con trai năm nay đã ngoài 30 tuổi cũng bị di chứng chất độc da cam, một mình ông Song phải chăm sóc. Năm ngoái, ông phát hiện có một khối u ở phổi nhưng không cắt được, chỉ có thể theo phương pháp xạ trị. "Phải xạ trị 25 mũi, hiện tôi mới làm được 6 mũi thôi", ông cho biết.

Ông bước nhanh theo mấy người bạn già về khu hóa chất tầng 3, nơi đặt chỗ ngủ. Nhiều bệnh nhân ở Viện K thường ngủ vạ vật ở bệnh viện cho đỡ tốn tiền. Vì thế mà vào cái giờ "gà còn chưa lên chuồng", họ đã rục rịch kiếm chỗ ngủ.

ungthu16.jpg

Khi cơm từ thiện không đủ, bệnh nhân có thể ăn cháo từ thiện thay thế. Trong ảnh, ông Ngô Bá Song ăn cơm, cháo từ thiện để dành tiền cho điều trị. Ảnh: Phan Dương.

"Cả 5 tháng trời chữa bệnh, tôi mới được ngủ giường vào hôm mổ", bệnh nhân tên Chi (52 tuổi, Sơn La) cho biết. Nơi ngủ của bà Chi thường là gầm giường và các lối đi lại trong phòng bệnh. Hôm nào đặt chiếu muộn, bà sẽ phải ngủ ở hành lang, gầm cầu thang.

Khối u của bà Chi được cắt bỏ năm ngoái, nay tái phát. Con cái đông muốn đi theo chăm sóc mỗi khi bà truyền hóa chất nhưng rồi phải để mình mẹ xuống viện. "Riêng tiền điều trị đã sạt nghiệp rồi, tốn thêm khoản đi lại, ăn uống, chỗ ở nữa thì lấy đâu ra. Thôi thì tự mình khắc phục, nương tựa những người bệnh khỏe hơn", bà nói.

Hai năm ở viện, bà Chi đã quen với cảnh ngày ngày xếp hàng chờ cơm, dù có phiếu hay không. Mỗi ngày bà đỡ được 30.000 đồng tiền ăn, mỗi đợt điều trị đỡ được vài trăm nghìn đồng. Ngủ tạm bợ, uống nước trong bệnh viện, bà đã chắt chiu được số tiền dành để tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Theo Vnexpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích