Trong đó việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đang gây lo lắng nhiều người.
Không được dừng xe xử phạt
Thông tư 11/2013 quy định: Thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết TNGT; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp xe vi phạm bị tạm giữ và qua điều tra án hình sự, nếu phát hiện người mua, người bán không sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe thì CSGT sẽ làm rõ hành vi mua, bán xe không sang tên.
Các trường hợp quá 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe mà chưa thực hiện thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe sẽ bị CSGT xử phạt.
Theo Nghị định 71/2012 sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010, việc không chuyển quyền sở hữu xe máy bị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng. Đối với ô tô, mức phạt từ 6 đến 10 triệu đồng.
Một thứ trưởng Bộ Công an khẳng định nếu người lái ô tô, xe máy có đầy đủ giấy tờ theo quy định (giấy đăng ký xe, bằng lái tương ứng xe đang chạy, giấy chứng nhận bảo hiểm dân sự bắt buộc…) thì CSGT không được quyền hỏi “xe có chính chủ” hay không. Thông tư 11 cũng nhấn mạnh CSGT không được phép dừng xe để kiểm soát và xử lý hành vi không chuyển quyền sở hữu.
Theo quy định, CSGT không được dừng xe để xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ. Ảnh minh họa: HTD |
Thủ tục thoáng hết cỡ
Cùng bắt đầu từ ngày 15/4, Thông tư 12/2013 (có hiệu lực đến hết năm 2014) của Bộ Công an đưa ra những thủ tục rất thoáng cho việc sang tên, đổi chủ. Theo đó, những xe mua bán qua nhiều đời chủ mà không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ đã quá lâu thì vẫn được giải quyết, cấp đăng ký lại. Người sử dụng xe phải cam kết chịu trách nhiệm (có xác nhận của công an nơi thường trú) về chiếc xe mà mình đăng ký.
Quy định mới cũng “mở” hết cỡ, giải quyết cho những trường hợp không có chứng từ chuyển nhượng lại mất cả cà vẹt hoặc biển số. Trong trường hợp này, ngoài việc có giấy cam kết như đã nêu, chủ xe cần trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe.
Khi làm thủ tục sang tên xe trong cùng tỉnh, người đang sử dụng xe có giấy mua bán của chủ xe trong cà vẹt và giấy mua bán của người bán cuối cùng sẽ được cấp cà vẹt sau hai ngày làm việc. Nếu người đang sử dụng xe không có giấy mua bán thì sẽ được giải quyết trong vòng 30 ngày làm việc.
Nếu làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác mà hồ sơ có đủ giấy mua bán thì thủ tục tương tự như trong cùng tỉnh và cũng được giải quyết sau hai ngày làm việc. Nếu không có chứng từ mua bán chuyển nhượng xe thì trong vòng 30 ngày cơ quan đăng ký xe chuyển đi phải hoàn tất hồ sơ cho người dân. Sau đó người dân mang hồ sơ này đến nơi mình thường trú để đề nghị cấp cà vẹt, biển số cho mình và thời hạn giải quyết theo quy định là hai ngày.
“Hãy cho người dân thời gian” Luật sư Trần Đình Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng thực trạng xe máy “không chính chủ” hiện nay khá phổ biến mà nguyên nhân có phần từ trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Còn nhớ, vào năm 2003 Bộ Công an quy định chỉ cho phép mỗi người đăng ký một xe máy.Hay do những rào cản về thủ tục mà người dân các tỉnh vào TP.HCM, Hà Nội… sinh sống không thể đứng tên trên cà vẹt chiếc xe của mình. Đây là lý do chính khiến rất nhiều người mua phải nhờ người thân, bạn bè hoặc thậm chí cả cửa hàng bán xe đứng tên. “Việc để “xe không chính chủ” có lỗi từ phía người dân nhưng các cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm. Nay Thông tư 12 đã mở ra các điều kiện rất thoáng thì hãy cho người dân một khoảng thời gian để họ chuyển đổi xe về “chính chủ”. Sau thời gian này, ai vẫn không sang tên thì hãy phạt” - luật sư Nam đề nghị. Trong dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đang được Chính phủ xem xét đã không còn điều khoản xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu. Theo Bộ GTVT, đó là do quy định này chưa tạo được sự đồng thuận của người dân. Năm 2012 tôi mua một chiếc ô tô cũ nhưng chỉ làm giấy “ủy quyền” do lúc ấy lệ phí trước bạ đến 10%. Nay mức lệ phí này còn 2% (từ ngày 1/4) nhưng mới giảm vài ngày nên tôi không kịp hoàn tất thủ tục sang tên, đổi chủ. Theo tôi, nên cho người dân thêm một khoảng thời gian để làm thủ tục rồi hẵng xử phạt. Ông Lê Hoàng Đệ, quận 7, TP.HCM |
Theo GiaoducOnline