Ở nhờ trong lô cốt
Bà Mận sinh ra và lớn lên khi đất nước chìm trong tiếng súng, bà từng là thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ lái đò chở bộ đội sang sông. Ba năm làm thanh niên xung phong, sau đó bà Mận được phân công làm hộ lý tại Bệnh viện Phủ Lý lúc bấy giờ. Gần 30 năm làm hộ lý, lương ba cọc ba đồng, cuộc sống khó khăn thiếu thốn nhưng bà Mận vẫn tận tụy với công việc và luôn đồng cảm với những cảnh ngộ khó khăn.
Hằng ngày chứng kiến nhiều gia đình có hoàn cảnh éo le, bà tự nhủ sẽ cố gắng hết sức mình để có thể giúp đỡ người đời. Thấy ai khó khăn là bà lại xắn tay giúp đỡ, không mong trả công, đơn giản có khi chỉ là phích nước, cái bánh, hộp sữa…
Công tác tại bệnh viện đến năm 2000, với số tiền ít ỏi dành dụm được, bà Mận vẫn không đủ tiền mua nổi mảnh đất “cắm dùi”. Thấy hoàn cảnh bà Mận khó khăn, bệnh viện đã cho bà mượn tạm một miếng đất nhỏ ngay cạnh bệnh viện để làm nơi trú thân.
Những món đồ của bà Mận rải rác trong lô cốt
Căn nhà nhỏ bà Mận đang ở rộng chừng 10 m2, quá chật chội nên bất đắc dĩ, hơn 10 năm nay, bà Mận đã tận dụng khoảng diện tích của một lô cốt gần nhà để cơi nới cho chỗ ở được rộng rãi. “Ngày trước lô cốt giặc Pháp xây nhiều lắm. Hòa bình lập lại dân mình phá đi lấy chỗ làm nhà, làm đường” – bà kể.
Trong lô cốt có một cái bếp được che đậy bằng một cánh cửa gỗ vốn đã mục nát; quạt điện, củi,… và xe đạp tồi tàn là tài sản quý giá nhất. Bà Mận phân trần: “Nhà chật quá nên hơn 10 năm nay tôi xin chính quyền ở nhờ lô cốt. Mình vừa ở vừa trông coi để bảo vệ lô cốt vì nó là minh chứng lịch sử”. Những khi mưa to gió lớn, sợ căn nhà nhỏ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, bà Mận lại lọ mọ mang chăn chiếu ra lô cốt ở.
Người nghèo làm việc thiện
Mải tận tâm với công việc, bà Mận quên cả xây dựng hạnh phúc gia đình. Sau này quá lứa lỡ thì, bà quyết định sống đơn thân, một lòng hướng Phật.
Nghỉ hưu, mỗi tháng bà Mận nhận được số tiền lương hưu gần 2 triệu đồng. Số tiền này cộng với tiền dành dụm từ việc bán trà đá, bà gom lại mua sách vở, quần áo cho những trẻ em cơ nhỡ. Ban đầu là những gia đình nghèo khó ở Hà Nam, sau mở rộng ra các tỉnh nghèo khác.
Nhận thấy việc làm ý nghĩa của bà, nhiều chị em phụ nữ cũng tự nguyện tham gia, thành lập nhóm làm công tác từ thiện trên nhiều tỉnh thành. “Nhóm hiện tại có 12 người, thời gian tới chúng tôi sẽ đi Mù Cang Chải để thăm những trẻ em nghèo khó” - bà Mận chia sẻ.
Quán trà đá nhỏ giúp bà Mận dành dụm tiền làm từ thiện
Năm 2012, nhóm từ thiện của bà đã mang niềm vui đến cho những đứa trẻ nghèo ở vùng thường xuyên gặp thiên tai Đức Thọ (Hà Tĩnh), trẻ em vùng ven biển tỉnh Quảng Trị; tặng quà cho bà con dân tộc sống quanh khu căn cứ cách mạng Tân Trào - Tuyên Quang.
Nói về hành động đáng trân trọng của mình, bà Mận chia sẻ: “Bác Hồ ngày trước luôn dạy dân mình phải biết tiết kiệm, đùm bọc yêu thương lẫn nhau. Đi đến đâu cũng thấy dân mình còn nghèo và đói khổ lắm. Mình già rồi, chỉ mong làm được nhiều việc nghĩa hơn. Đấy là niềm vui, là động lực để sống vui”.
Theo Dantri